Từ nhiều năm nay, Tân Uyên (nay là TX Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên) đã là một “điểm nóng” về khai thác khoáng sản trái phép. Thực hiện Quyết định Thanh tra 5617/QĐ-UBND ngày 31/12/2009 của Chủ tịch UBND Bình Dương, từ 15/1 - 26/4/2010, Đoàn thanh tra đã kiểm tra, xác minh trực tiếp 42 đơn vị, cá nhân khai thác có phép và trái phép để kiểm tra về hồ sơ pháp lý, thiết kế mỏ và nghĩa vụ tài chính trên địa bàn huyện Tân Uyên.
Hủy hoại 605.410m2 đất
Ngày 15/6/2010, Đoàn thanh tra có Báo cáo 96/BC-Đ.TTr và Kết luận thanh tra 134/KL-TTr ngày 28/7/2010. Theo đó, khảo sát và kiểm tra đo đạc 42 trường hợp khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Tân Uyên ở 8 xã, thị trấn; ghi nhận tất cả 42 trường hợp trên khai thác trái phép hoặc có chủ trương cũng thực hiện không đúng theo giấy phép.
Thời gian kiểm tra, cơ quan chức năng xác định có nơi ngưng, có nơi đang khai thác; hiện trạng của các địa điểm khai thác là loang lổ, lồi lõm hầm hố. Qua đo đạc với sự chứng kiến của chính quyền 8 xã, xác định ít nhất 605.410m2 đất bị hủy hoại (độ sâu nhất 12m, cạn nhất 1m) với khối lượng khoáng sản bị móc đi khoảng 3,5 triệu m3 (đất sỏi đỏ, đất sét, đất đầu, cao lanh).
Tất cả các khu vực trên là đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất công. Các đối tượng đã sử dụng sai mục đích đất theo sổ đỏ; khai thác không đúng theo giấy phép; khai thác khoáng sản trái phép.
Mức độ tàn phá môi trường của các vi phạm trên cũng được Đoàn kiểm tra mô tả chi tiết.
Với một số điểm khai thác có phép “thiết kế khai thác không đúng, các vách moong thường thẳng đứng, chưa trồng cây xử lý môi trường, khai thác vượt ranh giới mỏ”; áp đơn giá tính thuế tài nguyên chênh tới 40% so với giá thị trường làm thất thu thuế; thực hiện cam kết bảo vệ môi trường, an toàn giao thông theo cách đối phó.
Với các điểm khai thác trái phép “không có thiết kế, không có phương án khai thác, nguy cơ tai nạn rất lớn; để lại hầm hố ao hồ, tầng khai thác có dốc ta luy thẳng đứng, tạo vách hầm ếch dễ xảy ra sụp lở bờ moong”.
Về thái độ của các đối tượng sai phạm, khi đoàn đến kiểm tra, các đối tượng này thậm chí san ủi, xóa dấu vết khai thác gây khó khăn cho lực lượng chức năng; nên có những nơi không có cơ sở tính chính xác sản lượng khoáng sản bị móc đi.
Đoàn kiểm tra ước tính diện tích đất bị hủy hoại ít nhất là 605.410m2 và móc đi ít nhất 3,5 triệu m3 khoáng sản; để cho cá nhân hưởng lợi, Nhà nước thất thu thuế gần 51 tỷ đồng.
Hành vi trên còn làm ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp, đất ruộng; các khu vườn bị biến thành hố sâu, nguy cơ sạt lở cao; gây hậu quả về kinh tế, xã hội, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Càng bị kiểm tra, càng... vi phạm
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên được Đoàn kiểm tra xác định do huyện Tân Uyên “kiểm tra và quản lý chưa tốt, chưa áp dụng triệt để pháp luật nhà nước; tổ chức kiểm tra, xử lý không kịp thời, không triệt để”.
Kết luận thanh tra 134/KL-TTr sau đó bị UBND tỉnh phúc tra vào cuối năm 2012. Ngày 10/5/2013, Đoàn phúc tra có Báo cáo số 148/BC-ĐPTr, cho thấy kết quả thanh tra là chính xác.
Nghiêm trọng hơn ở chỗ sau khi bị thanh tra, tình trạng sai phạm trong khai khoáng tại Tân Uyên càng tràn lan hơn, nghiêm trọng hơn. Đoàn phúc tra phát hiện thêm 5 địa điểm vi phạm không phép hoặc đã bị phát hiện vi phạm nhưng lại càng mở rộng diện tích trộm cắp khoáng sản.
Trong 42 cá nhân, tổ chức bị kết luận sai phạm hồi năm 2010, có 22 trường hợp chưa xử lý được; 2 trường hợp xác minh truy thu thuế, xử phạt nhưng vắng mặt tại địa phương; có 8 trường hợp huyện “đã xác minh” nhưng 3 năm sau vẫn “đang tham mưu xử lý”. Có 7 trường hợp trốn tránh hoặc cố tình không thừa nhận, không hợp tác, được mời làm việc nhưng liên tiếp vắng mặt không lý do.
“Đoàn đã làm việc nhiều lần nhưng các đối tượng quanh co, trốn tránh không thừa nhận; hoặc thừa nhận khai thác nhưng không thừa nhận vi phạm”, báo cáo nêu. Thậm chí có trường hợp không thi hành quyết định xử phạt, dù đã bị ra quyết định cưỡng chế.
Đoàn phúc tra cũng kiến nghị UBND tỉnh chuyển sang công an điều tra xử lý hình sự với một số trường hợp vi phạm rõ ràng nhưng nhiều lần không hợp tác, không thực hiện các quyết định của cơ quan chức năng, xem thường pháp luật.
Mới đây, cử tri địa phương có đơn cho rằng đến nay, kết luận thanh tra và báo cáo phúc tra của cơ quan chức năng Bình Dương vẫn chưa được thực thi, dù sai phạm đã được Đoàn kiểm tra chỉ ra rất rõ ràng. Tân Uyên đã được tách ra làm hai địa phương là TX Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên.
Khu vực Tân Uyên cũng là địa bàn có Chiến khu D, cái nôi của cách mạng miền Nam; vì vậy cử tri cho rằng các kết luận thanh tra đã ban hành cần được thực hiện nghiêm, có các biện pháp dẹp loạn tình trạng khai khoáng; nhằm bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo vệ di tích lịch sử cách mạng quan trọng.