Trong vụ án này, 3 đối tượng Nguyễn Thế Quang (cựu Chánh Văn phòng), Nguyễn Thị Lựu (cựu Phó Chánh Văn phòng) và Nguyễn Tôn Nữ Huyền Vi (cựu Kế toán Văn phòng) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng của VKSND Gia Lai, thực hiện Văn bản 269 ngày 15/10/2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai đã ra Quyết định 02 ngày 28/1/2008 về việc thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh. Biên chế của Văn phòng nằm trong tổng biên chế hành chính của địa phương, do UBND tỉnh phân bổ.
Là văn phòng chung nhưng kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh và Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh lại tách biệt, do có hai nguồn kinh phí Trung ương, địa phương chi trả. Cụ thể, Đoàn ĐBQH tỉnh được chi trả kinh phí theo Nghị quyết 08 ngày 16/12/2002 của Quốc hội ban hành quy chế hoạt động của Văn phòng Quốc hội và Đoàn ĐBQH; còn Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh Gia Lai được chi trả theo nguồn kinh phí ngân sách của địa phương.
Cuối năm 2016, cơ quan chức năng phát hiện Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh Gia Lai có những dấu hiệu vi phạm pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng tài chính từ 2013 - 2016. Trong quá trình bị kiểm tra và bị điều tra, các cá nhân mắc sai phạm đã nộp khắc phục hậu quả hơn 11,2 tỷ đồng; trong đó có hơn 3,5 tỷ đồng tiếp khách không đúng quy định; hơn 2,38 tỷ đồng lập khống 7 biên chế Đoàn ĐBQH tỉnh; hơn 1,1 tỷ đồng tiền mua các loại văn phòng phẩm.
Cụ thể, Quang đã nộp 4,850 tỷ đồng, Lựu nộp 4,843 tỷ đồng, Vi nộp hơn 65 triệu đồng và một số cá nhân khác có liên quan đã nộp tổng cộng hơn 11,2 tỷ đồng vào tài khoản của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy mở tại Kho bạc Nhà nước tỉnh. Căn cứ quy định pháp luật, các cơ quan chức năng đã thống nhất cao quan điểm xử lý là tách hành vi lập khống 7 biên chế Đoàn ĐBQH tỉnh, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 2,38 tỷ đồng ra truy tố, xét xử.
Theo cáo trạng, từ 2013 - 2016, bị can Nguyễn Thế Quang (SN 1957 tại huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định; cựu Chánh Văn phòng; là chủ tài khoản) biết rất rõ 7 biên chế của Đoàn ĐBQH tỉnh đã được Văn phòng Quốc hội cấp dự toán kinh phí chi lương và các khoản phụ cấp theo lương riêng. Tuy vậy, Quang vẫn đồng ý với Lựu và Vi lập dự toán và ký khống vào các văn bản chứng từ thanh toán kinh phí trùng 7 biên chế để lấy hơn 2,38 tỷ đồng chi cho các hoạt động chung của Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND. Do vậy, Quang có vai trò cao nhất trong vụ việc này.
Cùng thời gian nêu trên, Nguyễn Thị Lựu (SN 1967, quê huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam; cựu Phó Chánh Văn phòng, phụ trách kế toán) đã trực tiếp lập khống dự toán kinh phí 2 năm (2013 - 2014) và tham mưu cho Quang ký vào các văn bản để lấy kinh phí cấp trùng 7 biên chế. Ngoài ra, Lựu còn chỉ đạo Vi lập khống bảng lương tháng 7/2014 và lập khống dự toán kinh phí 2 năm (2015 - 2016), gây thiệt hại ngân sách Nhà nước tổng cộng hơn 2,38 tỷ đồng. Lựu là người trực tiếp làm kế toán lâu năm, làm lãnh đạo nhiều năm, thực hành đắc lực và có vai trò thứ 2 trong vụ án.
Với Nguyễn Tôn Nữ Huyền Vi (SN 1990, ngụ thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), vào Văn phòng làm kế toán từ 2013. Đến năm 2015, Vi phát hiện việc đưa 7 biên chế vào xin kinh phí là sai quy định nên đã loại ra khỏi danh sách và báo cáo sự việc này cho Lựu. Lựu không đồng ý mà yêu cầu Vi phải tiếp tục đưa 7 biên chế của Đoàn ĐBQH vào lập khống các thủ tục xin cấp kinh phí cho Văn phòng. Thực hiện theo sự chỉ đạo đó, Vi lập khống bảng lương tháng 7/2014 và lập trùng dự toán kinh phí 7 biên chế cho Văn phòng trong 2 năm (2015 - 2016) rồi trình Lựu ký nháy trước khi trình Quang ký duyệt. Những hành vi của Vi đã góp phần gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 1,3 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, các đối tượng nhận thức được những hành vi phạm pháp luật của bản thân và đã nộp tiền khắc phục hậu quả. Tuy vậy, các đối tượng còn phải chịu trách nhiệm về mặt hình sự.