Từ lao động vất vả hóa cảnh “gà trống nuôi con”
Được cán bộ quản giáo dẫn vào khu nhà thư viện của phạm nhân tại Phân trại số 01 - Trại giam Yên Hạ, tôi thấy Sầm Văn Thương khá “nhừ” so với tuổi trên hồ sơ mà trước đó các cán bộ trại giam đưa cho tôi nghiên cứu.
Thương kể, hắn là con thứ 3 trong gia đình có 4 chị em, bố mất sớm. Từ nhỏ, do hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn nên Thương không được đi học và không biết chữ. Mới 12 tuổi, Thương đã đi theo các anh em cùng quê đi lên mỏ đá ở Lạng Sơn để làm thuê, kiếm tiền giúp đỡ gia đình. Vì nhỏ tuổi quá nên mới chỉ làm được 2 tháng, Thương bị chủ cho nghỉ việc.
Lang bạt khắp nơi xin việc nhưng không được nhận, Thương cùng người em họ tìm về Hà Nội xin đi làm thuê nấu cơm, rửa bát ở các quán ăn, nhà hàng để có tiền gửi về cho gia đình.
Làm ở Hà Nội được vài năm, đến khoảng năm 2004, 2005 thì Thương nghỉ làm, đi theo những người họ hàng lên làm thuê tại các công trình, mỏ đá ở tỉnh Điện Biên, Sơn La. Đến tháng 10/2008, Thương cùng anh em về huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La) nhận làm công nhân lao động trong bãi đá. Sau mỗi đợt lao động, được chủ trả tiền công là cả nhóm lại chia đều cho nhau để gửi về cho gia đình, chỉ giữ lại một phần nhỏ để sinh hoạt cá nhân.
Năm 2010 do ít việc và lao động cũng không cố định nên mỗi khi hết hết việc thì Thương lại về quê lao động giúp mẹ. Những lần về quê, Thương quen biết với chị H. là người cùng quê, cách nhà chừng 4 cây số. Đến cuối năm 2010 thì Thương và chị H. kết hôn với nhau. Năm 2011 vợ chồng Thương có với nhau một bé gái.
Thời gian này, do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên Thương lại “khăn gói” lên Sơn La để làm thuê cùng anh em, họ hàng. Thi thoảng, vài ba tháng, Thương mới về thăm gia đình 1 lần, gửi tiền xong thì lại đi ngay.
Khi con gái Thương chưa đầy 1 tuổi, vợ Thương gửi lại con gái cho mẹ chồng trông để đi theo người bạn lên thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội) xin làm công nhân may. Nghĩ con gái còn nhỏ mà không được mẹ chăm sóc nên Thương đã lên Xuân Mai để thuyết phục vợ về chăm con, còn hắn đi làm.
Tuy nhiên, vợ Thương không đồng ý nên giữa hai người đã thống nhất “đường ai, nấy đi” và Thương đã chọn cảnh “gà trống nuôi con”. Sau khi nhờ mẹ đẻ chăm sóc giúp con gái nhỏ, Thương lại lên Sơn La để đi làm thuê kiếm tiền nuôi mẹ, nuôi con.
Con đường mưu sinh đáng lẽ ra cứ như thế trôi đi trong sự vất vả, gồng gánh nhưng đầy trách nhiệm, tình cảm của Thương với mẹ già, con nhỏ. Thế nhưng, chỉ vì giây phút bột phát thiếu suy nghĩ cộng thêm “hơi men” đã đẩy hắn từ “đường đời” vào “đường tù” éo le như bây giờ.
Sợ bị đuổi việc nên sát hại người tình
Theo hồ sơ vụ án, tháng 4/2014, Sầm Văn Thương đi làm thuê khai thác đá cho anh N.V.T. tại bản Tưn, xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Anh T. có thuê lán nương của gia đình chị Đ.T.Th. để làm chỗ ở cho công nhân, từ đó Thương quen biết chị Th.
Đến tháng 5/2014, sau khi chồng của chị Th. bị bắt về hành vi “Tàng trữ trái phép chất ma túy” thì Thương và chị Th. có quan hệ tình cảm với nhau. Biết chuyện, anh T. đã nhiều lần ngăn cấm không cho Thương tiếp tục quan hệ với chị Th.
Khoảng 16h chiều ngày 24/12/2015, Thương gọi điện thoại cho chị Th. hẹn tối gặp nhau. Qua điện thoại, chị Th. hỏi xin tiền Thương để đi khám chân bị đau, nhưng Thương nói không có tiền nên chị Th. nói sẽ không đến nữa vì còn phải đi vay tiền khám chân.
Sau khi ăn cơm xong, Thương đi bộ đến nhà một người quen tại bản Tây Tà Lào, xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ để uống rượu tiếp. Uống say, Thương gọi điện cho chị Th. nói rằng đã có tiền và hẹn gặp tại bãi đá nơi Thương và chị Th. thường gặp nhau. Thấy vậy, chị Th. đồng ý và nói với Thương chờ một lúc.
Sau đó, chị Th. một mình đi xe máy tới chỗ hẹn, dựng xe ở phía ngoài rồi đi bộ vào gặp Thương. Thương nói với chị Th. rằng hắn chỉ có 500 nghìn và định rút tiền đưa thì chị Th. chê ít rồi xoay người bỏ về.
Khi chị Th. đi bộ được khoảng 1 mét thì đột nhiên bị vấp ngã chúi đầu về phía trước. Thấy vậy, Thương bước tới rồi dùng tay kéo chị Th. lên. Thế nhưng, vừa đứng dậy, chị Th. dọa sẽ nói cho anh T. biết việc Thương gặp chị Th.
Sợ anh T. biết chuyện sẽ đuổi việc, nên Thương tức giận, dùng tay phải túm vào cổ áo bên phải của chị Th. rồi đẩy mạnh làm cho chị Th. ngã ngửa rồi lao vào hành hung nạn nhân cho đến chết.
Gây án xong, Thương đi bộ về lán, thấy trên tay và quần áo có dính máu nên hắn đã rửa chân tay, giặt bộ quần áo ở mó nước gần lán. Khi về lán, Thương tháo chiếc sim điện thoại đã dùng để gọi điện cho chị Th. cất vào túi quần và đi ngủ. Sáng sớm hôm sau, hắn vẫn đi làm đá cùng nhóm công nhân như bình thường.
Sáng ngày 26/12/2015, người dân phát hiện chị Th. tử vong trên tảng đá, ngay sau đó Thương đã bị bắt giữ. Tại bản án sơ thẩm số 89/2016/HSST ngày 26/5/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La đã tuyên phạt bị cáo Sầm Văn Thương án tù chung thân về tội “Giết người”.
Ân hận muộn màng, mong ngày về để “báo hiếu”
Ngồi đối diện với tôi, Thương đã khóc, mắt hắn đỏ hoe, nhiều lần phải gục mặt lên vai mình để che đi những giọt nước mắt trực chờ trào ra khi tôi hỏi về mẹ và con gái của hắn.
Thương kể, khi mới thụ án ở trại giam Yên Hạ được một thời gian, mặc dù hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nhưng mẹ hắn vẫn sắp xếp, vay mượn để cho con gái hắn khi đó mới chừng 5 tuổi lên thăm, gặp nhận mặt bố. Sau này, thấy hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn, vả lại tuổi mẹ hắn cũng đã cao nên hắn khuyên mẹ không cần lên thăm mà để dành số tiền thăm nom đó cho 2 bà cháu lấy tiền sinh hoạt.
Trò chuyện với PV Báo PLVN, nhiều lần Thương khóc khi nghĩ về mẹ già và con gái. |
Thương rơm rớm nước mắt, ngập ngừng nói: “Điều ân hận và hối tiếc nhất của em đó là đã tước đoạt đi mạng sống của người khác và mang đau đớn đến cho gia đình của người bị hại. Đồng thời, cũng chính em là người đã đẩy trách nhiệm cuộc sống và nỗi đau cho mẹ già em và con gái nhỏ vốn thiếu thốn tình cảm của cả cha lẫn mẹ. Nếu như em không đi tù thì có lẽ em đã chăm sóc được mẹ và bù đắp cho cháu rất nhiều, nhưng do một phút sai lầm đến bây giờ phải trả giá bằng bản án quá đắt. Hi vọng, sau này có cơ hội trở về, em mong mẹ em vẫn còn khỏe để em có cơ hội phụng dưỡng được mẹ ngày nào thì tốt ngày đấy. Mong sao con em được ăn học thành người hiểu biết để an ủi phần nào cho lương tâm của chính em”.
Thương tâm sự, những ngày tháng đầu cải tạo ở trong trại giam Yên Hạ, do án chung thân quá dài nên hắn luôn buồn chán. Tuy nhiên, được sự động viên về tinh thần, sự cảm hóa, giáo dục của các cán bộ quản giáo nên hắn đã nhận thức và ân hận về những tội lỗi của mình. Từ đó, hắn nhìn vào và vực lại tinh thần để tập trung, chăm chỉ lao động, cải tạo tốt, mong chờ một ngày nào đó được trở về với gia đình.
Quá trình lao động cải tạo, Thương đã được cán bộ quản giáo nơi đây giao cho làm đủ các nghề thủ công như khâu bóng, đan cói, hiện tại đang làm nghề đan bèo (cây lục bình) thành sọt và làm đồ thủ công mỹ nghệ...
“Em xin chân thành cảm ơn Ban Giám thị và Hội đồng cán bộ Quản giáo trại giam Yên Hạ đã tạo điều kiện giúp đỡ, giáo dục, động viên không chỉ riêng em mà toàn thể các phạm nhân nơi đây trong quá trình cải tạo, trong cuộc sống, lao động, những ai có vướng mắc gì về pháp lý các cán bộ đều giúp đỡ. Em cũng học được nhiều nghề ở trong này. Tuy rằng không cao sang gì nhưng sau này nếu có cơ hội trở về xã hội em sẽ tìm một nghề để nuôi sống bản thân mình và phần nào để giúp đỡ được gia đình.
Qua tội lỗi mà em gây ra và đang phải chịu sự trả giá, em rất ân hận và xin chia sẻ với những thanh niên trẻ đang được lao động ngoài xã hội rằng, hãy tránh xa tệ nạn, đừng vì thiếu suy nghĩ, vì rượu chè quá chén mà mất kiểm soát bản thân mình, gây ra lỗi lầm để rồi đánh mất tất cả, phải trả giá như em bây giờ.” – phạm nhân Thương chia sẻ.