Trước đó, ngày 28/2, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh hai chiếc Mercedes có cùng màu sắc và cùng BKS 30E-488.16 cùng chạy trên tuyến đường Vạn Phúc. Sau khi nhận được thông tin, Công an Hà Đông đã triệu tập những người được cho là chủ phương tiện đến trụ sở để làm rõ. Được biết, BKS 30E-488.16 trong hệ thống đăng ký là của ôtô Mercedes Benz, chủ sở hữu là một Cty TNHH trụ sở tại quận Nam Từ Liêm.
LS Phạm Ngọc Đạt (Đoàn LS Hà Nội) cho biết, thực tế thời gian qua có nhiều trường hợp có hai xe cùng đeo một BKS bị cộng đồng phát hiện. Theo một thống kê, từ 15/12/2019 đến 14/11/2020, lực lượng CSGT đã kiểm tra và xử lý 716 trường hợp gắn biển số giả, không có biển số. Tuy nhiên, sự việc hai xe cùng biển số, cùng hãng, chạy trên cùng tuyến đường gặp nhau thì quả là hi hữu.
Theo LS Đạt, có hai cách giải thích vì sao lại có tình trạng chủ xe lắp biển số giả cho xe lưu thông trên đường bộ. Một là, đeo biển giả có số đẹp, “tứ quý, ngũ quý” để “thể hiện đẳng cấp”. Hai là, tránh né “phạt nguội” nên đeo biển số giả.
Theo LS Đạt, pháp luật nghiêm cấm các cá nhân, tổ chức lắp BKS xe giả. Khoản 5 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 4-6 triệu đồng nếu có hành vi điều khiển xe gắn BKS không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc gắn BKS không do cơ quan có thẩm quyền cấp. Chủ phương tiện còn bị tịch thu BKS và thiết bị thay đổi BKS; bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
Với những đối tượng làm giả BKS xe, LS Phạm Xuân Nghĩa (Đoàn LS TP Hà Nội) cho hay, tùy hành vi vi phạm, có thể bị xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Cụ thể, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm. Nếu phạm tội có tổ chức; 2 lần trở lên; làm từ 2 -5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; thu lợi bất chính từ 10 đến dưới 50 triệu đồng; tái phạm nguy hiểm… thì bị phạt tù từ 2-5 năm.
Nếu làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên thì sẽ bị phạt tù từ 3-7 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng.