Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 19/12, công tác quản lý thị trường trên địa bàn của Sở Công Thương TP. Hà Nội và Chi cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội nhận được sự quan tâm. Câu hỏi về trách nhiệm của quản lý thị trường ở đâu khi để xảy ra vụ việc Khaisilk kéo dài mà không phát hiện được đặt ra với cơ quan quản lý.
Trả lời câu hỏi của báo chí, ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội, cho biết sau khi để xảy ra vụ việc, 2 cán bộ quản lý thị trường tại quận Hoàn Kiếm đã bị hạ một bậc khen thưởng trong năm 2017.
Ông Lộc cũng cho rằng việc Khaisilk treo biển hiệu quảng cáo là hàng Việt Nam nhưng lại bán hàng “made in China” dẫn tới khó kiểm tra, kiểm soát. Theo đó, các cán bộ của quản lý thị trường đã tích cực đóng góp vào quá trình điều tra và khởi tố Khaisilk sau khi có chỉ đạo của Bộ Công Thương.
Cũng tại buổi họp báo, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, lực lượng nhân sự quản lý thị trường quận Hoàn Kiếm khá mỏng.
"20 cán bộ quản lý thị trường quản lý hơn 20.000 hộ kinh doanh, anh em cũng căng sức ra để làm", ông Nguyễn Đắc Lộc nói.
Vị này cho hay, sự kiểm tra của quản lý thị trường đã góp phần giúp cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ, chuyển sang cơ quan điều tra khởi tố Khaisilk tội vi phạm nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, khăn lụa nhãn hiệu Khaisilk không có thành phần silk như công bố. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong vòng 3 năm (2006 - 2009), Khải Đức có nhập khẩu các sản phẩm thời trang từ Trung Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, từ 2009 đến ngày 15/10/2017 công ty không còn nhập khẩu các mặt hàng thời trang. Từ năm 2012 đến nay, công ty cũng không tiến hành hoạt động sản xuất, gia công hoặc đặt gia công các sản phẩm thời trang của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước.
Thay vào đó, doanh nghiệp này chủ yếu mua các thành phẩm từ các cửa hàng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khác trên thị trường về gắn mác.