Bà Nguyễn Thị Ngân (SN 1973, ngụ TX. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) có đơn cầu cứu đến các cơ quan ban ngành từ địa phương đến trung ương vì cho rằng con mình là Nguyễn Hữu Trung (SN 1994) bị VKSND Dĩ An truy tố không đúng tội danh. Trung bị xác định là nghi can “hiếp dâm trẻ em” Trương Thị Thu (SN 2001, ngụ Dĩ An), người bị câm điếc bẩm sinh.
3 lần trả hồ sơ
Theo cáo trạng, Trung quen biết với Thu ở gần nhà. Khoảng 8h30 ngày 15/5/2016, Thu đến nhà Trung chơi. Trung đưa Thu vào phòng ngủ của mình và thực hiện hành vi quan hệ tình dục. Khoảng 2 phút sau khi Trung quan hệ với Thu, cha Thu đến gõ cửa nhà tìm con.
Do sợ bị phát hiện nên Trung đưa Thu lên gác để trốn. Do không tìm thấy con, người cha đến công an phường trình báo sự việc. Khoảng 15 phút sau, công an phường đến nhà, yêu cầu Trung mở cửa tìm Thu. Lúc này Trung mới dắt Thu ra ngoài.
Đối với Thu, thông qua người phiên dịch là một cô giáo ở Trung tâm giáo dục khuyết tật Thuận An (Bình Dương), thể hiện Thu không đồng ý quan hệ tình dục nhưng bị Trung ép buộc. Lời phiên dịch cho rằng Thu bị câm điếc nên không la lên được.
Cơ quan điều tra đưa Thu đi giám định pháp y, tiếp đến giám định tâm thần. “Kết quả về y học” cho thấy Thu bị bệnh chậm phát triển tâm thần. Về năng lực nhận thức và điều khiển hành vi, Thu bị mất hoàn toàn. Cơ quan tố tụng truy tố Trung tội danh “hiếp dâm trẻ em”.
Tuy nhiên, khi gặp mẹ trong trại tạm giam, Trung có đơn khiếu nại, không đồng ý với cáo trạng. Theo mẹ Trung: “Hai đứa quen nhau qua facebook trước khi sự việc xảy ra khoảng 1 tháng. Hai bên thường xuyên nhắn tin với nhau. Một số tin nhắn tôi đọc được. Trung còn nạp tiền điện thoại cho Thu để hai đứa nói chuyện”.
Sáng 15/5/2016 là Chủ nhật, Trung đi ra ngoài về nhà, nói với bà Ngân: “Hôm nay mẹ đừng đi làm, có bạn gái con tới chơi”. Bà Ngân nói do công việc của mình là ép dẻo, bán hàng keo dính chuột dạo, chủ nhật là ngày bán được hàng nên bà không ở nhà mà cùng chồng đi làm. “Vợ chồng tôi đi được 1 tiếng đồng hồ là nghe tin sự việc xảy ra”, bà Ngân kể.
Bà Ngân nói được Trung kể lại khi Thu nhắn tin thông báo đến nhà chơi, Trung hướng dẫn đường đi. Lúc này ở nhà không còn ai, Trung và Thu ngồi ở phòng khách dưới tầng trệt. Một lát sau Thu hỏi phòng ngủ của Trung ở đâu để lên xem. Trung chỉ cho Thu biết rồi qua nhà đối diện mua nước. Trung mua nước về nhà, vẫn ở dưới phòng khách, sau đó lên phòng, thấy Thu không còn mặc quần áo nên quan hệ tình dục.
Một lát sau, cha Thu đến gọi cửa. Nghe tiếng cha, Thu ra dấu không dám ra ngoài vì sợ bị đánh. Trung đưa Thu lên lối thoát hiểm trên mái nhà để trốn. Trung cho rằng Thu tự nguyện quan hệ tình dục với mình chứ không hề có sự ép buộc như cáo trạng nêu.
Vụ án được đưa ra xét xử 3 lần nhưng cả 3 lần đều phải trả hồ sơ điều tra bổ sung. Trong quyết định trả hồ sơ vào tháng 10/2016, Tòa xác định tại phần xét hỏi, bị hại trả lời được hết các câu hỏi của HĐXX thông qua chữ viết. Thông qua người phiên dịch, bị hại có khả năng trả lời bằng lời nói, đúng trọng tâm những câu hỏi. Người đại diện cho bị hại xác định bị hại đã học hết lớp 5, mỗi năm lên 1 lớp.
Tòa quyết định trả hồ sơ để giám định tâm thần lại đối với bị hại, giải thích rõ giữa “kết luận về y học” và “kết luận về nhận thức, hành vi năng lực”; điều tra kết quả học tập của Thu khi còn ở quê Thái Bình; trích xuất các thông tin về tin nhắn điện thoại di động, facebook giữa hai người để chứng minh tình cảm.
Giám định tâm thần của nạn nhân |
“Mất”, hay “hạn chế”?
Trong ba lần trả hồ sơ, VKS đều chưa bổ sung được những vấn đề tòa nêu ra. Một lần VKS không chấp nhận giám định lại và vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố tội “hiếp dâm trẻ em”. Một lần, CQĐT cho rằng đại diện bị hại và luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị hại không đồng ý giám định lại. Một lần, CQĐT “bê” nguyên trả lời của Bệnh viện tâm thần trung ương 2 về giám định tâm thần của bị hại để giữ nguyên quan điểm.
Theo luật sư bào chữa cho Trung: “Việc CQĐT bổ sung hồ sơ theo kiểu dựa trên trả lời của cơ quan giám định pháp y là chưa đúng. Kết luận này cũng cho thấy bị hại không hề “mất nhận thức và điều khiển hành vi”. “Mất” tức là hoàn toàn không kiểm soát được hành vi của mình như đi lang thang, không sử dụng được bất cứ loại hình ngôn ngữ nào như lời nói, hình thể, chữ viết...
Ở đây, bị hại viết được, nói được (dù chậm và đớt), sử dụng ngôn ngữ hình thể (ngôn ngữ riêng của người bị câm điếc bẩm sinh), thậm chí sử dụng điện thoại để nhắn tin, dùng facebook kết bạn, nói chuyện với nhiều người thì làm sao gọi là “mất nhận thức và điều khiển hành vi”? Bị hại chỉ bị hạn chế”.
“Nếu Thu bị tâm thần, không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi thì làm sao có thể theo học đến 5 năm. Một đứa trẻ bị tâm thần, không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi thì trường học nào nhận em ngoài trường khuyết tật, tâm thần. Chính bác sĩ cũng đã khẳng định "đương sự sinh thường, phát triển tâm thần vận động bình thường", luật sư bào chữa bị cáo nói.
Ngoài ra, trong ba lần xét xử, có một lần bị hại không hợp tác, không nói để người phiên dịch có thể trả lời những câu hỏi của HĐXX. Tất cả những lời khai của bị hại đều do mẹ bị hại (đại diện hợp pháp) khai.
Trở lại với Trung, người mẹ cho biết: “Con tôi có thể có quan hệ tình dục với Thu. Việc quan hệ với trẻ trong độ tuổi từ 13 – 16 là phạm tội. Nhưng tội danh giao cấu với trẻ em, khung hình phạt khác xa với tội hiếp dâm. Và cả về mặt danh dự cho Trung cũng hoàn toàn khác nhau một trời một vực. Con tôi phạm tội ở mức độ nào, mong pháp luật xử lý đúng mức độ ấy”.
“Một người sử dụng thành thạo điện thoại, facebook, khi nghe con tôi hướng dẫn, có thể tìm đến tận nhà tôi dù chưa đến lần nào, thì liệu rằng có bị tâm thần và không thể nhận thức, điều khiển được hành vi của mình hay không? Điều đó hoàn toàn vô lý”, mẹ bị cáo nói.
Theo bà Ngân, ngay sau khi sự việc xảy ra, dù chưa biết đúng sai thế nào, gia đình bà đã tìm đến nhà Thu nói chuyện nhưng không được tiếp đón. “Mẹ Thu còn nói chuyện được chứ bố Thu thì cứ chửi đổng. Họ không nêu ra nguyện vọng gì cả. Mới đây, gia đình tôi tiếp tục đến nhà nhưng vẫn bị đuổi về”, bà Ngân kể.
Gia đình Trung hơn 1 năm qua vẫn liên tục cầu cứu khắp nơi vì cho rằng Trung bị truy tố sai tội danh. Chưa rõ dự kiến phiên tòa sẽ tiếp tục được xét xử với tội danh “hiếp dâm trẻ em” hay không, và những yêu cầu của tòa khi trả hồ sơ có được CQĐT thực hiện hay không?
(Tên nạn nhân đã được thay đổi)