Tạm ngừng phiên tòa
Ngày 18/9, TAND TP Hà Nội đã đưa vụ án hành chính ra xét xử theo trình tự sơ thẩm giữa người khởi kiện là ông Nguyễn Viết Hồng (trú tại Xóm 6, xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín) và người bị kiện là Chủ tịch UBND huyện Thường Tín.
Như PLVN đã thông tin, vào năm 1996, để phát triển kinh tế của xã, UBND xã Tự Nhiên đã cho đấu thầu khu đất lò gạch để tạo nguồn thu cho địa phương. Ông Hồng trúng thầu và được UBND xã đồng ý ký kết hợp đồng và bàn giao đất với tổng diện tích là 12.214m2.
Quyết định khắc phục hậu quả của Chủ tịch Thường Tín bị dân khởi kiện ra tòa. |
Đến cuối năm 2018, UBND huyện Thường Tín cho rằng ông Hồng có hành vi lấn chiếm đất công với diện tích 16.244m2 nên ra các Quyết định (QĐ) số 4535/QĐ-KPHQ ngày 30/11/2018 quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và QĐ số 410/QĐ-CCKPHQ ngày 17/01/2019 về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Cho rằng các QĐ ban hành ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình, ông Hồng khởi kiện các QĐ hành chính này của Chủ tịch UBND huyện Thường Tín ra TAND TP Hà Nội để đòi hỏi quyền lợi.
Tại phần thủ tục hỏi của phiên tòa, do nguồn gốc số diện tích đất hơn 4.000 m2 nằm ngoài diện tích của UBND xã Tự Nhiên giao thầu cho ông Hồng từ năm 1997 không đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh là đất công do chính quyền quản lý hay phần đất khai hoang, nhận chuyển nhượng của ông Hồng từ người khác. Trong khi việc xác minh, thu thập bổ sung các tài liệu này có vai trò cực kỳ quan trọng, phán ánh bản chất vụ án nhưng lại không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa nên HĐXX đã quyết định cho tạm ngừng phiên tòa để làm rõ.
UBND huyện Thường Tín nói gì?
Cần phải nhắc lại, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín căn cứ vào biên bản Vi phạm hành chính (VPHC) số 01/BB-VPHC do UBND xã Tự Nhiên ngày 22/11/2018, để ra QĐ số 4535/QĐ-KPHQ ngày 30/11/2018 áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Đáng chú ý, tại phiên tòa, khi được Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện hỏi: Việc lập biên bản VPHC của UBND xã Tự Nhiên lập ngày 22/11/2018 có đúng với quy định tại Khoản 2 Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 hay không khi trong biên bản không có các mục như: “biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý” và “quyền và thời hạn giải trình về vi phạm hành chính của người vi phạm”?
Trong QĐ đã ban hành cho thấy UBND huyện Thường Tín xác định ông Hồng có hành vi lấn chiếm đất không phải hành vi chiếm đất như đại diện huyện này trả lời tại Tòa |
Đại diện của Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho rằng, biên bản VPHC của xã Tự Nhiện lập không sai về nội dung và hình thức và giải thích sở dĩ không có các mục trên là xã Tự Nhiện căn cứ theo Điều 119, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 liên quan đến các trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính (!?).
Phía người khởi kiện tiếp tục đặt dấu hỏi, tại Biên bản VPHC của xã Tự Nhiên có căn cứ vào Khoản 1, Điều 10, Nghị định (NĐ) 102/2014NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; Tại Khoản 3, Khoản 5, QĐ số 4535/QĐ-KPHQ, UBND huyện Thường Tín xác nhận ông Hồng có hành vi “lấn, chiếm” khi nêu trong QĐ với nội dung như: “Hậu quả do VPHC gây ra cần được khắc phục là: Công trình xây dựng vi phạm trên đất lấn, chiếm cần tháo giỡ”; “Biện pháp khắc phục hậu quả phải thực hiện gồm: buộc trả lại đất đã lấn chiếm”;
Đối chiếu với Điều 66 NĐ 43/2014/NĐ-CP, trường hợp vi phạm pháp luật mà phải thu hồi đất, khi hết thời hiệu xử phạt VPHC như trường hợp ông Hồng, theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm lập biên bản về VPHC để làm căn cứ quyết định thu hồi đất. “Nhưng tại sao UBND huyện Thường Tín chưa ban hành QĐ thu hồi đất mà đã áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả?” - phía người khởi kiện chất vấn.
Đại diện UBND huyện Thường Tín cho rằng, tất cả các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai được quy đinh tại Điều 64 Luật đất đai năm 2013, được cụ thể hóa về trình tự, thủ tục thu hồi đất do vi phạm pháp luật tại NĐ 43/2014/NĐ-CP.
Theo cách hiểu của huyện Thường Tín, ông Hồng không thuộc trường hợp thu hồi đất được quy định tại các các quy định này nên hành vi vi phạm của ông là chiếm đất, được áp dụng xử lý theo Luật Xử phạt VPHC và NĐ 102/2014NĐ-CP xử phạt VPHC trong lĩnh vực đất đai. “Do tại Điều 10 NĐ 102/2014NĐ-CP gộp hành vi lấn, chiếm vào trong một điều nên UBND huyện Thường Tín khi áp dụng đã theo đúng tinh thần của quy định nên trích nguyên văn lấn, chiếm đất” - đại diện phía người bị kiện lý giải.
Tại phiên tòa, liên quan đến chi tiết, mốc giới phần đất giao thầu của xã từ 1997 đến nay không thay đổi nhưng vì sao diện tích lại có sự thay đổi từ 12.214 m2 lên 16.244 m2. HĐXX đặt câu hỏi vì sao diện tích dư thừa đến 4.000 m2? Trong khi ông Hồng khẳng định số diện tích này ông nhận chuyển nhượng từ một số cá nhân trước ngày 1/7/2014. Còn phía chính quyền địa phương thì nói rằng, dựa theo tài liệu hồ sơ quản lý đất đai, xác định toàn bộ diện tích 16.244 m2 là đất công, thuộc quyền quản lý của UBND xã Tự Nhiên.
Được biết, sau khi HĐXX làm rõ được nguồn gốc số diện tích nằm ngoài diện tích giao thầu này, dự kiến vào ngày 29/9 phiên tòa sẽ được tiếp tục tiến hành.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.