Như thông tin PLVN đã phản ánh, khoảng 12h30 khoảng 12h45 ngày 4/5, nam tài xế lái xe tải 5 tấn chở nhiều thùng dầu chạy trên cao tốc Trung Lương, hướng từ TP HCM đi miền Tây. Khi tới đoạn thuộc địa phận TP Tân An, tài xế phát hiện cháy ở thân xe nên nhanh chóng dừng ôtô chạy ra ngoài.
Ít phút sau lửa bùng lên dữ dội, dầu loang ra mặt đường cháy nghi ngút. Cột khói đen bốc lên cao, lan sang làn đường chiều ngược lại khiến các xe khác phải dừng từ xa. Vị trí xảy ra vụ cháy tại km37+550 đoạn thuộc ấp Cầu Tre xã Lợi Bình Nhơn, TP Tân An (Long An).
Vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng gây kẹt xe nghiêm trọng cả 2 hướng, tài sản cao tốc hư hỏng gồm mặt đường, cây xanh, hộ lan tôn sóng (đang thống kê báo cáo). Sự việc khiến dư luận đặt ra câu hỏi, việc xe chở dầu cháy làm tắc nghẽn cả một tuyến đường huyết mạch, gây thiệt hại lớn như vậy thì trách nhiệm thuộc về ai?
Nêu ý kiến về vấn đề trên, Luật sư Phạm Thị Nguyệt Tú – Giám đốc Công ty Luật TNHH Thái Hà (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Theo quy định, đường cao tốc là các phương tiện được phép di chuyển với tốc độ cao khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, pháp luật cũng có quy định cụ thể về điều kiện, quy định đối với các phương tiện khi tham gia giao thông trên các tuyến đường cao tốc, đặc biệt là đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm.
Cụ thể, khoản 2 Điều 3 Nghị định 104/2009 của Chính phủ quy định: “Hàng nguy hiểm là hàng hóa có chứa các chất nguy hiểm khi vận chuyển có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia”. Theo quy định này thì dầu nhờn thuộc sản phẩm dầu mỏ nên nằm trong danh mục hàng hoá nguy hiểm.
“Trên thực tế, có rất nhiều hành vi sử dụng phương tiện vận chuyển xăng dầu đã bị xử phạt như không được cơ quan có thẩm quyền cho phép, vận chuyển không tuân thủ theo các quy tắc an toàn, chuyển tải và sang mạn xăng dầu sai quy định,… Rất nhiều hành vi khiến cho người vận chuyển cũng như đơn vị kinh doanh bị xử phạt” – LS Tú cho biết.
Về việc xử lý vi phạm, LS Tú cho biết, khoản 2 Điều 25 Nghị Định 67 của Chính phủ đã thông qua quy định, khi đơn vị sử dụng phương tiện vận tải xăng dầu chưa được cấp phép sẽ bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng – 80.000.000 VNĐ đồng. Trường hợp vận chuyển gây ra tai nạn, tổn thất cho người và của sẽ tùy thuộc vào tình hình, đưa ra các chế tài phù hợp, có thể thực hiện truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, để hạn chế các sự cố cháy nổ xảy ra trong quá trình vận chuyển xăng dầu bằng xe bồn, xe téc, ngoài việc tuân thủ các quy định giao thông đường bộ phương tiện vận chuyển và người vận chuyển còn phải đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC và Thông tư 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014 của Bộ Công an về quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP.
“Đối với các phương tiện vận chuyển xăng dầu, đầu tiên phải được cấp phép vận chuyển, phải đảm bảo điều kiện an toàn. Thứ hai, người lái xe phải được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về vận chuyển xăng dầu. Các xe vận chuyển cũng phải tuân thủ theo định mức trang bị phương tiện, trên xe phải có bình chữa cháy, dụng cụ cứu nạn, cứu hộ…” – LS Tú nhấn mạnh.
Theo đó, để bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong hoạt động vận chuyển các loại hàng hóa nguy hiểm, dễ cháy nổ, ngoài ý thức của mỗi người lái xe, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về vận chuyển xăng dầu, hóa chất, LS Tú chia sẻ thêm.