Tạo đường đi vòng vo để nâng khống giá trị ngôi nhà
Theo kết quả điều tra, ngày 24/1/2008, bà Hứa Thị Phấn nhận chuyển nhượng căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch (P6, Q.3, TP HCM) từ ông Nguyễn Xuân Lai và bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, theo hợp đồng mua bán nhà ở số 04365 với số tiền trị giá hơn 371 tỷ đồng (tương đương hơn 21 ngàn lượng vàng SJC).
Ngày 14/10/2008, bà Phấn chuyển nhượng căn nhà này lại cho Công ty Địa ốc Lam Giang (công ty của bà Phấn do Lâm Kim Dũng đứng tên) với giá 25 ngàn lượng vàng SJC; Công ty Lam Giang hạch toán bất động sản vào TK240 – TK bất động sản đầu tư, tổng giá trị 426.25 tỷ.
Ngày 3/8/2011, Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín Trần Sơn Nam có tờ trình số 146 về việc mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch với mức giá 1.268 tỷ (theo chứng thư thẩm định giá số 22 ngày 2/8/2011 của Cty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng Đại Tín – TrustAsset, định giá theo phương pháp giá trị thặng dư để tham khảo giá thị trường, tại thời điểm tháng 8/2011 là 1.268 tỷ) trình HĐQT.
Cùng ngày, HĐQT (gồm ông Hoàng Văn Toàn - Chủ tịch, bà Hứa Thị Phấn – Cố vấn cấp cao, các thành viên gồm Hứa Xường, Trần Sơn Nam- TGĐ, Lâm Hồng Trinh – Phó TGĐ và Ngô Kim Huệ - Phó TGĐ) có biên bản họp số 6; ông Hoàng Văn Toàn ký Nghị quyết số 31 và Giấy ủy quyền số 68, thống nhất việc mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch với giá 1.268 tỷ, ủy quyền cho bà Huệ ký kết hợp đồng mua.
Ngày 8/8/2011, Công ty Địa ốc Lam Giang do ông Dũng đại diện, ký hợp đồng song phương không công chứng bán căn nhà trên cho Ngân hàng Đại Tín do bà Huệ đại diện với giá 1.268 gồm hơn 2 tỷ tiền nhà và hơn 1.265 tỷ tiền đất.
Từ ngày 8/8/2011 đến ngày 14/12/2011, Ngân hàng Đại Tín đã chuyển tổng cộng 990 tỷ vào TK của Công ty Địa ốc Lam Giang để thanh toán tiền mua căn nhà trên, đến ngày 28/12/2011, 2 bên mới ký hợp đồng mua bán.
Ngày 2/2/2012, HĐQT Ngân hàng Đại Tín có biên bản họp số 03, chấp thuận hủy hợp đồng mua bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, số tiền hoàn trả 990 tỷ, ủy quyền cho bà Huệ ký kết hủy hợp đồng.
Ngày 3 và ngày 6/2/2012, Công ty Địa ốc Lam Giang do ông Dũng đại diện, ký biên bản thỏa thuận và hợp đồng hủy bỏ hợp đồng mua bán ngày 8/8/2011. Địa ốc Lam Giang hoàn trả lại cho ngân hàng 990 tỷ.
Các ngày 10 và 11/2/2012, Địa ốc Lam Giang đã chuyển trả lại cho Ngân hàng Đại Tín số tiền trên.
Ngày 7/2/2012, HĐTV Địa ốc Lam Giang có biên bản họp thống nhất bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch cho bà Hứa Thị Phấn với giá 450 tỷ. Cùng ngày, hợp đồng mua bán nhà ở giữa hai bên được ký kết, công chứng bởi Phòng Công chứng số 1, TP.HCM.
Ngày 9/2/2012, bà Phấn đã chuyển khoản 450 tỷ để thanh toán việc mua nhà.
Căn cứ tờ trình số 15 của Tổng giám đốc Trần Nam Sơn về việc mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, với giá 1.260 tỷ; HĐQT Ngân hàng Đại Tín có biên bản họp số 046, ông Hoàng Văn Toàn ký Nghị quyết số 05 và Giấy ủy quyền số 05, thống nhất việc mua văn nhà trên với giá 1.260 tỷ, ủy quyền cho ông Sơn ký kết hợp đồng.
Ngày 13/12/2012, bà Phấn ký hợp đồng bán căn nhà trên cho Ngân hàng Đại Tín với giá 1.260 tỷ.
Từ ngày 10/2 đến ngày 16/2/2012, Ngân hàng Đại Tín đã chuyển đủ 1.260 tỷ vào TK của bà Phấn. Ngay sau khi nhận tiền bà Phấn đã rút tiền mặt để sử dụng.
Không đủ chức năng vẫn thẩm định nhận 9 triệu đồng để thẩm định giá
Giúp sức cho bà Phấn đủ hồ sơ để nâng khống giá trị căn nhà là đơn vị thẩm định giá TrustAsset, đây là công ty có vốn điều lệ 100 tỷ, chủ sở hữu là Ngân hàng Đại Tín, đại diện pháp luật là ông Hoàng Văn Toàn, Chủ tịch, ông Nguyễn Công Tụ làm Giám đốc.
Ngày 27/7/2011, TrustAsset đại diện là ông Tụ và Địa ốc Lam Giang, đại diện là ông Dũng ký hợp đồng thẩm định giá với nội dung định giá căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, phí thẩm định là 9 triệu đồng.
Sau khi ký hợp đồng, TrustAsset giao cho định giá viên Bùi Thế Nghiệp tiến hành việc định giá căn nhà. Đến ngày 2/8/2011, TrustAsset ban hành chứng thư thẩm định giá số 22, định giá thửa đất số 5, tờ bản đồ số 5 theo phương pháp giá trị thặng dư để tham khảo giá thị trường, tại thời điểm tháng 8/2011 là 1.268 tỷ.
Ngày 13/8/2014, sau khi nhóm cổ đông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh nhận chuyển giao quyền và nghĩa vụ liên quan đến Ngân hàng Đại Tín từ nhóm cổ đông Hứa Thị Phấn, vào tiếp quản và điều hành hoạt động của ngân hàng, đổi tên thành ngân hàng VNCB; thực hiện tái cơ cấu, theo chỉ đạo của NHNN, VNCB ký hợp đồng thẩm định giá số 0529 ký với CTCP Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam (SIVC) và đơn vị này xác định vào thời điểm tháng 9/2014, tài sản này chỉ có giá là 181 tỷ.
Điều đáng nói là, theo văn bản số 563 ngày 15/1/2015 của Bộ Tài chính, trả lời công văn số 2559 của CSĐT Bộ Công an xác định Công ty TrustAsset không phải là doanh nghiệp thẩm định giá, không có chức năng thẩm định giá và không có tên trong danh sách những công ty thẩm định giá được Bộ cấp phép hoạt động.
Những “trợ thủ” đắc lực nhất giúp bà Phấn trong phi vụ này là ai?
Kết quả điều tra cho thấy bị can Ngô Kim Huệ, với vai trò là Phó Tổng giám đốc phụ trách về xây dựng cơ bản vào thời điểm đó biết rõ vấn để nhưng vẫn ký tên trên Biên bản họp HĐQT quyết định mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch và Hợp đồng mua giá 1.268 tỷ đồng từ Công ty Địa ốc Lam Giang; ký Biên bản họp HĐQT quyết định hủy hợp đồng mua và hợp đồng hủy mua căn nhà trên; ký Biên bản họp HĐQT quyết định việc mua căn nhà trên từ Hứa Thị Phấn với giá 1.260 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trước cơ quan điều tra, bị can Huệ (là cháu của bà Phấn) đã “đá” tội sang cho bà Phấn bằng cách kể lể hoàn cảnh của mình như được bà Phấn nuôi cho ăn học, năng lực yếu kém, làm theo chỉ đạo…
Tương tự, bị can Bùi Thị Kim Loan (Kế toán Công ty Phú Mỹ) cũng đổ lỗi thực hiện theochỉ đạo của bà Phấn mặc dùhồ sơ điều tra cho thấy Bùi Thị Kim Loan là cánh tay đắc lực trong phi vụ này. Mọi văn bản, hợp đồng, chứng từ liên quan đến việc mua rồi bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch cho Ngân hàng Đại Tín với giá 1.268 tỷ đồng; giấy tờ liên quan đến việc hủy và bán cho bị can Phấn với giá 450 tỷ đồng đều thông qua Loan và Lâm Kim Dũng (nguyên Giám đốc Công ty địa ốc Lam Giang, cháu rể bà Phấn) là người ký.
Ngoài ra, trong phi vụ này còn có sự đóng quan trọng bị can Nguyễn Công Tụ (nguyên Giám đốc Công ty TrustAsset khai), người được chính bà Phấn chấp thuận bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Thẩm định giá TrustAsset.Nguyễn Công Tụ khai nhận việc định giá căn nhà với giá 1.268 tỷ đồng là không có cơ sở và biết rõ TrustAsset không có chức năng thẩm định giá nhưng do…hiểu lầm giữa thẩm định giá và định giá là giống nhau.
Từ kết quả của Cơ quan điều tra cho thấy, để hoàn thành mưu đồ chiếm đoạt tiền của Ngân hàng Đại Tín, “bà trùm” Hứa Thị Phấn đã nhận được rất nhiều sự trợ giúp từ nhiều đối tượng khác và điển hình là những người được nhắc đến trong bài viết này.