Ông Mai Ngọc Lâm, Thẩm phán TAND TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) vừa ký Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 283/2023/QĐXXST-HS ngày 23/11/2023; quyết định đưa các bị cáo Nguyễn Văn Dũng (SN 1958) và vợ là bà Dương Thị Nguyệt Thủy (SN 1965, cùng ngụ 54C Hồ Xuân Hương, phường 11; hai người này đang được tại ngoại); Đinh Anh Hà (SN 1975, bạn trai của con gái ông Dũng - bà Thủy; quê Hà Nội, đang bị tạm giam) ra xét xử về tội “Hủy hoại tài sản”. Thời gian mở phiên toà 8h ngày 6/12/2023 tại Hội trường xét xử TAND Đà Lạt. Điều đáng lưu ý, trong quyết định nêu rõ “vụ án được xét xử kín”.
Vụ án “2 trong 1”
Như PLVN đã phản ánh, trước 1975, cha mẹ bà Thủy khai phá thửa đất nằm đối diện nhà vợ chồng con gái - con rể Dương Thị Nguyệt Thu (SN 1962) - Trần Văn Bảy (SN 1955) ở số 76 Khe Sanh (phường 10). Năm 2018, người con rể tự ý bán thửa đất trên cho ông Nguyễn Văn Sáu (SN 1952, ngụ TP HCM).
Sự việc tự ý bán đất cha mẹ vợ bị nhà vợ phát hiện phản đối, ông Bảy trả lại tiền nhưng ông Sáu không đồng ý. Mẹ bà Thu ủy quyền cho con gái là bà Thủy khởi kiện đòi hủy hợp đồng giữa con rể và ông Sáu. Ông Sáu sau đó cũng khởi kiện. Toà Đà Lạt nhập 2 vụ kiện làm 1; đã 4 lần mở phiên xử và đều hoãn, trả hồ sơ, lần gần nhất là phiên toà ngày 24/11/2023.
Quá trình giải quyết tranh chấp, UBND phường cấm các bên tác động vào đất, chờ toà giải quyết vụ kiện. Tuy nhiên, phía ông Sáu vẫn tác động vào thửa đất, dù đã bị phường xử phạt. Ngày 10/2/2019 vợ chồng bà Thủy cùng “con rể tương lai” khi tình cờ qua thửa đất, thấy phía ông Sáu vẫn không chấp hành yêu cầu của chính quyền, vẫn trồng cây, tác động vào thửa đất; nên đạp, nhổ một số cây. Phía ông Sáu có đơn tố giác. Hơn 3 tháng sau, ngày 20/5/2019, Công an Đà Lạt khởi tố vụ án “hủy hoại tài sản”.
Như vậy, liên quan khu đất, bà Thủy vừa là bị đơn trong vụ kiện tranh chấp, vừa là bị cáo trong vụ án hủy hoại tài sản. Cả 2 vụ án dân sự và hình sự này đã kéo dài nhiều năm và phía bà Thủy cho rằng quá trình xác minh, điều tra, thu thập chứng cứ, truy tố còn có một số vấn đề chưa phù hợp pháp luật. Phía bà Thủy cho rằng, để tránh oan sai thì phiên xử hình sự cần phải chờ phán quyết trong vụ kiện dân sự. Trong trường hợp ở vụ kiện dân sự, nếu tòa tuyên quyền sử dụng khu đất là của phía bà Thủy, thì sẽ có rất nhiều tình tiết giảm nhẹ cho bà Thủy trong vụ án “hủy hoại”. Tuy nhiên như trên đã nói, TAND Đà Lạt đã 4 lần mở phiên xử vụ kiện tranh chấp và đều hoãn, trả hồ sơ, lần gần nhất là phiên toà ngày 24/11/2023.
Chánh án TAND Đà Lạt khẳng định thông tin “xử kín” trong Quyết định 283/2023/QĐXXST-HS do Thẩm phán Lâm ký là “nhầm lẫn”. |
Không có căn cứ phải “xử kín”
Trong khi vụ kiện dân sự chưa có phán quyết, thì thẩm phán TAND Đà Lạt ký quyết định xử kín vụ án hình sự. Theo quyết định, phiên xử do Thẩm phán Mai Ngọc Lâm làm chủ toạ. Tòa triệu tập bị hại là ông Nguyễn Văn Sáu, 2 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, 2 người làm chứng. Trong danh sách những người tham gia tố tụng còn có 2 cán bộ công an Đà Lạt; 1 lãnh đạo, 1 chuyên viên Phòng Tài chính Kế hoạch; 1 chuyên viên Phòng Quản lý Đô thị, Phòng Kinh tế Hạ tầng Đà Lạt.
Trả lời PV, bị cáo Thủy cho hay “bất ngờ, sửng sốt” khi TAND Đà Lạt quyết định “xử kín” vụ án. Vậy dựa vào căn cứ pháp lý nào mà TAND Đà Lạt quyết định xử kín?”.
(Luật sư) LS Nguyễn Thị Vân (Đoàn LS TP HCM, người bào chữa cho các bị cáo) cho rằng, TAND Đà Lạt quyết định “xử kín” vụ án này là không phù hợp quy định pháp luật: “Căn cứ Điều 103 Hiến pháp 2013, Điều 25 Bộ luật TTHS thì vụ án này không có các yếu tố để phải “xử kín” như giữ bí mật nhà nước, an ninh quốc gia, thuần phong mỹ tục, người chưa thành niên. Kết luận điều tra, cáo trạng vụ án đều đã được ban hành công khai, nên đây là vụ án phải xử công khai. Đặt ví dụ nếu bị hại có yêu cầu “xử kín” để giữ “bí mật đời tư”, thì thẩm phán cũng phải xem xét có phù hợp chính đáng hay không, chứ không thể vội vàng cho rằng đó là “bí mật đời tư” và quyết định xử kín”, LS Vân nói.
Đồng quan điểm, LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) nói: “Trong vụ án này, không có căn cứ để “xử kín”. Ngược lại, nếu tòa có đầy đủ chứng cứ chứng minh các bị cáo có hành vi “hủy hoại tài sản” và ra phán quyết một cách “tâm phục, khẩu phục” thì càng cần thiết phải xử công khai, thậm chí là xử lưu động, mời người dân địa phương và cơ quan truyền thông tới xem càng nhiều càng tốt để tăng tính giáo dục, răn đe, tuyên truyền, phổ biến pháp luật”.
“Vụ án nói trên đang được dư luận quan tâm vì phía bị cáo cho rằng có dấu hiệu vi phạm tố tụng, chứng cứ buộc tội chưa thuyết phục, nên nếu quyết định “xử kín” mà không đưa ra căn cứ pháp lý vững chắc thì có thể khiến dư luận càng băn khoăn”, LS Hiệp nói.
Hôm qua (1/12), khi làm việc với PV PLVN về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Huyền, Chánh án TAND Đà Lạt cho biết, bản thân bà cũng bất ngờ trước quyết định “xử kín” vụ án này. Sau khi trao đổi lại với thẩm phán, Chánh án Huyền khẳng định “thông tin xét xử kín là do nhầm lẫn” và sẽ sớm có thông báo lại cho các bị cáo, người tham dự phiên toà.
Chánh án TAND Đà Lạt khẳng định: “Vụ án “hủy hoại tài sản” xảy ra tại phường 10, Đà Lạt là vụ án bình thường, không thuộc trường hợp phải xét xử kín”.