Pháp luật khuyến khích sao lại cấm?
Như Báo PLVN đã thông tin, một trong những lý do mà TCMT đưa ra để từ chối việc thông qua báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho dự án là vấn đề khối lượng nước thải và phương thức, vị trí xả thải.
Theo đó, TCMT yêu cầu tất cả nhà máy thành viên có nước thải phải được đấu nối vào trạm xử lý nước thải tập trung của KCN Sông Công II, có công suất thiết kế tối đa 5000 m3/ngày đêm để xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp trước khi thải ra sông Công.
Do Nhà máy có lưu lượng xả thải khoảng 14.400 m3/ngày đêm nên cơ quan cấp phép bắt buộc hồ sơ ĐTM chung của KCN Sông II phải lập, điều chỉnh lại, trình Bộ TN&MT phê duyệt rồi hồ sơ ĐTM dự án mới được xem xét thông qua.
Tuy nhiên, trong các công văn nói trên, cơ quan cấp phép đã “lờ” đi quyền chủ động tự xây dựng hệ thống xử lý nước thải của nhà đầu tư, cũng như các trường hợp cho phép miễn trừ đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong khi đây không chỉ quyền tự chủ của doanh nghiệp mà còn là yếu tố được pháp luật hiện hành khuyến khích.
Cụ thể, điểm c, Khoản 1, Điều 101, Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định: cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (SXKDDV) không liên thông với hệ thống xử lý nước thải tập trung thuộc đối tượng phải có hệ thống xử lý nước thải. Khoản 2, Điều 35, Nghị định số 80 ngày 6/8/2014 quy định: Các trường hợp gần nguồn tiếp nhận mà chất lượng nước thải bảo đảm yêu cầu vệ sinh môi trường và việc đấu nối vào hệ thống thoát nước chung có thể gây những gánh nặng bất hợp lý về kinh tế; hoặc tại địa bàn chưa có mạng lưới thu gom của hệ thống thoát nước tập trung thì được miễn trừ đấu nối vào hệ thống thoát nước.
Điểm a, b, c Khoản 4, Điều 9 Thông tư số 35 ngày 30/6/2015 của Bộ TN&MT một lần nữa làm rõ quyền tự chủ đầu tư của doanh nghiệp khi quy định các trường hợp được miễn trừ đấu nối, trong đó bao gồm: Cơ sở SXKDDV có biện pháp xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định, đồng thời việc đấu nối vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung KCN tạo chi phí bất hợp lý cho cơ sở; cơ sở SXKDDV phát sinh nước thải vượt quá khả năng tiếp nhận, xử lý của hệ thống xử lý nước thải tập trung KCN, đồng thời cơ sở có biện pháp xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; cơ sở SXKDDV trong KCN mà KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đồng thời cơ sở có biện pháp xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Đối chiếu với các quy định này cho thấy, KCN Sông Công II đang trong thời gian thực hiện các bước theo quy định để triển khai xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN. Do đó, Nhà máy đi vào hoạt động có lưu lượng xả thải khoảng 14.400 m3/ngày đêm, chủ đầu tư Dự án được quyền tự đầu tư xây dựng Trạm xử lý nước thải riêng đạt QCVN 40: 2011/BTNMT- quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp, cột A với các hệ số Kq=0,9; Kf=1,0, theo đúng nội dung trong hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Hơn nữa, nhà đầu tư còn cam kết sẽ tự động đóng cửa hoạt động của Nhà máy nếu có hoạt động gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng môi trường xung quanh. Như vậy, Nhà máy này thuộc trường hợp được miễn trừ đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN Sông Công II và được phép xả thải ra sông Công.
Đề nghị Chính phủ vào cuộc
Để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho Nhà đầu tư thực hiện dự án theo tiến độ đã cam kết, ngày 4/3/2019, BQLCKCN tỉnh Thái Nguyên có Văn bản số 150 (do Phó Trưởng Ban Trần Quốc Trung ký) gửi Văn phòng Chính phủ phản ánh, Nhà máy đã được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, phía doanh nghiệp hoàn tất mọi thủ tục hành chính cần thiết để tiến hành triển khai hoạt động đầu tư, trong đó hồ sơ báo cáo ĐTM đã gửi Bộ TN&MT để thẩm định.
Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính BQLCKCN nhận thấy TCMT đã có những dấu hiệu vi phạm Quy chế tiếp nhận, xử lý hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa tại Bộ TN&MT, cũng như vi phạm một trong các hành vi không được làm trong giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã được Chính phủ quy định cụ thể tại Nghị định 61/NĐ-CP ngày 23/4/2018 như: Thực hiện trái Quy trình giải quyết thủ tục hành chính, đưa ra các yêu cầu trái quy định đối với nhà đầu tư và BQLCKCN tỉnh Thái Nguyên…
BQLCKCN tỉnh Thái Nguyên cho rằng TCMT đã có những biểu hiện thiếu hợp tác và có dấu hiệu thiếu công bằng, không khách quan trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, đã cố tình gây khó khăn cho nhà đầu tư khi có những yêu cầu bổ sung hồ sơ không đúng quy định, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời gây cản trở hoạt động kêu gọi thu hút đầu tư vào KCN Sông Công II, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư của tỉnh Thái Nguyên.
Cơ quan này đề nghị lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ TN&MT vào cuộc, chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý và giải quyết dứt điểm vụ hồ sơ ĐTM Nhà máy đang bị TCMT trả hồ sơ không đúng quy định pháp luật.