Các bản ảnh hiện trường chưa phù hợp cáo trạng
Như PLVN đã phản ánh, tháng 2/2018, vợ chồng ông Trần Văn Bảy (SN 1955), bà Dương Thị Nguyệt Thu (SN 1962, cùng ngụ số 76 Khe Sanh, phường 10, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) tự ý ký giấy tay bán cho ông Nguyễn Văn Sáu (SN 1952, ngụ TP HCM) mảnh đất của cha mẹ vợ nằm đối diện nhà mình với giá 300 triệu đồng. Ngay sau khi bán, biết mình sai, vợ chồng ông Bảy tìm cách trả lại tiền cho người mua nhưng không được.
Chủ đất sau đó là cụ Huỳnh Thị Nguyệt (SN 1941, ngụ Đà Lạt, mẹ vợ ông Bảy) khởi kiện, yêu cầu TAND Đà Lạt hủy hợp đồng mua bán đất giữa con gái, con rể với ông Sáu. Phía ông Sáu sau đó cũng khởi kiện ra TAND Đà Lạt. Tháng 11/2019, TAND Đà Lạt nhập 2 vụ án thành 1. Trong vụ án mới, ông Sáu là nguyên đơn, cụ Nguyệt và con gái Dương Thị Nguyệt Thủy (SN 1965) là bị đơn.
Quá trình chờ tòa giải quyết, UBND phường 10 đã lập biên bản hoà giải, yêu cầu các bên cấm tác động vào đất tranh chấp. Phía ông Sáu vẫn tác động, trồng cây, dù đã bị xử phạt hành chính. Ngày 10/2/2019, trên đường đi đám giỗ, qua khu đất, thấy phía ông Sáu vẫn trồng cây nên bà Thủy cùng chồng đã vào nhổ bỏ một số cây trồng.
Theo hồ sơ, bà Thủy cùng chồng Nguyễn Văn Dũng (SN 1958), bạn trai con gái bà Thủy là Đinh Anh Hà (SN 1975, ngụ Hà Nội) hủy hoại nhiều tài sản như camera, dây điện, 65 cây tùng, 148 cây cẩm tú cầu, 42 cúc thân gỗ…, tổng thiệt hại tài sản hơn 61 triệu đồng. Ba bị can bị khởi tố, truy tố theo khoản 2 Điều 178 BLHS về tội “Hủy hoại tài sản”.
Từ khi bị khởi tố, các bị can liên tục kêu oan đến các cơ quan từ địa phương tới Trung ương, cho rằng cơ quan tố tụng trong vụ án này đã thiếu khách quan khi giải quyết vụ án, hình sự hoá quan hệ dân sự, xác định thiệt hại không chính xác.
Luật sư (LS) Nguyễn Thị Vân (Đoàn LS TP HCM) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị can, cho rằng cần làm rõ một số điểm liên quan đến bản chất vụ án, khung hình phạt với bị can.
Cáo trạng cáo buộc 3 bị can phá 65 cây tùng, 148 cây cẩm tú cầu, 42 cúc thân gỗ… nhưng theo bản ảnh hiện trường (các bút lục số 53, 54, 55…), các ảnh do phía người bị buộc tội chụp, thì diện tích trồng cẩm tú cầu bị phá một phần nhỏ. “Trong clip CQĐT cho LS xem chỉ thể hiện bà Thủy nhổ 1 - 2 cây cẩm tú cầu, ông Dũng dùng chân đạp một vài cây tùng”, LS nói.
Bản ảnh hiện trường chỉ thể hiện 1 gốc tùng bị chặt. Đống cây mà cáo trạng cáo buộc các bị can thu gom để đốt sau khi chặt phá chỉ là đống nhỏ, vết cháy còn nham nhở, quan sát bằng mắt thường cũng thấy không đủ số lượng như cáo trạng cáo buộc. “Ảnh chụp hiện trường không đủ căn cứ để cơ quan tố tụng xác định số lượng tài sản thiệt hại cụ thể như cáo trạng. Trong khoảng thời gian 45 phút như cáo trạng nêu gồm cả dừng xe, đi vào vườn, nói chuyện, rồi phá, thì khó có thể huỷ hoại số lượng tài sản nhiều như thế”, LS Vân nói.
Chai xăng ở đâu ra?
Trong vụ án này, cơ quan tố tụng Đà Lạt cáo buộc các bị can dùng xăng đốt tài sản sau khi hủy hoại. LS cho rằng chi tiết này là một trong những căn cứ để truy tố các bị can theo khoản 2 Điều 178 BLHS vì sử dụng chất cháy nguy hiểm, thể hiện sự hủy hoại tài sản đến cùng, làm mất hoàn toàn giá trị tài sản. Và LS Vân cho rằng cũng cần làm rõ hơn chi tiết này.
Một bản ảnh ghi nhận số tài sản bị “hủy hoại” tại hiện trường. |
Theo hồ sơ vụ án, vợ chồng bà Thủy từng có lời khai rằng thấy Hà đi mua xăng. Tuy nhiên, nhiều lần làm việc sau này, hai bị can phản cung. Tại buổi đối chất ngày 13/9/2023 có sự tham gia của LS (các bút lục 755 - 758), bị can Dũng và Thủy một lần nữa khai không biết Hà đi mua xăng, nói rằng những lời khai trước đây là do bị mớm cung, ép cung. Còn bị can Hà không thừa nhận việc đi mua xăng.
“Như vậy cần làm rõ chai xăng ở đâu ra? Cần giám định và kết luận các cây thông bị cháy nham nhở, chưa bị cháy có thành phần xăng hay không, những phần bị cháy có phải do sử dụng xăng đốt hay không?”, LS Vân nói.
LS đồng thời đề nghị làm rõ trong khoảng thời gian các bị can rời đi tới khi công an tới khám nghiệm hiện trường, ai là người bảo vệ hiện trường, có ai tác động vào hiện trường nữa hay không.
Các bị can khai chỉ có mặt ở hiện trường hơn 15 phút, nhưng theo cáo trạng thì các bị can tới thửa đất lúc 8h15, đến 9h rời đi, khoảng 11h công an Đà Lạt tới khám nghiệm hiện trường.
LS Vân cho rằng, hành vi hủy hoại tài sản của các bị can là có nhưng có đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa, thì còn phải điều tra cho rõ. “Xét về yếu tố lỗi, phía ông Sáu trồng cây trái phép, tác động trái phép vào đất tranh chấp dù chính quyền địa phương đã cấm. Thậm chí ông Sáu đã bị xử lý hành chính nhưng vẫn vi phạm, gây bức xúc cho gia đình bị can. Các bị can có hành vi trong trạng thái tinh thần bị kích động, sự việc có lỗi của phía chủ tài sản. Và nếu chính quyền địa phương giải quyết sự việc tranh chấp triệt để, dứt điểm, thì sẽ không dẫn tới vụ án hình sự đáng tiếc này”, LS Vân nói.
“Hồ sơ vụ án cũng cho thấy các bị can không có sự bàn bạc, phân công nhiệm vụ từ trước, nên không có yếu tố “có tổ chức””, vẫn lời LS Vân.
Liên quan đến vấn đề xác minh thiệt hại trong vụ án này, ngày 17/3/2020, Văn phòng Chính phủ (VPCP) có Văn bản 2041/VPCP-V.I gửi Công an tỉnh Lâm Đồng. Theo văn bản, bà Thủy có đơn gửi Thủ tướng cho rằng Công an TP Đà Lạt xác định thiệt hại không đúng thực tế, không có cơ sở trong vụ án; xử lý thiếu khách quan; hình sự hoá quan hệ dân sự. VPCP chuyển đơn đến Công an tỉnh Lâm Đồng để xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật. Khiếu nại trên của bà Thủy không được chấp nhận. Ngày 14/4/2020, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Lạt có Quyết định số 01/CSĐT chấm dứt việc giải quyết khiếu nại của bà Thủy.