Trong sự việc trên, các bên liên quan cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình? Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội tư vấn về vấn đề này.
Người vợ có thể khởi kiện ra tòa
Trong sự việc trên, người chồng đã chuẩn bị cẩn thận, với đầy đủ giấy tờ bản gốc, thông tin nhân thân cụ thể khiến nhân viên Bệnh viện không phát hiện ra. Sự việc chỉ lộ ra khi người vợ - bà Nguyễn Thị N. (Quế Võ, Bắc Ninh) nghe cuộc điện thoại của Bệnh viện hỏi về tình trạng tim thai sau khi đặt phôi 21 ngày. Bà N. tra hỏi chồng và người chồng đã thừa nhận lấy cắp phôi của vợ cho người tình là cô G.T.D., 45 tuổi ở Bắc Giang, mang thai.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, bà Nguyễn Thị N hoàn toàn có quyền khởi kiện cô nhân tình và người chồng của mình, khởi kiện bệnh viện để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình theo quy định tại Điều 186 và Điều 4 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Mặc dù chưa có điều luật nào quy định cụ thể để áp dụng nhưng Tòa án cũng không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Do đó, bà Nguyễn Thị N hoàn toàn có quyền khởi kiện khi cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình đang bị xâm phạm. Tuy nhiên, để chứng minh được quyền khởi kiện của mình, trước hết phải có đủ căn cứ, tài liệu chứng minh cho yêu cầu của mình là đang bị xâm phạm khi bị đánh cắp phôi thai.
Luật sư Tuấn cũng nhận định, với hành vi thực hiện cho, nhận phôi khi không được phép theo quy định của pháp luật, chưa được sự đồng ý của cả hai vợ chồng thì căn cứ theo điểm a khoản 2 Điều 33 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, chồng của bà Nguyễn Thị N và nhân tình có thể bị xử phạt hành chính từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, chồng của bà Nguyễn Thị N và nhân tình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng mà có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm tùy theo mức độ thực hiện hành vi phạm tội.
Trách nhiệm Bệnh viện được xác định thế nào?
Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, việc nhận dạng bệnh nhân sai hoặc không đầy đủ là nguyên nhân dẫn đến các trường hợp đáng tiếc bao gồm các sai sót trong điều trị y khoa và trong đó đặc biệt là để xảy ra sự việc lấy cắp phôi thai tại Bệnh viện Bưu điện Hà Nội như trên. Theo đó, cơ sở, người được giao phụ trách quản lý khám, chữa bệnh cần phải thực hiện đúng trách nhiệm của mình theo quy định tại các Điều 53, 73, 76 Luật Khám, chữa bệnh 2009.
Đồng thời, cơ sở, người được giao phụ trách quản lý khám, chữa bệnh phải chịu trách nhiệm xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; chịu trách nhiệm về bảo hiểm khám chữa bệnh theo Nghị định 102/2011/NĐ-CP về bảo hiểm trách nhiệm trong khám, chữa bệnh, chịu trách nhiệm về bồi thường thiệt hại do sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh.
Trong vụ việc này cũng cần làm rõ nguyên nhân việc người chồng lấy phôi thai trữ đông của mình với vợ trong bệnh viện để giúp một phụ nữ khác mang thai. Bên cạnh đó, làm rõ trách nhiệm và quy trình của Bệnh viện Bưu điện về lưu trữ và chuyển phôi, xem xét xử phạt hành chính, xử lý đối với người quản lý, giám sát vì để xảy ra sự việc, thậm chí có thể xem xét, xử lý hình sự theo quy định hiện hành trong trường hợp lỗi cố ý.
Bệnh viện có thể khởi kiện người chồng
Đối với Bệnh viện Bưu Điện, trong vụ việc trên, người chồng thừa nhận đã cố tình chuẩn bị giấy tờ cần thiết, đưa giấy tờ gốc của vợ (chứng minh nhân dân, đăng ký kết hôn…) cho người tình, các thông tin về hôn nhân và gia đình… để gian dối “qua mắt” Bệnh viện Bưu điện. Vậy, Bệnh viện Bưu điện có thể kiện người chồng của bà Nguyễn Thị N trong vụ án khác không hoặc là tố cáo hình sự về hành vi gian dối/lừa dối?
Theo quan điểm của Luật sư Tuấn thì Bệnh viện Bưu điện Hà Nội cũng có quyền khởi kiện chồng của bà Nguyễn Thị N để yêu cầu bồi thường về việc lấy, đánh cắp phôi thai của bà Nguyễn Thị N, yêu cầu chịu trách nhiệm và buộc xin lỗi công khai Bệnh viện. Bởi vì, hành vi đánh cắp phôi thai của người chồng trong vụ việc này gây xôn xao dư luận ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức cơ sở y tế.
Ngoài ra, Bệnh viện Bưu điện Hà Nội cũng có thể làm đơn trình báo các cơ quan chức năng cấp có thẩm quyền để điều tra, xác minh và làm rõ hành vi đánh cắp phôi thai của bà Nguyễn Thị N. Trường hợp có đủ dấu hiệu hình sự thì có thể đề nghị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Việc phân định trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan đến việc lưu giữ, chuyển phôi và sở hữu phôi, trong trường hợp phôi đã được chuyển vào một người phụ nữ khác và đậu thai thì có thể xem xét xử lý hậu quả theo hướng nào? Chúng tôi sẽ chuyển tới bạn đọc quan điểm của chuyên gia pháp luật, y tế, xã hội học trong những số báo tới.