Thông báo 278/2024/TB-TA của TAND tối cao. (Ảnh: Trung Thứ) |
Ẩu đả vì cho rằng “ô tô chèn ép xe máy”
Theo hồ sơ, khoảng 18h30 ngày 6/12/2018, Thân Quốc Dũng, Phan Minh Tú (cùng quê Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) và Phạm Ngọc Hưng (quê xã Minh Khai, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) cùng một số người bạn ngồi ăn uống, xem bóng đá tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Đến khoảng 21h30 cùng ngày, cả nhóm rủ nhau đi chơi, Dũng chở Hưng, Tú chở một người bạn khác.
Đi đến hầm chui Trung Hòa, Dũng thấy anh Trần Minh Dương (quê xã Tràng An, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) điều khiển ô tô đi sát vào xe máy mình. Cho rằng anh Dương chèn ép xe mình nên cả nhóm đuổi theo. Đến ngã tư Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám, thấy xe anh Dương đang dừng đèn đỏ, cả nhóm chặn đầu xe ô tô, đập cửa buộc tài xế phải xuống xe.
Khi xuống xe, anh Dương cầm theo chiếc tuốc nơ vít “để phòng thân”. Dũng và Tú tấn công. Anh Dương dùng tuốc nơ vít đâm lại Dũng gây thương tích tỷ lệ 4%. Thấy Dũng bị đánh, Hưng dùng dao đâm 8 nhát vào vùng ngực và lưng anh Dương. Anh Dương dùng tuốc nơ vít đâm lại, làm Hưng bị thương tích tỷ lệ 2%. Về phía anh Dương, sau khi bị đâm đã được đưa đi cấp cứu, qua giám định bị thương tích tỷ lệ 73%.
Hưng bị khởi tố, truy tố về tội “Giết người”. Dũng, Tú bị khởi tố, truy tố về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Trong khi đó, hành vi của anh Dương gây thương tích cho Dũng, CQĐT cho rằng “chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi gây thương tích cho Hưng là phòng vệ chính đáng” nên không đề cập xử lý hình sự với anh Dương.
Vụ án được khởi tố điều tra, truy tố, xét xử qua hai cấp, với bản án phúc thẩm hồi tháng 3/2023 của TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên phạt Hưng 13 năm về tội “Giết người”. Dũng, Tú bị tuyên phạt về tội “Gây rối trật tự công cộng”, chịu mức án lần lượt 24 và 18 tháng tù. Ngoài án tù, tòa còn buộc Hưng bồi thường cho bị hại 450 triệu đồng.
Trong quá trình tố tụng, cả bị cáo Phạm Ngọc Hưng, bị hại Trần Minh Dương đều bày tỏ sự không đồng tình với kết luận điều tra, cáo trạng, cũng như cả hai bản án sơ, phúc thẩm. Theo họ, các cơ quan tố tụng chưa làm rõ được là có những bị cáo nào đã gây ra nhiều thương tích nghiêm trọng cho bị hại và vì vậy có thể đã bỏ lọt tội phạm.
TAND tối cao có văn bản trả lời
Liên quan vụ án, ông Phạm Hùng Vĩ (bố của Phạm Ngọc Hưng) cho rằng việc HĐXX TAND Hà Nội tuyên Hưng phạm tội “Giết người” là chưa thỏa đáng. Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án này còn một số tình tiết, chứng cứ khách quan chưa được làm rõ. Theo đó, trong các lời khai tại CQĐT và tại phiên tòa, bị hại Dương đều khai “tại thời điểm xảy ra sự việc, bị 2 người dùng dao đâm, một người đâm ở phía trước, một người đâm ở phía sau”. Như vậy, theo lời khai của anh Dương thì các vết thương của anh Dương do 2 người gây ra. “Việc CQĐT xác định Hưng là người duy nhất gây ra những vết thương trên cơ thể anh Dương là cần xem xét lại”, ông Vĩ nói.
Trong vụ án này, anh Dương cho rằng việc Hưng bị quy kết là người đâm vào ngực anh là không đúng. Tại các buổi làm việc với Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội, VKSND Hà Nội và tại phiên xử, anh đều nói và nhận dạng được người đã đâm anh trọng thương ở trước ngực, còn một người khác và Hưng đánh và đâm anh ở phía sau.
Liên quan đến vụ án, sau nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan tố tụng, mới đây, ông Phạm Hùng Vĩ (đại diện bị cáo Phạm Ngọc Hưng) đã nhận được Thông báo 278/2024/TB-TA “Giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm” của TAND tối cao. Theo đó, TAND tối cao đã có văn bản đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội chuyển hồ sơ vụ án hình sự trên đến TAND tối cao (Vụ 1) để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.
Tuy nhiên, TAND cấp cao tại Hà Nội trả lời hồ sơ vụ án trên đã được chuyển cho VKSND tối cao (vụ 7) ngày 26/3/2024. Sau khi VKSND tối cao có kết quả giải quyết mà ông Vĩ không đồng ý và có đơn đề nghị giám đốc thẩm thì TAND tối cao sẽ xem xét thụ lý để giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng.