Những năm tháng cuối đời, Bác Hồ có một mong muốn cháy lòng là được một lần đi thăm miền Nam. Để rồi năm 1959, trong một lần về Quảng Bình, Bác muốn“Từ Nhật Lệ tôi muốn thả câu thơ vô Huế… Từ Nhật Lệ tôi muốn làm cánh buồm dong vào miền Nam… Huế đó, miền Nam đó chỉ một khoảng không gian thôi mà sao cách trở xa vời”.
|
Không thể vào Nam khi đất nước còn chia cắt, nỗi nhớ những ngày cùng gia đình sinh sống ở Huế và những kỷ niệm đau buồn đã làm Bác không thể nào chợp mắt... Những hồi ức đỏ màu tim ấy của Người lần lượt hiện ra trong tác phẩm “Hồ Chí Minh -Hồi ức màu đỏ” khiến người xem bật khóc. ĐNCT đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Quang Vinh, tác giả kịch bản này.
* ĐNCT: Tác phẩm “Hồ Chí Minh-Hồi ức màu đỏ” đã gây xúc động thật sự cho người xem khi nói về những kỷ niệm đau buồn của Bác Hồ. Anh đã chuẩn bị tác phẩm này bao lâu?
- Nhà văn Nguyễn Quang Vinh (NQV): Tôi đã ấp ủ kịch bản này trong 10 năm và đã viết xong trong 1 ngày đêm. Tôi viết bằng toàn bộ cảm xúc thật của mình về cuộc đời của Bác Hồ. Một cuộc đời đầy trắc ẩn, một số phận đặc biệt, một nhân cách lớn. Và vì thế, kịch bản này như là cách để tôi bày tỏ tấm lòng mình đối với vị lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh.
Sau nhiều trăn trở, tôi đã chọn thời điểm Bác Hồ vào thăm Quảng Bình năm 1959. Cảnh nhân dân Quảng Bình, người Vân Kiều nô nức đi đón Bác, xin được mang họ Bác Hồ. Xa Huế hơn 60 năm, giờ chỉ còn cách Huế trên 100km, nhưng Bác không thể đặt chân đến nơi gia đình mình từng sinh sống, nơi chứa đựng nhiều kỷ niệm đau buồn của Bác. Duyên cớ đó đã tạo cơ sở vô cùng quan trọng, làm nên một vở diễn hay, một tác phẩm sân khấu xuất sắc về cuộc đời của Bác Hồ, gây xúc động mãnh liệt cho người xem. Vở diễn đã giành được giải thưởng đặc biệt xuất sắc của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch khi giành điểm tuyệt đối của Hội đồng Giám khảo tại Hội diễn sân khấu Tuồng - Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc .
* ĐNCT: Hình ảnh vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất khó đưa vào tác phẩm kịch để phác họa đầy đủ chân dung của Người. Vậy điều gì khiến anh đặt bút viết tác phẩm này?
- Nhà văn NQV: Trong hàng thập kỷ qua, Sân khấu Việt Nam đã thành công với một số vở diễn về Hồ Chí Minh như Người công dân số 1, Đêm trắng, Những vần thơ thép…
Khao khát được sáng tác và dàn dựng một tác phẩm lớn về Hồ Chí Minh không chỉ đối với tôi - một nhà viết kịch mà còn đối với rất nhiều tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ khác. Xây dựng về một đoạn đời hoạt động của Bác đã khó, vở diễn Hồ Chí Minh – Hồi ức màu đỏ xây dựng trọn vẹn cả cuộc đời của Bác thì đúng là khó vô cùng. Nếu chỉ viết kịch bản về Bác, đặt Bác trên tư cách Lãnh tụ để miêu tả thiên tài thao lược, thiên tài đấu tranh giành độc lập, tấm gương và đạo đức của Người thì chắc chắn một tác phẩm sân khấu sẽ không ôm hết được.
Tôi chọn cách khác. Đó là, tôi đặt vào trái tim khán giả những khúc đoạn về toàn bộ trường đời của Bác hết sức cảm động như là cách tôi đang viết về cuộc đời của một người đàn ông mang tên Hồ Chí Minh. Con người đó gặp rất nhiều đau khổ và chịu đựng rất nhiều gian nan. Những đau khổ và sự chịu đựng ấy được miêu tả trong kịch bản đã làm rơi nước mắt khán giả. Chính vì miêu tả được phận đời rất đặc biệt của Bác, rất cảm động của Bác, rất đời thường của Bác nên đã xây đắp trong lòng khán giả một hình ảnh Hồ Chí Minh vĩ đại mà giản dị, cao cả mà gần gũi, khiến cho người xem càng yêu quý Bác hơn, tôn kính Bác hơn, gần gũi Bác hơn.
* ĐNCT: Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm gắn liền với những góc khuất cũng như nhiều kỷ niệm đau buồn trong cuộc đời Bác, anh có thấy điều đó là quá sức trong một vở kịch có thời lượng không dài?
Các giải thưởng về vở diễn: |
- Nhà văn NQV: Đúng thế. Chưa tác giả nào viết về những “góc khuất” này của Bác trong kịch bản của mình. Nhưng viết về góc khuất mà không bi lụy, viết về cuộc đời hết sức trắc ẩn của Bác mà hình ảnh Bác vẫn chói sáng, mà tư tưởng vở diễn vẫn lớn lao là không dễ. Từ tác giả kịch bản đến đạo diễn, thiết kế sân khấu, âm nhạc và diễn xuất của diễn viên đều đã gặp nhau ở một điểm: Đó là sự chân thực và giản dị. Vở diễn không có những lời thoại hay những cảnh dàn dựng thăng hoa, đại ngôn, đại cảnh về miêu tả theo kiểu hình tượng đối với Bác. Vở diễn chỉ là lời kể, hay chính xác hơn là bắt đầu từ một đêm mất ngủ của Bác để nhớ lại những hồi ức và vì thế câu chuyện của kịch trở nên hết sức dung dị, xúc động và gần gũi như là câu chuyện của cha kể với con, ông kể với cháu và đó chính là “ Hồi ức màu đỏ” của Hồ Chí Minh.
* ĐNCT: Cuối cùng, anh cảm nhận như thế nào về khán giả Đà Nẵng?
- Nhà văn NQV: Một đêm diễn đông nghẹt khán giả. Một đêm diễn đong đầy nước mắt của khán giả. Một đêm diễn nghe rất rõ nhiều tiếng khóc của khán giả. Điều đó có nghĩa là cảm nhận của khán giả Đà Nẵng thật tuyệt vời, thật đáng trân trọng.
Nhân đây, tôi cũng vui mừng thông báo rằng, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã mời Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế đưa vở diễn Hồ Chí Minh – Hồi ức màu đỏ ra Hà Nội để biểu diễn báo cáo với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, khán giả Thủ đô. Tại đêm diễn này, Bộ trưởng Bộ văn hóa-Thể thao và Du lịch sẽ trực tiếp trao giải thưởng đặc biệt xuất sắc của Bộ trưởng cho vở diễn.
Tiểu Yến (Thực hiện)