Các nhà khoa học nhận định, với số lượng khoảng bảy, tám cá thể trong đàn thì đây nhiều khả năng là đàn Voọc đen má trắng lớn nhất Việt Nam!
Những ngày đầu năm 2011, ông Ngô Xuân Hải - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên vui mừng thông báo với phóng viên: Vừa qua, tại khu rừng Thần Sa Phượng Hoàng, đoàn cán bộ của Chi cục Kiểm lâm kết hợp cùng đoàn cán bộ giảng viên Đại học Lâm Nghiệp đã phát hiện ra một đàn Voọc đen má trắng khoảng bảy, tám con. Các dấu tích còn cho thấy khả năng tồn tại của nhiều đàn Voọc đen má trắng nhỏ lẻ khác. Đây là loài động vật đã được đưa vào sách đỏ của cả thế giới và Việt Nam.
Gian nan phục Voọc
Nói đoạn ông Hải giới thiệu với phóng viên người có công đầu trong việc phát hiện ra đàn Voọc đen má trắng là anh Phạm Anh Tuấn - Phó phòng Bảo tồn thuộc Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên.
Kể lại quá trình gian nan lần theo dấu Voọc trong khu rừng Thần Sa Phượng Hoàng, anh Tuấn chia sẻ: “Voọc đen má trắng là loài linh trưởng chỉ có ở Việt Nam và Trung Quốc. Loài này đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng nên việc phát hiện ra một vài cá thể đã là quý chứ đừng nói đến chuyện phát hiện ra cả đàn. Hồi mới về nhận công tác ở Chi cục Kiểm lâm Thái Nguyên, tôi có nghe mọi người nói là bà con trong khu vực rừng Thần Sa Phượng Hoàng từng bắt được cả Voọc con rồi đem về giết ngâm rượu mà thấy xót xa.
Đoàn cán bộ điều tra, khảo sát |
Theo lời anh Tuấn, tháng 3/2010, công tác điều tra về đàn Voọc đen má trắng được chính thức bắt đầu theo đúng quy chuẩn của một đề tài khoa học. Các bước phát phiếu điều tra, khảo sát địa hình, môi trường sinh thái được tiến hành. Đến tháng 7/2010, đoàn điều tra bắt đầu những ngày rong ruổi khắp khu rừng Thần Sa Phượng Hoàng để lần tìm dấu vết Voọc đen má trắng.
“Việc đi rừng đã vất vả nhưng đi rừng để tìm dấu vết loài động vật này còn vất vả hơn vì chúng rất nhát người. Chỉ thoáng thấy tiếng động một cái là mất hút. Loài Voọc lại chỉ ở trên ngọn cây rất cao nên công tác ghi lại hình ảnh để chứng minh cũng không đơn giản. Máy móc lại hạn chế. Mãi dịp tháng 10/2010, sau vài tháng lăn lộn trong rừng thì trong một khoảng khắc phóng tầm mắt ra xa, tôi bất chợt phát hiện ba cá thể Voọc đen má trắng vắt vẻo trên cành cây cao.
May cho tôi lúc ấy có thủ sẵn máy ảnh trong người nên tôi đã chụp được bức hình “để đời” ghi lại khoảnh khắc đó. Sau lần đó, đoàn công tác xác định được phương hướng và không mấy khó khăn để chúng tôi phát hiện ra một đàn Voọc gồm bảy con để khẳng định rằng rừng Thần Sa còn Voọc đen má trắng”, anh Tuấn chia sẻ thêm.
“Voọc về nghĩa là rừng đã bình yên”
Còn nhớ, thời điểm cuối năm 2009, khi tiến hành thâm nhập rừng Thần Sa Phượng Hoàng để thực hiện loạt bài “Rừng xanh rên xiết” phản ánh thực trạng lâm tặc ồ ạt tấn công khu rừng này, phóng viên PLVN đã ghi nhận được tình trạng rừng bặt tiếng chim thú. Khi đó, thực trạng này được chính ông Cao Xuân Hợp - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai kiêm Trưởng ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa Phượng Hoàng thừa nhận.
“Việc phát hiện ra quần thể Voọc đen má trắng trên cho thấy bình yên đã dần trở lại với khu rừng Thần Sa Phượng Hoàng bởi loài Voọc vốn rất kén nơi cư trú”, ông Ngô Xuân Hải tâm đắc.
Cá thể Voọc đen má trắng vắt vẻo trên ngọn cây (ảnh chụp ở khoảng cách 500m) |
Thọ Phước