Bệnh nhân H.T.T.N (36 tuổi, Nghi Lộc) đã có 5 lần sinh thường, bé cuối vừa sinh cách đây gần 3 tháng. Sau sinh 10 ngày, chị N đến trạm Y tế xã đặt vòng tránh thai chứa đồng TCu308.
Sau đặt vòng, chị N có biểu hiện đau nhiều vùng bụng dưới, ăn uống kém, mệt mỏi và ra máu âm đạo nên đã đến bệnh viện kiểm tra.
Qua quá trình thăm khám và hội chẩn, các bác sĩ xác định dụng cụ tử cung của chị N. đã bị lạc chỗ vào trong ổ bụng, phía thành sau tử cung.
Nhận định đây là khu vực nguy hiểm do vị trí giải phẫu của nhiều cơ quan, các mạch máu lớn, đặc biệt là trực tràng.
Nhanh chóng, bệnh nhân được bác sĩ tư vấn và chỉ định nhập viện để phẫu thuật nội soi, khẩn trương lấy chiếc vòng tránh thai ra khỏi thành trực tràng.
Không ngoài dự đoán trước của các bác sĩ, vòng tránh thai của chị N lạc chỗ ra ngoài thành sau tử cung, thân vòng đâm thủng trực tràng, gây ổ áp xe tại chỗ.
Ca phẫu thuật diễn ra hết sức căng thẳng, bởi ngoài mục đích lấy vòng tránh thai, ekip còn nỗ lực hạn chế tối đa tổn thương đến trực tràng cho bệnh nhân.
Với sự phối hợp giữa ekip phẫu thuật của hai khoa, sau hơn 2 giờ ca mổ kết thúc thành công.
Sau mổ, bệnh nhân sức khỏe ổn định, dự kiến 1 tuần nữa chị N có thể xuất viện.
BS CKI Trần Văn Bảo, Khoa Kế hoạch hóa gia đình cho biết, đây không phải là trường hợp đầu tiên vòng tránh thai “đi lạc’ vào các bộ phận trong cơ thể.
Việc sử dụng biện pháp tránh thai bằng đặt dụng cụ tử cung khá quen thuộc với chị em. Đây là một thủ thuật tương đối đơn giản, nhưng khách hàng cũng cần phải được tư vấn rõ các biến chứng gặp phải khi sử dụng và nên lựa chọn cơ sở có uy tín để thực hiện.