TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cho biết: Bệnh nhân nam 55 tuổi nghi ngờ bị ngộ độc do uống sữa tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang được bệnh viện địa phương chuyển tới trong tình trạng rất nặng. Các bác sĩ can thiệp bằng nhiều biện pháp như cho thở máy, lọc máu, sử dụng các thuốc vận mạch, thuốc dịch truyền để đào thải chất độc ra ngoài, nhằm giữ tính mạng.
Sau khoảng 12 tiếng hồi sức tích cực, bệnh nhân có dấu hiệu cải thiện tri giác, tỉnh táo hơn, bắt đầu tiếp xúc được. Xét nghiệm cho thấy tổn thương gan, thận, cơ tim và phổi đang có dấu hiệu hồi phục.
Theo bác sĩ Hùng, bệnh sử của nam bệnh nhân phức tạp, mẹ và em trai trước đó đã lần lượt tử vong, khả năng liên quan đến một loại sữa bột, trong khi trước đó đều khỏe, sinh hoạt bình thường. Các bác sĩ hội chẩn nhiều chuyên khoa, kết luận đây là bệnh cảnh ngộ độc cấp dẫn đến tổn thương đa tạng, suy hô hấp cấp.
“Bước đầu chẩn đoán bệnh nhân ngộ độc cấp, song chất độc là gì chúng tôi chưa xác định được”, bác sĩ Hùng nói. Bệnh viện đang phối hợp với các cơ quan khác như phòng xét nghiệm của cơ sở pháp y, trung tâm xét nghiệm sinh học, để tìm tác nhân gây độc. Bệnh nhân được bác sĩ nhiều chuyên khoa phối hợp tiếp tục theo dõi sát, điều trị tích cực.
Trước đó, trong hai ngày 14 và 15/10 gia đình bệnh nhân lần lượt có 2 người là mẹ bệnh nhân (85 tuổi) cùng em trai bệnh nhân (45 tuổi) đã tử vong sau khi uống một loại sữa bột. Sau khi làm đám tang cho mẹ và em, đến ngày 15/10 bệnh nhân sử dụng hộp sữa mẹ và em đang uống dở. Chỉ trong vòng 1 giờ sau khi uống, bệnh nhân bị nôn ói, đau bụng, lơ mơ, suy hô hấp phải nhập viện cấp cứu.
Hiện chưa rõ loại sữa bột trên nguồn gốc từ đâu, thành phần như thế nào. Công an tỉnh Tiền Giang cho biết đã gửi mẫu sữa đến Phân viện Pháp y Trung ương tại TP HCM xét nghiệm, đồng thời giám định pháp y người tử vong để tìm nguyên nhân vụ việc, hiện chưa có kết luận.
Sở Y tế Tiền Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng của Sở phối hợp cơ quan quản lý sản phẩm này ở địa phương tiến hành truy xuất nguồn gốc sản phẩm sữa nghi ngờ, kiểm tra cơ sở sản xuất và dừng việc lưu thông sản phẩm, lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) sau đó cũng có văn bản chỉ đạo: “Xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm, đình chỉ cơ sở sản xuất sản phẩm sữa nghi ngờ ngộ độc (nếu phát hiện) và công khai kết quả điều tra trên các phương tiện thông tin đại chúng”.
Đồng thời, Sở Y tế Tiền Giang cần phối hợp cơ quan chức năng trong việc điều tra, xác định nguyên nhân và xử lý vụ việc. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen trong lựa chọn thực phẩm, không sử dụng sản phẩm không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ.