Hải Phòng là thành phố công nghiệp nhưng lại có tới hơn 70% dân số sinh sống ở nông thôn. Xác định rõ nông nghiệp, nông thôn là khu vực có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thành phố, từ nhiều năm nay, ngành Tài chính Hải Phòng luôn làm tốt công tác tham mưu, đề xuất, bố trí ngân sách thực hiện Nghị quyết của Thành ủy, chuyên đề của HĐND và chủ trương của UBND thành phố về phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH- HĐH.
Khi ngành Tài chính mới thành lập, những năm 1945- 1946, nguồn thu chủ yếu của thành phố dựa vào thuế nông nghiệp. Đây tiếp tục là nguồn thu chính kéo dài cho tới khi thành phố được giải phóng, năm 1955, sau đó mới có thêm các nguồn thu khác từ công nghiệp, dịch vụ… Bởi vậy, khi nền tài chính bước đầu vững mạnh thì đầu tư trở lại cho nông nghiệp, nông thôn được ngành Tài chính Hải Phòng tham mưu thực hiện. Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết 11 ngày 28-10-2002 của Thành ủy về đẩy nhanh CNH- HĐH nông nghiệp, nông thôn Hải Phòng, tốc độ đầu tư của nguồn vốn ngân sách càng nhanh và nhiều hơn. Phó giám đốc Sở Tài chính Lê Thị Thu Hương cho biết, nguồn vốn ngân sách giữ vai trò quan trọng, không chỉ là nguồn vốn mồi mà còn trực tiếp tham gia xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông thôn. Vai trò của ngành được khẳng định khi tích cực tham mưu thành phố ban hành các chế độ, chính sách và bố trí kinh phí phục vụ sự nghiệp CNH- HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Cán bộ phòng hành chính văn xã (Sở Tài chính) xây dựng kế hoạch cấp phát ngân sách thành phố cho các đơn vị. Ảnh: Duy Lân |
Theo hướng đó, liên tục trong những năm qua, thành phố ưu tiên bố trí vốn đầu tư từ ngân sách để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển nông nghiệp theo hướng CNH- HĐH, nâng cao đời sống của người dân nông thôn… Thật khó có thể thống kê hết những chương trình đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhưng nhìn bộ mặt nông thôn Hải Phòng ngày nay, bất cứ ai cũng có thể nhận thấy sự đầu tư từ nguồn vốn ngân sách là không nhỏ. Ở nông thôn bây giờ, từ cánh đồng tới trang trại đa số đã thực hiện cơ giới hóa, hiện đại hóa. Những con đường trải nhựa tới tận thôn, xóm, những trường học khang trang, trạm xá rồi bưu điện, nhà văn hóa xã… thể hiện sự đổi mới từng ngày của nông thôn Hải Phòng. Đó là nhờ có chương trình đường, trường, trạm y tế, nhà văn hóa xã của thành phố, trong đó nguồn vốn ngân sách đầu tư đều đặn hằng năm, kể cả ngân sách thành phố và ngân sách huyện, xã và huy động thêm sự đóng góp của nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp… Hàng nghìn tỷ đồng vốn ngân sách được đầu tư thực hiện các chương trình như thủy lợi và kiên cố hóa kênh mương; ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp; phát triển cơ khí hóa, điện khí hóa, các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; chương trình dồn điền đổi thửa; chương trình xóa nhà tranh vách đất; nước sạch nông thôn, điện chiếu sáng nông thôn; điện nông thôn… Ngoài việc tổ chức thực hiện tốt các chính sách do Trung ương ban hành, Sở Tài chính phối hợp với các ban, ngành thành phố tham mưu UBND thành phố ban hành các chính sách thu hút cán bộ phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn như đưa bác sỹ về xã, giáo viên, khuyến nông, khuyến ngư về nông thôn; chính sách phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, ở thôn, khu dân cư; quy chế củng cố mạng lưới thú y xã… Ngành cũng giữ vai trò quan trọng trong việc ban hành quy chế quản lý tài chính đối với các công trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm; quy định về mức công trợ ngân sách đối với chương trình nạo vét kênh mương; các công trình xây dựng mới trường học; hỗ trợ lãi suất đầu tư cho y tế, giáo dục, hỗ trợ nông dân vay vốn ưu đãi mua máy cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp… Ngành còn tham mưu thành phố ban hành chỉ thị quản lý nợ đầu tư xây dựng cơ bản, từ đó giảm bớt các khoản nợ cũ, ngăn chặn các khoản nợ mới phát sinh, tăng cường hiệu quả đồng vốn ngân sách tại các công trình xây dựng, nhất là ở nông thôn.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, ngành Tài chính Hải Phòng tiếp tục tham mưu, đề xuất thành phố tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, đẩy nhanh tiến trình CNH- HĐH, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, nâng cao mức sống cho người dân ở khu vực nông thôn.
Thanh Hiệp