Có nhiều ý kiến khác nhau về thị trường bất động sản (BĐS) cuối năm, nhất là khi Thông tư 13/2010/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1/10/2010.
Khi đó, đối với các khoản vay kinh doanh BĐS, hệ số rủi ro tăng từ 100% lên 250%, đồng thời tăng hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng lên 9%. Theo các chuyên gia, điều này đương nhiên sẽ có tác động đến dòng tiền đổ vào BĐS. Các ngân hàng sẽ phải thu hẹp lại các khoản vay này để tránh nguy cơ bong bóng BĐS xảy ra, đảm bảo an toàn vốn cho hệ thống ngân hàng. Nguồn cung tín dụng cũng bị thu hẹp do ngân hàng bị hạn chế tỷ lệ cho vay. Các ngân hàng sẽ buộc phải cân nhắc để hạn chế bớt các khoản cho vay BĐS và để vốn cho vay các lĩnh vực sản xuất.
Rõ ràng, trong dài hạn, tăng hệ số rủi ro đối với lĩnh vực BĐS, đầu tư chứng khoán và cho vay đối với các CTCK có thể sẽ giúp hệ thống ngân hàng đảm bảo được mức độ an toàn vốn, và ổn định vững chắc hơn trước những biến động xấu của nền kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, quy định trên có hiệu lực trong giai đoạn Nghị định 71 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật nhà ở chính thức đi vào đời sống. Nghị định mở ra các hình thức huy động vốn thông thoáng hơn cho chủ đầu tư kinh doanh BĐS lớn, có tiềm lực về tài chính, nhưng lại siết chặt hơn đối với các nhà đầu tư thứ cấp, cá nhân… Đối với những người này, nguồn vốn được trông mong nhiều nhất là từ ngân hàng.
Thế nên, nhiều chuyên gia cho rằng, dưới tác động đồng thời của Nghị định 71 và Thông tư 13, thị trường BĐS sẽ đóng băng vì gặp nhiều khó khăn khi lãi suất huy động từ ngân hàng luôn ở mức cao và tín dụng bị thu hẹp.
Tuy nhiên, về lâu dài, phải nhận thấy là cả hai chính sách trên đều tốt cho thị trường phát triển bền vững và ổn định hơn. Đó có thể là cái “lưới lọc”, là công cụ giúp thị trường minh bạch hơn, thực chất hơn. Bởi, với hai văn bản đó, mục tiêu mà cơ quan quản lý nhà nước nhắm tới là đưa thị trường vào khuôn khổ, bắt đầu từ hai yếu tố quan trọng tạo nên thị trường: chính sách và tài chính.
Bách Nguyễn