Nhiều doanh nghiệp đang đứng trước bài toán vốn cho làm ăn cuối năm với nhiều toan tính khác nhau.
![]() |
“Nhà cung cấp nguyên liệu năm nay không cho trả chậm như năm ngoái, nên không có tiền mặt, không thể sản xuất được, mà vay vốn thì phải chịu thêm khoản chi phí đầu vào gần 15% nữa, chịu không xiết”. Bà Nguyễn Thị Hiệp, chủ doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc Mỹ Ý Mỹ than thở như vậy. Không chỉ bà Hiệp, nhiều doanh nghiệp khác đang đứng trước bài toán vốn cho làm ăn cuối năm với nhiều toan tính khác nhau.
Cân nhắc
Theo bà Hiệp thì khi cung cấp hàng cho siêu thị, sau 45 – 60 ngày mới được thanh toán. Cộng thêm từ trước đến nay các công ty cung cấp vải và nguyên phụ liệu đều cho trả chậm sau 30 ngày, hoặc trả làm nhiều đợt, nhưng hiện nay lấy lý do giá nguyên liệu và đôla tăng mạnh, các công ty này chỉ giao hàng khi có tiền mặt trả đầy đủ. Chính vì vậy mà nhà sản xuất lâm vào tình trạng thiếu tiền mặt xoay trở.
Bà Hiệp nói: “Giá vải tăng gấp đôi, đàm phán với nhà phân phối chỉ tăng giá bán được tối đa 20%, doanh nghiệp chấp nhận giảm lãi để duy trì sản xuất kinh doanh, nhưng nay nếu phải vay vốn ngân hàng, thì không còn chi phí để trả lãi”.
Ông Nguyễn Đăng Hiến, tổng giám đốc công ty Bidrico cũng đang trong tình trạng phân vân giữa vay vốn để mua nguyên liệu giá ưu đãi hay không vay vốn mà chấp nhận giá đầu vào cao hơn. Ông kể: “Nếu mua nguyên liệu trả tiền mặt theo từng tháng, được tính giá ưu đãi giảm khoảng 1,2 – 1,5%, còn nếu trả chậm như trước đây thì mất khoản này”.
Ông Hiến đã tính chi phí ưu đãi nếu trả tiền mặt tương đương với lãi suất trả cho ngân hàng khi vay vốn, khoảng 12,5 – 14%/năm. Nhưng ông gặp khó ở chỗ: vay ngân hàng để trả tiền mặt thì tạo được uy tín với nhà cung cấp nguyên liệu, nhưng lỡ kinh doanh thu hồi vốn không kịp, bán không hết hàng mà đến hạn phải trả thì sẽ gặp nhiều phiền toái và khó vay vốn cho những đợt sau.
Bà Nguyễn, tổng giám đốc công ty may có trụ sở tại quận 5 như đang ngồi trên đống lửa khi phải mua nguyên liệu nhỏ giọt từng tuần cho kế hoạch sản xuất hàng cuối năm. Bà nói: “Trước đây mua nguyên liệu, nhà cung cấp cho gối đầu ba đến bốn lô, nay chỉ tối đa hai lô. Còn về phía ngân hàng, dù là khách quen, có hợp đồng xuất khẩu, chấp nhận lãi suất cao, nhưng không có tài sản thế chấp cũng không vay vốn được”.
Bà cho biết thêm: “Với áp lực giá đôla, lãi suất ngân hàng, chi phí đầu vào đều tăng, thì khi quyết định vay vốn sản xuất là đã có nơi mua hàng, còn sản xuất trước để đón nhu cầu thì rủi ro rất cao”.
Không mặn vay ngân hàng
Ông Trần Như Dưỡng, giám đốc công ty TNHH SXTM ván ép Phúc Thành cho biết rất cần vốn để mở rộng sản xuất vì số lượng ván cốppha mà các công ty xây dựng đặt hàng cuối năm nay cho đến đầu năm sau khá nhiều.
Tuy nhiên, ông Dưỡng không chọn phương án vay vốn ngân hàng mà đang mời gọi đối tác góp vốn hợp doanh. Theo ông, cách làm này có lợi cho cả hai, Phúc Thành giảm được chi phí do phải trả lãi vay ngân hàng, còn đối tác có vốn nhàn rỗi đưa vào sản xuất, kinh doanh với Phúc Thành sẽ sinh lợi nhiều hơn thay vì gửi ngân hàng.
Về phía ngân hàng đang dành những khoản vốn giá rẻ cuối năm cho doanh nghiệp. Như ngân hàng Quốc tế (VIB) dành 3.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi từ 12,5 – 13,5%/năm từ đầu tháng 11, dành cho các khoản vay vốn lưu động và chỉ áp dụng đối với những khoản vay mới.
HDBank cũng vừa đưa ra chương trình ưu đãi 2.000 tỉ đồng dành cho doanh nghiệp và khách hàng cá nhân, với lãi suất cho vay từ 12,5 – 13,5%/năm cho hai tháng cuối năm. Trước đó, từ 11.10, ngân hàng MHB đã áp dụng chính sách cho vay ưu đãi, với mức giảm lãi suất cho vay cao nhất là 20% so với mức hiện hành, dành cho một số nhóm đối tượng doanh nghiệp.
Ông Lý Xuân Hải, tổng giám đốc ACB nhận xét: “Năm nay doanh nghiệp vay không “sung” như năm ngoái, có lẽ do thị trường tiêu thụ còn chậm”.
Trong chồng hồ sơ vay vốn doanh nghiệp nằm trên bàn ông Hải, chủ yếu là tên tuổi của những doanh nghiệp quy mô lớn như điện lực, dầu khí…, chỉ có một hồ sơ của một doanh nghiệp nhỏ liên quan đến nhóm hàng ăn uống có nhu cầu tăng vốn lưu động. “Đây cũng là thước đo độ năng động trong việc bổ sung vốn lưu động của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các tháng cuối năm”, ông nói.
Các doanh nghiệp cũng không dám vay đồng USD mạnh như vài tháng trước nữa. Theo tổng cục Thống kê TP.HCM, tháng 10 tăng trưởng tín dụng trên địa bàn đạt 22,3%, tốc độ tăng 6,3% cao hơn so với tốc độ tăng 4% của tháng 9. Tuy nhiên, tốc độ tăng dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ đã giảm, tháng 10 chỉ tăng 37,7% so cùng kỳ (trong khi tháng 9 tăng 42%, tháng 8 tăng 40,5%).
Theo H. Sương – B. Thuỷ – C. Ngọc
SGTT