Vụ gian lận thi cử chấn động nền giáo dục Hàn Quốc

Cổng một trường đại học tại Hàn Quốc
Cổng một trường đại học tại Hàn Quốc
(PLO) - "Nhiều học sinh thấy cặp song sinh điên cuồng học thuộc lòng một tờ giấy ghi chú ngay trước kỳ thi. Khi được hỏi, hai chị em liền giấu chúng", ông Lee nói. "Các học sinh thấy hai em này viết một chuỗi số ra đề thi, sau đó điền vào tờ đáp án".

Mọi chuyến bay ở Hàn Quốc bị hoãn vào ngày 15/11, không máy bay nào được phép cất hoặc hạ cánh trong vòng một tiếng. Phụ huynh trên cả nước cầu nguyện và gói ghém bữa trưa, tất cả mọi người tránh dùng những từ như "rớt" hoặc "hỏng" để không mang lại điềm gở cho hàng trăm nghìn học sinh chuẩn bị tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học (CSAT) của Hàn Quốc. 

Lệnh cấm bay tạm thời được Bộ Nội địa Hàn Quốc ban hành nhằm hạn chế tối đa tiếng ồn có thể ảnh hưởng đến các học sinh đang làm bài thi, giúp kết quả công bằng hơn cho các thí sinh. Tuy nhiên, ngay trước khi kỳ thi diễn ra, mọi sự tập trung đổ dồn vào các bê bối gian lận.

Học lực “làng nhàng” bất ngờ giành thứ hạng cao

Hồi đầu tháng, một cặp song sinh học tại trường tư thục Sookmyung Girls danh tiếng ở quận Gangnam, Seoul, và cha của họ, viên chức cấp cao của trường, bị phát hiện gian lận thi cử. 

Tại cuộc họp báo hôm 12/11, cảnh sát công bố bằng chứng của vụ án là nhiều tờ giấy ghi chú và một cuốn sổ tay nhỏ ghi những chuỗi số đáng ngờ, cùng với đó là nhiều tờ giấy thi sạch sẽ, nhưng có ghi cột số ở mặt sau. 

Trưởng bộ phận điều tra Jin Jeom Ok cho biết hồi cuối tháng 7, cảnh sát nhận được báo cáo về trường hợp của cặp nữ sinh. Hai chị em song sinh bất ngờ giành thứ hạng cao, dù trước đó chỉ đứng thứ 59 và 121. Việc cha của họ là viên chức cấp cao trong trường càng khiến nhiều người nghi ngờ. 

"(Con gái tôi) về nhà khóc và kể về chuyện xảy ra trong trường. Các học sinh cảm thấy sốc và bị phản bội", ông Lee Shin Woo, một phụ huynh trường Sookmyung, kể lại. "Hai nữ sinh trên chỉ đạt thứ hạng thấp trong năm thứ nhất, bỗng nhiên họ dẫn đầu. Đến năm thứ 2, họ giành học bổng dành cho 1% học sinh xuất sắc nhất. Đó chính là dấu hiệu".

Học sinh bước vào phòng thi CSAT năm 2017
Học sinh bước vào phòng thi CSAT năm 2017

Ngoài điểm CSAT, thứ hạng trong trường cũng là tiêu chí tuyển sinh đại học, quyết định học sinh có được theo đuổi ngành học yêu thích hay không. 

Ông Lee và nhiều phụ huynh khác đã yêu cầu cảnh sát điều tra vụ việc. Hàng đêm, họ biểu tình trước cổng trường dưới ánh nến. "Các học sinh rất sốc khi giáo viên và những người bạn mà các em tin tưởng làm lộ đáp án đề thi", ông Lee nói. "Những học sinh xuất sắc đặc biệt suy sụp".

Bà Jin, trưởng bộ phận điều tra, cho biết ông Hyun Gyung Yong, bố của hai nữ sinh gian lận, biết mật mã chiếc két sắt chứa đề thi và đáp án. Phòng đặt két sắt không lắp đặt camera an ninh, vì vậy không có bằng chứng cho thấy ông Huyn đã mở nó. Tuy nhiên, cảnh sát cho biết ông thường một mình ở lại văn phòng ngoài giờ làm việc nhưng không báo cáo với cấp trên về việc làm thêm giờ. 

Nhóm phụ huynh tham gia biểu tình cáo buộc ông Hyun lấy cắp đáp án, sau đó ghi hoặc sao chép lại để đưa cho con gái. 

"(Nhiều học sinh) thấy cặp song sinh điên cuồng học thuộc lòng một tờ giấy ghi chú ngay trước kỳ thi. Khi được hỏi, hai chị em liền giấu chúng", ông Lee nói. "Các học sinh thấy hai em này viết một chuỗi số ra đề thi, sau đó điền vào tờ đáp án".

Sookmyung Girls được thành lập cách đây hơn 100 năm, trường nữ sinh này tuyên bố họ có số học sinh đậu vào SKY, hệ thống đại học Hàn Quốc tương đương Ivy League của Mỹ, hơn bất cứ trường nào khác. Trong quá khứ, nhiều học sinh của trường đã trở thành nghệ sĩ, doanh nhân và chính trị gia nổi tiếng, trong đó có đệ nhất phu nhân hiện tại của Hàn Quốc, bà Kim Jung Sook. 

Tại Hàn Quốc, phần lớn học sinh trung học phải làm 2 bài thi mỗi học kỳ, sau đó các em sẽ được xếp hạng. Học sinh có thứ hạng càng cao thì càng dễ đậu vào các trường đại học tốt, thậm chí còn được nhận sớm. Việc gian lận thi cử đồng nghĩa với việc các học sinh khác sẽ bị đẩy xuống thứ hạng thấp hơn. 

Dấu vết lưu trên điện thoại

Đến tháng 8, đối diện với áp lực ngày càng lớn từ phía phụ huynh, trường Sookmyung đề nghị các quan chức phụ trách giáo dục nhập cuộc. Trong lúc vụ bê bối ngày càng thu hút sự chú ý, cảnh sát đã mở một cuộc điều tra độc lập. 

Đáp án bài thi viết được lưu trên điện thoại của các nữ sinh trước ngày thi
Đáp án bài thi viết được lưu trên điện thoại của các nữ sinh trước ngày thi

Ngày 5/9, trong lúc khám xét trường Sookmyung và nhà của hai nữ sinh, cảnh sát phát hiện ông Hyun đã thay đổi máy tính cá nhân và máy tính cơ quan, đồng thời hủy ổ đĩa cứng. 

Tuy nhiên, họ cũng tìm thấy bằng chứng buộc tội không thể chối cãi: đáp án bài thi viết được lưu trên điện thoại của các nữ sinh trước ngày thi. Cặp song sinh cũng thất bại trong việc che giấu vụ gian lận. Trước một câu hỏi khó về Toán, hai chị em chỉ điền đáp án vào giấy thi, không nêu hướng giải. 

Gia đình cặp song sinh cho rằng họ vô tội. Cặp sinh đôi cho rằng họ tính nhẩm trong đầu nên không ghi hướng giải bài toán, tài liệu lưu trong điện thoại chỉ là những đáp án khả thi và họ làm đúng toàn bộ bài thi chỉ vì may mắn. 

Luật sư của gia đình cho rằng cảnh sát không cung cấp được bằng chứng trực tiếp cho thấy ông Hyun đã lấy cắp đáp án. Tuy nhiên vào ngày 6/11, tòa án địa phương ban hành lệnh bắt giữ vì đã có đủ bằng chứng. 

"Chúng tôi tin rằng ông Hyun đã đánh cắp đề thi và đáp án tổng cộng 5 lần và đưa chúng cho con gái", cảnh sát cho biết. "Các điều tra viên nghi ngờ cặp sinh đôi mang theo giấy ghi chú đã điền sẵn đáp án vào phòng thi và chép vào mặt sau đề thi (trước khi kỳ thi bắt đầu)". 

Nếu bị buộc tội gian lận thi cử, ba cha con ông Huyn có thể bị kết án 5 năm tù giam hoặc nộp phạt số tiền 13.000 USD. Trường Sookmyung đưa ra thông báo cho biết cặp sinh đôi chính thức bị đuổi học và bài thi của họ cũng bị hủy bỏ, dù hai nữ sinh đã chuyển trường trước đó. Ông Hyun cũng sẽ bị cách chức. 

Trong lúc học sinh cả nước chuẩn bị bước vào kỳ thi CSAT, ông Lee cho rằng vụ bê bối ở trường Sookmyung có thể không phải là trường hợp duy nhất. 

Trường cấp 3 nữ sinh Sookmyung, quận Gangnam, Hàn Quốc - nơi xảy ra vụ bê bối gian lận thi cử
Trường cấp 3 nữ sinh Sookmyung, quận Gangnam, Hàn Quốc - nơi xảy ra vụ bê bối gian lận thi cử

"Tôi được biết rằng con cái của các giáo viên và viên chức trong một trường thường được cho học cùng trường với cha mẹ", ông Lee nói. "Nhưng ngày nay, luật ngầm này có thể là một tội ác. Vì vậy chúng tôi đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc".

Trong một thông báo, Sở Giáo dục thành phố Seoul cho rằng vụ bê bối ở trường Sookmyung "hoàn toàn phá vỡ giá trị công bằng của những thành tựu học thuật. Vụ tham nhũng trên vô cùng nghiêm trọng, nó đập tan lòng tin của người dân đối với hệ thống giáo dục". 

Chính quyền Hàn Quốc cam kết giám sát chặt chẽ những giáo viên có con theo học cùng trường và sẽ lắp đặt camera an ninh trong những khu vực bảo quản đề thi. 

Đối với cặp song sinh, luật sư bào chữa cho biết họ sẽ đề nghị tuyên bố vô tội trước tòa, phiên xét xử dự kiến diễn ra trong năm nay hoặc đầu năm sau. Khi được hỏi các nữ sinh này sẽ làm gì khi vụ án kết thúc, ông nói họ "có thể sẽ thi tốt nghiệp, hoặc rời khỏi đất nước". 

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.