Vụ án "bầu" Kiên: Bi kịch “lợi ích nhóm và đường vòng tội lỗi”

Vụ án "bầu" Kiên: Bi kịch “lợi ích nhóm và đường vòng tội lỗi”
(PLO) - Trong ngày làm việc thứ 10 phiên xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, sáng qua - 30/5, đại diện VKSND TP.Hà Nội đã tranh luận lại, khẳng định đủ căn cứ truy tố bầu Kiên và các bị cáo và đề nghị Tòa bác toàn bộ quan điểm kêu oan của các bị cáo và Luật sư (LS) bào chữa cho bị cáo.
“Lợi ích nhóm, đường vòng tội lỗi”
Trong lời phát biểu của mình, đại diện VKS đã dùng từ “lợi ích nhóm và đường vòng tội lỗi” khi đề cập đến hành vi cố ý làm trái xảy ra tại ACB. Vị công tố khẳng định, tổ chức tín dụng là loại hình doanh nghiệp đặc biệt, có liên quan đến nền tài chính quốc gia. 
Ngoài việc tuân thủ các quy định pháp luật như các doanh nghiệp khác thì các tổ chức tín dụng còn bị điều chỉnh bởi Luật Các tổ chức tín dụng. Các thành viên trong Hội đồng quản trị (HĐQT) đều được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chuẩn y, đều là những người có chức vụ, quyền hạn.
Đại diện VKS xác định các bị cáo trong HĐQT ACB biết rõ quy định của pháp luật nhưng vẫn làm trái vì động cơ, mục đích lợi ích nhóm. Các bị cáo là lãnh đạo ACB nên trong lợi ích nhóm đó có lợi ích cá nhân, vậy các bị cáo phải chịu trách nhiệm.
Về chủ trương của thường trực HĐQT ACB đầu tư mua cổ phiếu gây thua lỗ cho ACB 687 tỉ đồng, đại diện VKS cho rằng: “Khi tiến hành thực hiện, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Cty Chứng khoán ACBS hợp tác đầu tư với 2 công ty ACI và ACI Hà Nội để mua cổ phiếu của ACB. Tiền của ACB lại quay về chính ACB. Để  tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng, dòng tiền này được núp dưới các hợp đồng vay liên ngân hàng, hợp đồng hợp tác đầu tư. Tôi có thể gọi tên dòng tiền này là đường vòng tội lỗi” - Công tố viên khẳng định. 
Về việc ACB cho rằng không có thiệt hại trong vụ án, không buộc các bị cáo bồi thường, đại diện VKS cho rằng ACB làm vậy để tránh hậu quả cho các bị cáo và để tránh hậu quả pháp lý cho ACB.
Về  chủ trương ủy thác cho 19 nhân viên gửi tiền vào Vietinbank, đại diện VKS cho rằng thời điểm ACB ra chủ trương, NHNN đã cấm vấn đề cho vay liên ngân hàng vì phản ánh sai lệch số tiền huy động. Thông báo, nội dung thông báo ủy thác gửi tiền là không phù hợp với quy định của pháp luât. VKS cho rằng các bị cáo giữ các vị trí trong HĐQT được NHNN chuẩn y nhưng lại làm trái quy định của pháp luật. Như vậy, VKSNDTC truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội.
Đủ căn cứ truy tố bầu Kiên 4 tội
Đại diện VKS cũng khẳng định có đủ căn cứ truy tố Nguyễn Đức Kiên và các bị cáo, đồng thời bác bỏ toàn bộ lời kêu oan của các bị cáo. Về hành vi kinh doanh vàng trái phép của Nguyễn Đức Kiên thông qua Cty Thiên Nam của Kiên, VKS nhận định dù tại cơ quan điều tra và tòa, LS, bị cáo không nhận là kinh doanh vàng mà chỉ là kinh doanh giá vàng, là sản phẩm phái sinh của ACB và Thiên Nam được phép kinh doanh. 
Tuy nhiên, VKS căn cứ vào hợp đồng Thiên Nam ký thỏa thuận với ACB và HĐQT của Thiên Nam họp thể hiện ủy quyền cho Kiên thực hiện giao dịch kinh doanh vàng ngoài lãnh thổ thông qua đặt lệnh bằng hệ thống ghi âm của ACB cho thấy, Kiên đã chỉ đạo Thiên Nam kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài, ACB chỉ là trung gian tạo dựng quy mô giao dịch. Nhưng Thiên Nam không được cấp giấy phép kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài mà vẫn thực hiện là trái Quyết định 03 của Thống đốc NHNN.
Đối đáp lại, các LS bào chữa cho Kiên vẫn nhắc lại thực tế hiện nay các doanh nghiệp muốn đi đăng ký kinh doanh ngành nghề kinh doanh góp vốn, mua cổ phiếu vẫn không thể ai cho đăng ký vì chưa có quy định. LS Nghiêm cho rằng các bị cáo bị buộc tội là bất hợp lý. 
Bị cáo Kiên hôm qua được “ưu tiên” đối đáp dài nhất với VKS. Bầu Kiên đối đáp với khẩu khí mạnh và xin VKS “thông cảm” nếu bị cáo có “mạnh lời”. Với việc VKS giữ nguyên quan điểm về tội kinh doanh trái phép, bầu Kiên đã tỏ ra bức xúc đối đáp: 
“Có nhiều Cty cùng góp vốn mua cổ phiếu như tôi thì họ lại không bị xử lý. VKS đã đặt những người đã cấp phép cho Cty của tôi là những người vi phạm pháp luật. Với tội kinh doanh vàng trái phép, VKS đã bỏ ra ngoài tài liệu hết sức quan trọng là phụ lục hợp đồng ký giữa Thiên Nam và ACB, đề nghị HĐXX xem xét”.
Cũng phiên tòa hôm qua, bầu Long đã được HĐXX cho nói điều mà bầu Kiên chờ đợi từ lúc bị tam giam đến nay đó là Kiên có ý định lừa đảo mình hay không trong thương vụ mua 20 triệu cổ phần? 
Ông Long thẳng thắn: “Làm sao tôi nghĩ Kiên lừa tôi được, đây là khách quan thôi. Nếu khi mua món hàng mà biết họ lừa thì tôi không mua”. 
Bầu Long cũng thừa nhận có sơ suất của cấp dưới ký xác nhận mà không báo lên cấp trên. Cty Thép Hòa Phát khẳng định không hề có đơn tố cáo Kiên và không đòi bồi thường. Tuy vậy, lời “nói đỡ” của bầu Long và Hòa Phát cũng không “cứu” được bầu Kiên thoát tội lừa đảo khi mà VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố. 
Tương tự với hành vi “Trốn thuế” và “Cố ý làm trái”, VKS đã phân tích, lập luận chặt chẽ và khẳng định có đủ cơ sở để giữ nguyên quan điểm truy tố là có căn cứ, đúng pháp luật. 
Phiên tòa tiếp tục tranh luận vào thứ hai - ngày 2/6.

Đọc thêm

Gặp tổ công tác 141, hai thanh niên tự nguyện giao nộp... ma túy

Các tổ công tác 141-CATP tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố.
(PLVN) - Khi tổ công tác 141 thực hiện công tác tăng cường kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa tội phạm đường phố trên đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông (Hà Nội), hai thanh niên tỏ ra lúng túng, lo sợ, tự giác giao nộp 01 túi nilon kích thước 01x01 cm bên trong chứa chất tinh thể màu trắng cho lực lượng chức năng. Tại chỗ, các đối tượng khai là ma túy đá.

Gia Lai: Giao xe máy cho con chưa đủ tuổi rồi gây tai nạn giao thông, người mẹ lãnh án

Bị cáo Rơ Mah Pil tại phiên tòa.
(PLVN) - Sáng 27/3, TAND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã mở phiên tòa xét xử lưu động đối với bị cáo Rơ Mah Pil (38 tuổi, trú tại xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai, mẹ của Rơ Mah Tinh) về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.