Ngày 27/12, TAQS Trung ương mở phiên toà xét xử phúc thẩm bị cáo Lê Văn Minh (cựu thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4) và nhiều bị cáo khác trong vụ buôn lậu gần 200 triệu lít xăng. Phiên tòa được mở theo kháng cáo kêu oan, xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo.
Trong đó, bị cáo Lê Văn Minh, Nguyễn Văn Hùng (cựu thượng tá, cựu Đồn trưởng Biên phòng cảng Trường Long Hòa, tỉnh Trà Vinh), Phạm Hồ Hải (cựu Trưởng đại diện cảng vụ hàng hải Cần Thơ tại Duyên Hải, Trà Vinh), Lê Văn Phương (cựu Phó phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Trà Vinh), Nguyễn Thanh Lâm (cựu Hải đội trưởng 2 thuộc Biên phòng tỉnh Sóc Trăng, Phạm Văn Trên (cựu đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Trà Vinh) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin được hưởng án treo.
Bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu đại tá, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng) và Nguyễn Văn An (cháu ruột Nguyễn Thế Anh) kháng cáo kêu oan.
Các bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “Nhận hối lộ”, “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.
Tại tòa phúc thẩm, bị cáo Thế Anh bất ngờ thay đổi nội dung kháng cáo từ kêu oan sang xin giảm nhẹ hình phạt ở tội “Nhận hối lộ”. Theo trình bày của bị cáo, giai đoạn sơ thẩm do tâm lý bị cáo hoang mang, không nhận thức được hành vi nên bị cáo liên tục kêu oan. Sau này, khi suy nghĩ kỹ, bị cáo đã nhận ra việc nhận tiền là sai. Bị cáo Thế Anh nói có nhận tiền “bảo kê” nhập lậu xăng dầu, song xin được tòa phúc thẩm xem xét.
Bị cáo Thế Anh tại tòa. |
Tiếp đó, bị cáo Thế Anh phân bua, cho rằng số tiền mình nhận thông qua cháu trai là Nguyễn Văn An không nhiều như cấp sơ thẩm quy kết. Trước đó, cấp sơ thẩm quy kết bị cáo nhận hối lộ 560.000 USD và 6,2 tỷ đồng, tức gần 19 tỷ đồng.
Ở tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”, bị cáo Thế Anh giữ nguyên nội dung kháng cáo kêu oan với lý do cháu trai sang Lào kiếm việc làm, không liên quan đến mình. Bị cáo khẳng định bản thân không tác động, xúi giục, cho tiền để An trốn. “Bị cáo không phạm tội này”, bị cáo Thế Anh nói.
Tương tự, bị cáo Nguyễn Văn An (cháu của bị cáo Thế Anh) cũng xin thay đổi nội dung kháng cáo từ kêu oan sang xin giảm nhẹ hình phạt. Các bị cáo còn lại giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, trong đó có bị cáo Lê Văn Minh.
Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Thế Anh với các cương vị là Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, đều có chức năng, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm nói chung và chống buôn lậu nói riêng. Nhưng vì tư lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, khi được Phan Thanh Hữu (Giám đốc Cty trách nhiệm hữu hạn thương mại Phan Lê Hoàng Anh) nhờ giúp đỡ để bao che, “bảo kê” cho hoạt động buôn lậu xăng của Hữu, Thế Anh đã đồng ý và nhận hối lộ của Hữu với số tiền 6,2 tỷ đồng và 560.000 USD.
Thế Anh đã nhờ bị cáo Nguyễn Văn An đi nhận tiền hộ từ Hữu. Mặc dù nhận thức rõ việc Hữu chi tiền là đưa hối lộ cho Thế Anh để giúp đỡ việc làm ăn phi pháp, nhưng An vẫn cố ý thực hiện hành vi giúp Thế Anh nhận tiền hối lộ của Hữu trong một thời gian dài.
Từ tháng 10/2019-1/2021, An đã trực tiếp và qua Cao Phước Hoài, Nguyễn Văn Quân nhận tiền của Phan Thanh Hữu và đã chuyển cho Thế Anh tổng số 6,2 tỷ đồng và 560.000 USD.
Đối với bị cáo Lê Văn Minh, cơ quan chức năng xác định ông Minh vì động cơ vụ lợi, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, trong thời gian từ tháng 12/2019-1/2021, đã trực tiếp nhận và thông qua người nhà nhận của Hữu 6,9 tỷ đồng để tạo điều kiện giúp đỡ, “bảo kê” cho hoạt động vận chuyển, buôn lậu xăng của Hữu trên biển và từ biển vào nội địa không bị bắt giữ, xử lý.
Trước đó, ngày 15/7, TAQS Quân khu 7 đã tuyên phạt bị cáo Lê Văn Minh 15 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Các bị cáo còn lại bị tuyên từ 3 năm 6 tháng đến tù chung thân theo đúng tội danh bị truy tố. Trong đó, bị cáo Nguyễn Thế Anh bị tuyên phạt tù chung thân về tội “Nhận hối lộ”, 2 năm tù về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”, tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Thế Anh là tù chung thân.