Khóc - cười chuyện thiếu phụ "sáng tác" thư tình viển vông
Hai năm trước, thiếu phụ Vũ Hương Linh (24 tuổi, quê Nam Định) đến mời luật sư bảo vệ quyền lợi cho chồng mình là Nguyễn Văn Hùng, người bị hại trong một vụ án “Cố ý gây thương tích”.
Nguyên nhân khiến chồng Linh sa vào lao lý là một câu chuyện dài, liên quan đến vợ chồng Lộc- Hằng vốn là người cùng xóm trọ thân thiết như anh em ruột với gia đình chị. Hùng kém Lộc vài tuổi, cả hai cùng quê, cùng cảnh dắt díu nhau ra Hà Nội thuê nhà mưu sinh, hy vọng làm ăn khấm khá sẽ mua được mảnh đất “cắm dùi”.
Dù đã có chồng con và cuộc sống nhọc nhằn, vất vả nhưng Linh vẫn giữ tính lãng mạn viển vông cố hữu mà nhiều người cho rằng sến súa, “dở hơi”. Đó là chị vẫn giữ thói quen tỉ mẩn ngồi viết những lá thư tay (dù đôi khi chỉ là viết cho chính mình), hoặc viết nhật ký rồi để thất lạc lung tung gây ra nhiều chuyện dở khóc dở cười.
Bản tính lãng mạn, thiếu phụ trẻ vẫn duy trì thói quen viết thư tay, viết nhật ký... |
Những tờ thư và nhật ký Linh viết ra đôi khi còn lỗi chính tả be bét và viết xong chủ yếu chỉ để cho con gấp máy bay, gấp thuyền giấy làm đồ chơi nhưng chị vẫn miệt mài.
Cũng có khi dãy trọ được phen cười vỡ bụng vì “nhặt” được nhật ký Linh viết cho chồng khi hai người giận nhau. Trong thư, Linh kể lể tỉ mỉ cả những phút trước kia vợ chồng mặn nồng, tình cảm ra sao để so sánh giờ đây tình cảm hai người lạnh nhạt, cách xa khiến chị cô đơn, buồn tủi...
Tính Hùng vốn nóng nảy, cục cằn nên khi biết chuyện, vì xấu hổ với hàng xóm, anh lẳng lặng về nhà tặng cho cô vợ trẻ những cái bạt tai xây xẩm mặt mày. Thế là vợ chồng lại giận nhau thêm một trận nữa. Linh phải đeo khẩu trang suốt cả tuần bất kể khi đi chợ hay đi làm vì đôi má hằn in những vết ngón tay thô bạo của chồng.
Nhiều lúc, ngán ngẩm anh chồng cục cằn, vũ phu, Linh lại hay nhìn sang nhà trọ kế bên và ngầm so sánh, ước ao. Linh vừa chăm con nhỏ, lo cơm nước, nội trợ gia đình, lại vừa phải đi làm công nhân kiếm tiền cùng chồng chứ đâu phải "ăn không ngồi rồi" mà thỉnh thoảng vẫn bị chồng đánh đập?
Chẳng bù cho nhà kế bên, Hằng vợ Lộc chẳng phải làm gì mà Lộc lúc nào cũng ân cần dịu dàng với vợ con, chưa bao giờ thấy anh ấy nặng lời với vợ. Ngược lại, Linh thấy Hằng mới là người quá quắt, vô tích sự, đã không làm ra tiền còn chuyên gây sự với chồng. Linh ngầm ghen tị với Hằng khi lấy được người chồng tốt tính, yêu vợ thương con.
Cứ thế, Linh đem hạnh phúc của nhà hàng xóm ra để ngầm so sánh với nhà mình để rồi lại ngậm ngùi, tiếc rẻ. Có lúc Linh cho rằng lẽ ra người chồng tốt như Lộc phải lấy được cô vợ xinh đẹp như mình mới phải. Nhưng đó chỉ là những ý nghĩ thoáng qua trong tâm trí thiếu phụ trẻ chứ chưa bao giờ Linh làm điều gì có lỗi với chồng.
Một phút nông nổi, đánh rơi hạnh phúc
Một tối, vợ chồng Linh lại xảy ra cãi vã vì những chuyện vớ vẩn không đâu. Cũng như mọi khi, nếu thấy Hùng to tiếng chửi mắng Linh là Lộc vội sang can ngăn Hùng và bênh vực Linh. Lần này cũng thế, thấy Hùng xông vào chực đánh Linh, Lộc đã giang tay can ngăn và đỡ đòn cho Linh, rồi kéo tay, đẩy Linh sang nhà mình lánh nạn. Lời nói ân cần và hành động của Lộc khiến Linh cảm động và tủi thân, bật khóc nức nở.
Thực ra, Lộc không có tình ý gì với Linh vì ở hoàn cảnh ấy, có lẽ với ai anh cũng bênh vực, cư xử ân cần như vậy chứ không riêng gì với Linh. Nhưng Linh thì nghĩ khác, chị cho rằng Lộc rất yêu thương và thông cảm với mình nên anh mới quan tâm bênh vực, sẵn sàng đứng ra hứng đòn thay để mình được an toàn. Linh càng tủi thân và uất hận...
Sáng hôm sau, Hùng vẫn dậy sớm đưa con đi học rồi đi làm như mọi ngày, còn Linh vẫn nằm lì ở nhà mà khóc. Sau đó, chị ngồi dậy tìm giấy bút trút hết tâm sự trong lòng vào một bức tình thư. Trong đó, chị nói rằng không còn tình cảm với chồng, không thể tiếp tục chung sống với chồng vì trái tim chị đã yêu người hàng xóm. Linh còn nói chị biết người hàng xóm cũng yêu mình, dù tình cảm hai người giờ đây nhiều ngang trái nhưng họ sẽ tìm cách đến với nhau.
Viết xong, Linh còn cẩn thận ký tên, gạch dưới cho chữ ký thật là bay bướm rồi giấu bức thư vào dưới gối và tiếp tục nằm khóc thêm một lúc nữa, cho đến khi mệt quá ngủ thiếp đi.
Lúc tỉnh dậy, chị hé mắt ra nhìn thì thấy trời đã tối, chồng chị đã đi làm về và đang cặm cụi làm bữa cơm chiều. Hùng ngồi xuống cạnh vợ, gãi đầu gãi tai: “Cả ngày nay đi làm anh chỉ nghĩ và ân hận về chuyện tối qua. Anh về một lúc rồi, nhưng để cho em ngủ không gọi vì biết đêm qua em thức trắng. Thôi vợ cho anh xin lỗi nhé...”
Nhìn vẻ mặt và điệu bộ của Hùng đầy vẻ ân hận, tự nhiên những giận dỗi trong lòng Linh biến mất. Đến bữa cơm tối hôm ấy thì mọi người đã thấy vợ chồng họ đã vui vẻ với nhau như không có chuyện gì xảy ra. Linh cũng quên khuấy bức thư “mật” để quên dưới gối, cho đến vài hôm sau cô giật mình nhớ ra, cảm thấy mình thật nông nổi và ân hận nên định đem đốt đi nhưng khi Linh tìm thì thấy nó đã không cánh mà bay.
Chỉ còn lại những dư âm buồn...
Thật tế bức thư ấy không mất. Thì ra, con trai Linh đã lấy nó đem gấp máy bay và phi sang nhà hàng xóm. Thật oái oăm, chiếc máy bay đó đậu trúng tay Hằng. Thay vì Hằng chỉ cần gặp riêng Linh để thẳng thắn góp ý, khuyên nhủ cô bạn xóm trọ, đằng này Hằng quá ghen tuông nên đã đưa thư cho Hùng và còn bù lu bù loa đổ thêm dầu vào lửa để chuyện thêm phức tạp.
Vốn tính nóng nảy, Hùng hầm hầm về nhà xông vào đánh Linh một trận đòn nhừ tử mà không cho vợ bất cứ cơ hội nào để “thanh minh, thanh nga” cho chuyện tình ngay, lý gian.
Luật sư Đỗ Thúy Phượng - người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người bị hại trong vụ án |
Sau màn "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với vợ xong xuôi, Hùng nốc hết chai rượu ở góc nhà vác dao đi tìm để “hỏi tội” Lộc. Mặc dù Lộc phủ nhận sự việc và ôn tồn nói: "Anh đã nói là không có chuyện đó. Mày say rồi về đi, lúc khác anh nói chuyện với mày" nhưng Hùng vẫn hung hăng bắt Lộc phải thừa nhận chuyện ngoại tình với vợ mình.
Tức giận trước thái độ ngang ngược của Hùng, Lộc đã xô ngã Hùng và giằng được con dao chém cho anh chàng hàng xóm một phát vào tay, mất 14% sức khỏe.
Ban đầu, Linh đến mời luật sư bảo vệ quyền lợi cho chồng mình với yêu cầu luật sư phải làm thế nào để “xử lý” nghiêm cả Hằng là vợ Lộc, vì nguyên nhân sâu xa là tại Hằng đã đổ thêm dầu vào lửa khiến hai người đàn ông thành tương tàn. Nếu làm được như vậy, mất bao nhiêu phí chị ta cũng chấp nhận.
Luật sư đã giải thích cho Linh hiểu yêu cầu của chị không có căn cứ pháp lý. Nếu chị tiếp tục giữ quan điểm đó thì luật sư sẽ từ chối việc bảo vệ quyền lợi cho chồng chị, vì trách nhiệm của luật sư không chỉ bảo vệ thân chủ mà còn bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Luật sư cũng phân tích cho Linh hiểu chính chị cũng là người có lỗi vì bức thư tình viết trong nông nổi, hão huyền của chị đã gây nên bi kịch. Rất mừng là sau đó Linh đã hiểu ra sự việc, và cũng có đơn trình bày xin giảm tội cho người hàng xóm.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Lộc bị tuyên án 12 tháng tù treo về tội ‘Cố ý gây thương tích”, thời hạn thử thách 18 tháng. Được biết sau đó vợ chồng Lộc đã dắt díu đàn con về quê, chấm dứt giấc mộng đổi đời.
Cũng tại phiên tòa, có một diễn biến mãi đến lúc đó luật sư mới biết, đó là dù vẫn nặng lòng thương chồng, đi mời luật sư cho chồng nhưng từ sau vụ án đáng tiếc đó, vợ chồng Linh đã ly thân. Dù rằng tình ngay lý gian nhưng Linh cảm thấy quá xấu hổ và nhục nhã nên đã bỏ nhà ra đi. Hùng không dám về quê mà thuê nơi trọ khác.
Hai năm đã trôi qua, nhưng mỗi lần đi qua con phố ấy, luật sư vẫn cứ thấy buồn miên man vì dư âm vụ án mãi không thôi. Bi kịch vụ án này, có thể sẽ không xảy ra nếu như Linh biết trân trọng cái hạnh phúc mình đang có và đừng đem nó ra so đo hơn kém với người khác làm chi.
Giá như Linh đủ kinh nghiệm và kỹ năng sống để hiểu rằng cuộc sống gia đình tuy không chỉ có màu hồng lãng mạn như mơ ước thời thiếu nữ nhưng nó ấm áp, thú vị với đủ cung bậc cảm xúc chứ không chỉ một chiều màu xám.
Và giá như mọi người cư xử với nhau chín chắn, khéo léo và bao dung hơn thì biết đâu giờ này, dãy trọ giờ đây vẫn ấm áp tiếng cười của hai gia đình.
(Ghi theo lời kể của Luật sư Đỗ Thúy Phượng, VPLS Vạn An, Đoàn Luật sư TP Hà Nội)