Tham dự Hội nghị có Trung tá Đinh Thế Anh, Phó Cục trưởng cùng Lãnh đạo các phòng chuyên môn trực thuộc Cục, Tổ biên soạn dự án Luật và đông đảo các phóng viên, nhà báo.
Thông tin tại Hội nghị, Lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông cho biết: việc xây dựng Luật là một trong những biện pháp nhằm triển khai thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 và Kết luận số 45-KL/TW ngày 1/2/2019, trong đó xác định: Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một nội dung của công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn, xã hội đồng thời cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ quyền sống, bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người.
Dự án Luật còn góp phần khắc phục bất cập của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và phù hợp với thực tiễn tình hình giao thông hiện nay có nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết (tai nạn giao thông ở mức cao; kiến thức, kỹ năng, ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế; tình trạng ùn tắc giao thông rất phức tạp…). Các chính sách của Luật phù hợp với thực tiễn, phù hợp với Công ước Viên của năm 1968 về giao thông đường bộ và kinh nghiệm của nhiều quốc gia.
Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng, mục tiêu cơ bản và lớn nhất của việc xây dựng Luật là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, bảo vệ quyền con người, bám sát chủ trương, quan điểm của Đảng, xác định bảo đảm trật tự an toàn giao thông là một nội dung của bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Thiết lập, duy trì văn hóa tham gia giao thông có nề nếp, kỷ cương, trật tự, an toàn đối với người và phương tiện tham gia giao thông, xây dựng ý thức tự giác chấp hành pháp luật, phòng ngừa, hạn chế tới mức thấp nhất các vụ tai nạn giao thông xảy ra.
Đại tá Bình nhận định: “Nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông hiện nay thường xuất phát từ 3 yếu tố là do người tham gia giao thông không chấp hành đúng quy định pháp luật, do yếu tố hạ tầng không đảm bảo hoặc do phương tiện điều khiển. Chúng ta phải xác định được nguyên nhân thì mới hạn chế được tình trạng “xe to đền xe bé”.
“Mặt khác, để giảm thiểu rủi ro khi tham gia giao thông, vấn đề an toàn của con người và trách nhiệm của cơ quan nhà nước về an toàn giao thông cần đặt lên hàng đầu. Chỉ khi nào có sự thay đổi mạnh mẽ về trách nhiệm, gắn trách nhiệm khi tham gia giao thông, đề cao trách nhiệm và trình độ giáo viên dạy lái xe thì mới thay đổi được văn hóa tham gia giao thông”, ông Bình nhấn mạnh.
Việc chuyển giao nhiệm vụ quản lý người điều khiển phương tiện từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các cơ quan báo chí. Liên quan tới vấn đề biên chế khi thực hiện chuyển giao giữa hai ngành, có ý kiến tỏ ra băn khoăn bởi ngành Giao thông hiện có 650 cán bộ, công chức chuyên trách làm công tác quản lý trong lĩnh vực này. Vì vậy, khi chuyển giao thì lực lượng này sẽ được sắp xếp, bố trí như thế nào trong khi Bộ Công an khẳng định không tăng biên chế.
Về vấn đề này, Lãnh đạo Cục cho biết Bộ Công an có lực lượng cán bộ làm công tác đăng ký và quản lý phương tiện theo 3 cấp (bộ, tỉnh, huyện) gồm gần 800 đầu mối nên chỉ thêm nhiệm vụ, không tăng biên chế, hoàn toàn đủ điều kiện tiếp nhận công việc chuyển giao từ 64 đầu mối của ngành Giao thông. Cán bộ chiến sỹ làm công tác quản lý đào tạo phải là những người có kinh nghiệm thực tế về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nhất là số làm nhiệm vụ sát hạch viên sẽ được đào tạo, tập huấn nghiệp vụ bảo đảm đạt tiêu chuẩn như một số quốc gia tiên tiến.
Sau khi chuyển giao, Bộ Công an sẽ quản lý chặt chẽ từ khâu đào tạo, sát hạch, quá trình tham gia giao thông của người lái xe theo hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối liên thông trong các lĩnh vực qua căn cước công dân, cơ sở dữ liệu dung chung về quản lý vi phạm pháp luật hành chính, hình sự….
Để tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” khi vừa đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép, vừa xử lý vi phạm như một số ý kiến tỏ ra lo ngại, Lãnh đạo Cục cho biết Bộ Công an sẽ đẩy mạnh xử phạt qua hình ảnh và tăng cường sự giám sát của nhân dân để đảm bảo các khâu đều rõ ràng, minh bạch.
Một trong những điểm đáng chú ý khác của dự án Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đó là khẳng định trách nhiệm của Bộ Công an trước Đảng, Nhà nước, người dân về vấn đề an toàn giao thông. Vì vậy, Lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông khẳng định lực lượng công an sẽ tiếp tục nâng cao năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ để làm tốt nhiệm vụ.
“Chúng tôi sẽ kiểm tra kiến thức từng cán bộ một, đồng chí nào vòng 2 quá to, không đáp ứng yêu cầu về sức khỏe sẽ không được ra đường thực hiện nhiệm vụ”, Phó Cục trưởng Đỗ Thanh Bình cho biết thêm.