Tự tử hay bị chồng giết?
Vào lúc 0h ngày 25/7/2016, người dân cả xã Tiên Ngọc, huyện Tiên Phước, Quảng Nam đang ngủ bỗng tỉnh giấc vì tiếng ồn ào, tiếng khóc vọng đến từ ngôi nhà gia đình anh Phạm Công Chánh và chị Huỳnh Thị Đông.
Theo lời kể của anh Phạm Công Chánh thì khoảng 22h30 ngày 24/7, anh đang ngủ thì bị mẹ đánh thức vì nghe cháu khóc quá. Khi tỉnh dậy, anh Chánh không thấy vợ mình là chị Đông đâu nên lo lắng đi tìm. Đến khoảng 0h ngày 25/7, mọi người trong nhà phát hiện chị Đông treo cổ chết trên cây khế sau nhà. Anh Chánh vô cùng đau khổ trước sự ra đột ngột của người vợ bao năm đầu gối tay ấp. Bốn đứa trẻ con của hai vợ chồng bỗng chốc thành mồ côi mẹ.
Trước nay chị Đông có tiền sử bệnh tâm thần và đã mấy lần đòi tự tử. Sau lần sinh con gần nhất không lâu, căn bệnh có triệu chứng tái phát chị Đông phải vào bệnh viện điều trị, nên gia đình dù đau khổ nhưng không ai nghi ngờ nguyên nhân cái chết của chị. Nhưng sự việc đã thay đổi ngay trong đám tang của chị ba ngày sau đó.
Ngày 28/7, trong lúc gia đình tổ chức tang lễ cho chị Đông thì bà Huỳnh Thị Hoa có họ hàng chị Đông bỗng nhiên nằm dài xuống đất liên tục co giật và nói một mình giống như đang bị vong nhập. Sau đó lại đến lượt bà Huỳnh Thị Tuấn là em gái bà Hoa cũng có những biểu hiện kiểu “lên đồng” như chị. Đáng nói là những lời lẽ của hai người đàn bà này lúc “lên đồng” đều khẳng định chị Đông chết là do bị chồng lấy dao đâm vào cổ sau đó đưa ra cây khế treo cổ ngụy tạo hiện trường.
Biết thông tin này, anh Chánh rất bực mình vì lời vu oan giáng họa vì vợ chồng anh sống như thế nào mọi người xung quanh đều biết nên không thể có chuyện anh giết vợ. Nhưng gia đình chị Đông lại không nghĩ vậy, họ cho rằng con gái mình chết oan nên hồn oan đã quay về nhập vào người chị họ để thông báo.
Sau khi bàn bạc, gia đình chị Đông quyết định làm đơn yêu cầu cơ quan công an khai quật mộ của chị Đông để khám nghiệm tử thi tìm ra nguyên nhân cái chết, mặc cho dư luận xì xào rằng họ đã tin vào những lời đồng bóng vô căn cứ.
Vừa khám nghiệm vừa giảng kiến thức pháp y
Đó là kỷ niệm của ông Trần Dương Thuận – Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Nam, giám định viên với vụ giám định này. Ông Thuận cho biết, ngay sau khi nhận được đơn cơ quan công an đã giải thích, phân tích nhưng gia đình chị Đông vẫn kiên quyết đòi khai quật mộ để khám nghiệm tử thi, nên Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Nam và các cơ quan liên quan đã tiến hành khai quật mộ và khám nghiệm tử thi chị Đông.
“Tuy nhiên trước khi tiến hành khai quật giám định, chúng tôi phải giải thích rất lâu cho gia đình. Đây có lẽ là một trong những kỷ niệm hy hữu trong quá trình làm nghề khi giám định viên phải giảng giải về kiến thức pháp y cho những người ngoại đạo” – giám định viên Trần Dương Thuận nhớ lại.
Sở dĩ có việc giải thích này vì trong lá đơn đề nghị khai quật, gia đình chị Đông nhất mực khẳng định con gái mình chết là do “bị chồng lấy dao đâm vào cổ sau đó đưa ra cây khế treo cổ ngụy tạo hiện trường” theo lời khẳng định của… “hai bà đồng”.
Kết luận giám định cho thấy người xấu số chết vì treo cổ tự tử. |
“Tôi đã nói với họ là nếu có vết đâm ở cổ thì phải nêu rõ vết đâm to, bé như thế nào, trước hay sau cổ trong lá đơn để cơ quan điều tra có cơ sở, nhưng họ không trả lời được. Sau đó tôi cũng giải thích với họ rằng, nếu có vết đâm thì sẽ thấy ngay khi khai quật, còn nếu người chết vì treo cổ thì khi giải phẫu tử thi sẽ thấy các dấu hiệu tổn thương như ở vùng cổ có một rãnh hằn do dây treo, cơ cổ bị dập, phổi xẹp, phế nang bị tổn thương… Giảng giải như vậy để gia đình họ có kiến thức nhận biết khi cùng chứng kiến khai quật giám định, tránh những phản ứng không hay”- giám định viên Trần Dương Thuận cho biết.
Về phần mình, anh Phạm Công Chánh – người chồng bị nghi oan thì tuy rất đau lòng phải khai quật mộ vợ nhưng bị áp lực từ gia đình vợ, cũng đành đồng ý để chứng minh sự trong sạch của mình.
Ngày 2/8, đoàn công tác bao gồm Công an tỉnh Quảng Nam, Trung tâm pháp y tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an huyện Tiên Phước, Công an xã Tiên Ngọc đã tiến hành khai quật mộ và khám nghiệm tử thi chị Đông. Việc khám nghiệm được diễn ra trước sự chứng kiến của rất đông người dân và người thân hai bên gia đình chị Đông, anh Chánh.
Kết quả khám nghiệm cho thấy, tử thi đang trong giai đoạn phân hủy, vùng cổ có một rãnh hằn không khép kín, đáy rãnh thắt ở phía trước cổ, trên sụn giáp và mờ dần ra phía sau cơ ức đòn chủm hai bên, chỗ rộng nhất 0,8cm. Ngoài ra, không phát hiện thêm dấu vết nào khác. Kết quả mổ tử thi cũng cho thấy cơ cổ, phổi và phế nang của tử thi đều có đầy đủ các dấu hiệu của người chết vì treo cổ.
“Bà đồng” biến mất
Vì đây là lá đơn đề nghị khai quật và vụ khai quật tương đối hy hữu từ “lời phán” của các “bà đồng”, nên giám định viên Trần Dương Thuận cho biết khi tiến hành khai quật cơ quan chức năng đã mời những người phụ nữ này đến để chỉ vết đâm ở cổ gây ra cái chết của nạn nhân như lời họ tố cáo. Tuy nhiên, cả hai người phụ nữ đều viện cớ ốm đau không đến hiện trường khai quật. Mãi sau phải mời cha của chị Đông và cháu gái và kiểm tra thực tế trên tử thi, nhưng không tìm được dấu vết nào như trong đơn yêu cấu khai quật và lời khai của các “bà đồng”.
Ngay sau vụ khai quật, trao đổi với với báo chí, Đại tá Nguyễn Đức Dũng - Trưởng Phòng Tham mưu, kiêm người phát ngôn công an tỉnh Quảng Nam đã khẳng định: "Phía gia đình chị Đông thấy có vết lằn ở cổ nên nghi ngờ có người hại chết con gái mình nên viết đơn yêu cầu cơ quan chức năng khám nghiệm pháp y để tìm hiểu sự việc. Phòng Hình sự công an tỉnh cùng các cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm pháp y theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, chúng tôi không thấy có dấu hiệu phạm tội, nên không tiến hành khởi tố vụ án".
Về phần mình, giám định viên Trần Dương Thuận cũng thấy an lòng vì đã tìm ra sự thật đằng sau cái chết bất ngờ của phụ nữ, giải nỗi oan cho người chồng, nỗi ám ảnh cho những đứa trẻ. “Khi làm việc tại địa phương, tôi được biết, người chết trước đó có tiền sử bệnh tâm thần và đã mấy lần đòi tự tử và hiện đang điều trị.
Như vậy có thể nói nguyên nhân của cái chết này là sự cộng hưởng của căn bệnh và chứng trầm cảm sau sinh – là chứng bệnh mà rất nhiều phụ nữ mắc và cũng gây ra rất nhiều hậu quả đau lòng, thêm vào đó là thói quen tin vào lời đồng cốt. Giá như người dân được trang bị nhiều kiến thức hơn nữa thì hẳn sẽ không có câu chuyện đau lòng như thế này... ” – giám định viên Trần Dương Thuận chia sẻ.
Không có vong linh nào có thể nhập vào cơ thể chúng ta đang sống
Cách đây ít lâu, vụ việc xảy ra ở chùa Ba Vàng làm mất lòng tin của rất nhiều người. Nhân sự kiện này, Thượng tọa Thích Tiến Đạt, Trụ trì chùa Đại Từ Ân, nguyên Uỷ viên thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam đã trao đổi với truyền thông về ranh giới của niềm tin tôn giáo và mê tín, dị đoan.
Theo Thượng tọa Thích Tiến Đạt, “về vấn đề cúng vong tại các chùa thì tất cả các chùa ở miền Bắc, miền Nam Việt Nam đều có cúng vong; cái này là đúng bởi vì cứ có người chết là đưa lên chùa để cúng vong. Chùa nào cũng cúng vong cả. Đã cúng vong là phải thỉnh vong. Đây gọi là tín ngưỡng phổ thông.
Tuy nhiên, cái hiện nay người ta làm không đúng là mời một vong linh nhập vào người nào đó để nói chuyện. Điều này không đúng. Không ai có khả năng mời vong linh đã chết nhiều đời, nhiều kiếp về hiện thân nhập vào người để nói chuyện. Việc này không nằm trong giáo lý Đạo Phật. Phật không bao giờ nói đến việc này cả. Không ai có khả năng này cả.
Thứ nữa, không có vong linh nào có thể nhập vào cơ thể chúng ta đang sống được bởi vì mạng sống của chúng ta giữa tinh thần và vật chất gắn kết với nhau. Bao giờ chết thì thần hồn ta mới tách ra được, mà đã tách ra thì người khác cũng không nhập vào được.
Cúng vong là người người ta cúng trong giai đoạn trung gian giữa sau khi chết và khi nhập vào. Giai đoạn đó có 49 ngày, nhưng không nhất định là 49 ngày. Có người ra khỏi thân lập tức đi ngay, có người thì 7 ngày, có người 14 ngày và giai đoạn cuối cùng là 49 ngày. Giai đoạn này gọi là giai đoạn trung ấm, tức là khi thần thức chưa đầu thai thì người ta cúng cho nó, cúng để cảnh tỉnh họ, đừng đi lạc vào con đường tà, rơi vào tam ác đạo mà hãy hướng đến thiện đạo mà đi. Đó chính là cúng vong và khai thị cho vong…”
Theo Thượng tọa Thích Tiến Đạt, “ranh giới giữa tín ngưỡng đạo Phật và mê tín rất khó phân định. Mê tín được định nghĩa là tin mà không hiểu, tin một cách mù quáng. Dù là chính pháp của Phật nhưng anh tin một cách mù quáng thì vẫn là mê tín… Đứng ở góc độ đạo đức, văn hoá việc thờ cúng vong linh ông bà tổ tiên là đúng. Bởi vì đó là đạo lí uống nước nhớ nguồn, thờ ông bà tổ tiên là để giáo dục hiếu đạo. Đây là một trong ba chân kiềng tạo nên văn hoá Việt Nam, không thể phủ nhận. Nhưng cần rạch ròi ra để biết thế nào là tín ngưỡng, là trục lợi. Ví dụ, rằm tháng Bảy chùa cúng vong, mọi người đăng kí đến tụng kinh để cầu siêu, sau đó nhà chùa giảng dạy đạo lí cho người ta thì đó là tín ngưỡng thuần tuý. Nhưng nếu cứ xoáy vào việc vong là báo oán, phải bỏ tiền ra thế này thế kia thì rõ ràng là trục lợi…”