Vụ đổi 100 USD bị xử phạt 90 triệu đồng: Dư luận chạnh lòng

(PLO) - Xét về lý, việc xử phạt 90 triệu đồng đối với người đàn ông đổi 100USD là đúng luật. Tuy nhiên, xét về tình khiến dư luận chạnh lòng vì gia cảnh khó khăn của anh Nguyễn Cà Rê, thu nhập anh Rê chỉ 4 triệu đồng/tháng.

Cơ quan chức năng khi xử phải đúng luật

Những ngày qua dư luận xôn xao bàn tán việc một người dân đến tiệm vàng đổi 100USD bị xử phạt 90 triệu đồng. Tuy nhiên, vấn đề nhiều người cho rằng mức xử phạt đó quá nặng và nếu cứ “rập khuôn” như thế sẽ không phù hợp với thực tế và tình người.

Sự việc xảy ra vào lúc 11 giờ 15 phút ngày 30/1/2018, lực lượng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Cần Thơ bắt quả tang ông Lê Hồng Lực, Giám đốc Cty TNHH MTV sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực (thuộc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đang mua 100 USD của anh Nguyễn Cà Rê (ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) với giá hơn 2,2 triệu đồng mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

Tiệm vàng nơi anh Rê bán 100 USD
Tiệm vàng nơi anh Rê bán 100 USD

Qua xác minh và làm việc đối với tổ chức và cá nhân nêu trên đã thừa nhận hành vi sai phạm. Theo đó, Công an TP Cần Thơ có đầy đủ căn cứ chứng minh hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân nêu trên và đã tham mưu trình Chủ tịch UBND thành phố ra quyết định xử phạt hành chính theo đúng thẩm quyền.

Đối với ông Nguyễn Cà Rê, phạt 90 triệu, đồng thời tịch thu số tiền đã đổi theo quy định. Về phía Cty Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực thì bị phạt 295 triệu đồng và phạt bổ sung tịch thu 100 USD. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn tịch thu 20 viên kim cương và 19.910 viên hột đá nhân tạo có giá trị gần 550 triệu đồng.

Ông Trần Văn Dương, Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Cần Thơ khẳng định, lực lượng công an đã thực hiện đúng quy định của pháp luật. Ông Lực đã thừa nhận vi phạm và chấp hành đóng phạt, không có khiếu nại. Nói về việc dư luận cho rằng hình phạt đối với ông Nguyễn Cà Rê quá nặng, ông Dương cho rằng, Công an TP Cần Thơ chỉ là cơ quan chấp hành pháp luật.

Tuy nhiên, từ các ý kiến bình luận của các luật sư phía công an sẽ tổng hợp báo cáo về Bộ Công an để kiến nghị Chính phủ sửa đổi bổ sung cho phù hợp. Đồng thời sẽ kết hợp với Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh tuyên truyền các điểm thu đổi ngoại tệ để bà con biết và tránh được những điều đáng tiếc xảy ra.

Ngoài ra, ông Dương còn cho biết theo Luật Xử lý vi phạm hành chính thì các tổ chức, cá nhân vi phạm có thể đề nghị nộp phạt nhiều lần, hoãn thi hành quyết định phạt tiền hay đề nghị giảm miễn tiền phạt theo quy định. Theo đó, trường hợp của anh Nguyễn Cà Rê có hoàn cảnh khó khăn thì làm đơn gửi UBND thành phố Cần Thơ xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Theo ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ (người ký quyết định xử phạt), UBND TP ra quyết định xử phạt là đúng với quy định của pháp luật. Việc mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ quy định tại điểm a khoản 3 Điều 24 Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Do Nghị định 96 không xác định mức phạt theo giá trị tang vật như một số nghị định khác nên hành vi “Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ” chỉ duy nhất một khung phạt từ 80 – 100 triệu đồng. Việc UBND TP Cần Thơ ra mức phạt 90 triệu đồng đối với hành vi bán ngoại tệ của anh Nguyễn Cà Rê theo đề nghị của Công an TP Cần Thơ là đúng với quy định. Việc anh Rê có khiếu nại xin giảm nhẹ hình phạt UBND TP Cần Thơ sẽ cân nhắc và giải quyết theo quy định của pháp luật. 

Chuyên gia pháp luật nói gì?

Theo Thạc sĩ, Luật sư Kiều Anh Vũ, Giám đốc Công ty Luật KAV Lawyers, pháp luật hiện hành quy định rất chặt chẽ về việc hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam. Liên quan đến vi phạm quy định về ngoại hối, trường hợp của anh Rê bị xử phạt 90 triệu đồng do đổi 100USD tại tiệm vàng (không có chức năng mua, bán, đổi ngoại tệ). Đây là hành vi vi phạm về hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ. Có thể nói rằng quyết định xử phạt trong trường hợp này là có căn cứ pháp luật.

Tuy vậy, khi xem xét xử phạt trong trường hợp này, đối với người vi phạm có hoàn cảnh khó khăn, cơ quan xử phạt cần xem xét một cách toàn diện, xem xét các tình tiết giảm nhẹ khi xử lý vi phạm. Điểm c khoản 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định một trong các nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính là phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng.

Điều 9 Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng quy định một số tình tiết giảm nhẹ như: người vi phạm hành chính đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại; người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính; vi phạm hành chính do trình độ lạc hậu;…

Luật sư Vũ nói tiếp, đối với cá nhân bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng trở lên đang gặp khó khăn đặc biệt, đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc thì có thể thực hiện thủ tục xin miễn, giảm tiền phạt theo quy định tại Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính. “Trong trường hợp anh Rê thực sự có hoàn cảnh khó khăn, tôi tin chắc lãnh đạo địa phương sẽ cân nhắc giảm nhẹ mức phạt” – Luật sư Vũ chia sẻ.

Nhìn nhận ở góc độ khác, Luật sư Hà Huy Từ, Công ty Luật Hà Huy (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết hoàn toàn phản đối quyết định của cơ quan chức năng Cần Thơ xử phạt 90 triệu đồng đối với hành vi bán 100 USD của anh Nguyễn Cà Rê: “Chúng ta đừng nghĩ rằng cứ liên quan đến xử phạt hành chính là phạt tiền. Đừng nghĩ rằng càng phạt tiền nặng thì càng tốt, càng có sức răn đe. Bởi vì, một trong những nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính là mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật (điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012). Hơn nữa, bên cạnh hình thức xử phạt vi phạm hành chính là phạt tiền còn có các hình thức khác như cảnh cáo, tịch thu tang vật vi phạm hành chính”.

Theo Luật sư Từ, đối chiếu với vụ việc của anh Nguyễn Cà Rê, không nhất thiết phải áp dụng quy định “nặng nề” quá mức là áp dụng điểm a khoản 3 Điều 24 Nghị định 96/2014/NĐ-CP để phạt 90 triệu đồng. Luật sư cho rằng có thể áp dụng hình thức xử phạt đối với anh Rê là cảnh cáo là đã đủ sức răn đe, vừa hợp lý, vừa hợp tình.

Hoặc có thể áp dụng hình thức tịch thu tang vật vi phạm là số tiền 100 USD cũng đã đủ sức răn đe: “Đối với trường hợp này, chúng ta không cần sửa đổi, bổ sung pháp luật nhưng điều quan trọng nhất là cần chấn chỉnh việc thực thi của những người thi hành pháp luật. Luật quy định là cứng nhắc nhưng người áp dụng pháp luật phải biết căn cứ vào tình huống cụ thể, căn cứ điều kiện, hoàn cảnh của từng tổ chức, cá nhân cụ thể, căn cứ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ… để áp dụng pháp luật thì mới hiệu quả, người bị xử phạt mới “tâm phục, khẩu phục”, Luật sư Từ nêu quan điểm.

Chiều 24/10, Công an TP Cần Thơ họp báo thông tin vụ phạt ông Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, quận Ninh Kiều) 90 triệu đồng vì đổi 100 USD tại tiệm vàng. Trả lời câu hỏi trước hoài nghi ông Rê là "mồi nhử" để bắt quả tang tiệm vàng, Thượng tá Trần Văn Dương - Trưởng phòng Tham mưu, kiêm Người phát ngôn Công an TP Cần Thơ nói: "Tôi chưa tiếp cận hồ sơ nhưng những gì được báo cáo thì công an làm đúng luật. Nếu có việc gài bẫy thì công an phạt ông Rê 90 triệu để làm gì?". Theo Thượng tá Dương, trưa 30/1, Phòng Cảnh sát kinh tế bắt quả tang ông Lê Hồng Lực - Giám đốc Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực (chủ tiệm vàng ) - đang mua 100 USD của ông Rê với giá 2.260.000 đồng. Tiệm vàng này không có giấy phép thu mua ngoại tệ.

Đọc thêm

Sơ thẩm vụ 'Trốn thuế' ở Phú Giáo (Bình Dương): VKS đề nghị phạt tiền với 3 bị cáo

VKS đề nghị HĐXX phạt tiền các bị cáo về tội “Trốn thuế”.
(PLVN) - Hôm qua (12/12), TAND huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) mở phiên sơ thẩm với bị cáo Nguyễn Thị Phương Huệ (SN 1967), Trần Thanh Tài (SN 1997, con trai bà Huệ, cùng ngụ huyện Phú Giáo) và Võ Đức Quang (SN 1993, ngụ Chơn Thành, Bình Phước) về tội “Trốn thuế”. Cả ba bị cáo buộc trốn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) khi khai giá mua bán đất thấp hơn giá thực tế.

Bắt quả tang đối tượng vận chuyển gỗ trái phép

Bắt quả tang đối tượng vận chuyển gỗ trái phép
(PLVN) -  Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên (Vườn Quốc gia Hoàng Liên) phối hợp với Trạm Kiểm lâm số 3, Công an xã Tả Van và Ban Chỉ huy Quân sựu xã Tả van (thị xã Sa Pa) vừa bắt quả tang 01 đối tượng vận chuyển trái phép gỗ pơ mu.

Truy tố ông Trần Đình Triển

Ảnh minh họa
(PLVN) - VKSND Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Trần Đình Triển (SN 1959, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Khởi tố nghi can hàng loạt vụ trộm trên xe ô tô tại Rạch Giá

Bị can Ngô Phụng Tuấn
(PLVN) - Ngày 11/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đã tống đạt Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện Lệnh bắt tạm giam đối với Ngô Phụng Tuấn (SN 2006, ngụ phường An Bình, TP Rạch Giá) về tội "Trộm cắp tài sản".

Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm bắt giữ nghi phạm cướp tài sản

Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm bắt giữ nghi phạm cướp tài sản
(PLVN) - Ngày 10/12, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Văn Thương (sinh năm 2004, trú tại Khu phố 4, phường Mỹ Đông, TP Phan Rang - Tháp Chàm) để tiếp tục củng cố hồ sơ và điều tra mở rộng về hành vi cướp tài sản.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao vẫn diễn biến phức tạp tại TP HCM

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng thông tin về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TP HCM. (Ảnh: Việt Dũng)
(PLVN) - Ngày 10/12, tại phần thảo luận trong ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ 20, HĐND TP HCM khóa X, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TP thông tin về tình hình bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; phòng, chống tội phạm lừa đảo qua mạng, tội phạm công nghệ cao trên địa bàn TP.