Sau khi Báo Đà Nẵng số ra ngày 17-5 đăng bài “Cá chết trắng sông Cầu Trắng”, phản ảnh tình trạng cá chết hàng loạt ở sông Cầu Trắng, phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu), do nguồn nước sông bị ô nhiễm. Cùng ngày, các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân, truy tìm thủ phạm làm ô nhiễm sông Cầu Trắng.
Tập trung xử lý môi trường
Xác cá đang phân hủy, gây ô nhiễm môi trường ở dọc bờ sông Cầu Trắng, thuộc địa bàn tổ 11 Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc. |
Ông Trần Phước Huấn, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) cho biết, do nguồn nước bị ô nhiễm nặng, trong ngày 17-5, tình trạng các loài thủy sản bị chết vẫn tiếp tục xảy ra trên sông Cầu Trắng. Dọc hai bên bờ sông, có nhiều xác cá, tôm, cua mới chết tấp vào trong các bụi cỏ.
Tại khu vực cuối sông Cầu Trắng giáp với cửa biển ở tổ 11 Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc, xác các loại cá chết trong những ngày qua dồn về đây đã bắt đầu phân hủy, bốc mùi hôi thối. Chiều ngày 17-5, lực lượng phường Hòa Hiệp Bắc và người dân sống ở khu vực cửa biển đã dùng thúng chai vớt cá chết nổi trên sông, thu gom xác cá tấp vào bờ mang đi tiêu hủy. Thế nhưng, theo ông Huấn, mặc dù xác cá đã được dọn sạch, song mùi tanh, hôi thối của cá chết vẫn còn bốc lên nồng nặc trong khu vực.
Bà Huỳnh Thị Nga, Phó phòng Tài nguyên-Môi trường quận Liên Chiểu cho biết, để bảo đảm môi trường sống, sức khỏe của người dân, phòng đã đề nghị Sở Tài nguyên-Môi trường, cơ quan y tế tổ chức phun chế phẩm xử lý môi trường trên sông Cầu Trắng và ven bờ, nhằm tránh dịch bệnh xảy ra.
Lấy mẫu nước thải các công ty để xét nghiệm
Sáng ngày 17-5, lực lượng Cảnh sát Môi trường phát hiện ngay mép sông dưới chân Cầu Trắng có một cống nước thải màu đỏ quạch. |
Trong buổi sáng cùng ngày, Phòng Tài nguyên-Môi trường quận Liên Chiểu đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường Đà Nẵng, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an thành phố Đà Nẵng tổ chức lấy mẫu nước sông Cầu Trắng, mẫu nước thải của các công ty thải ra theo họng cống ở đường số 3, Khu công nghiệp Liên Chiểu, gồm: Công ty TNHH giấy Sức Trẻ, Công ty TNHH giấy Thịnh Phú, Nhà máy Hóa chất Đà Nẵng và lấy mẫu nước thải từ cơ sở sản xuất giấy của ông Nguyễn Ngọc Tranh, ở phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) để gửi đi xét nghiệm.
Ở một diễn biến khác, trong quá trình kiểm tra dọc hai bên bờ sông, lực lượng Cảnh sát Môi trường Công an thành phố Đà Nẵng đã phát hiện ở mép sông dưới chân Cầu Trắng có một họng cống nước thải bị che khuất dưới lùm cỏ dại mọc um tùm. Sau khi phát quang cỏ, đã lộ ra một họng cống rộng khoảng 1m2, chứa đầy nước màu đỏ quạch. Cảnh sát Môi trường đã lấy mẫu nước này về xét nghiệm.
Trao đổi với P.V Báo Đà Nẵng, ông Trương Hùng Tiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Đà Nẵng cho biết, các cơ quan chức năng đang chờ kết quả xét nghiệm mẫu nước để xác định nguyên nhân và thủ phạm gây ra tình trạng cá chết hàng loạt trên sông Cầu Trắng. Dựa trên cơ sở kết quả xét nghiệm, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật đối với những trường hợp vi phạm.
Bài và ảnh: Ngọc Đoan