Võ sư Nguyễn Văn Tạo |
Trong một ngôi quán lụp xụp bán cơm cho khách đi đường ở ngay thánh địa Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, chúng tôi ngồi trò chuyện cùng vị võ sư "khét tiếng" một thời Nguyễn Văn Tạo.
Năm nay võ sư Nguyễn Văn Tạo đã tròn 60 tuổi, thoạt nhìn, người tinh mắt có thể nhận ra đây là một con người của võ thuật bởi cơ thể cường tráng, dáng di dứt khoát, nhanh nhẹn, đôi mắt có thần sắc vô cùng. Đặc biệt là giọng nói của ông trầm ấm, đôi lúc gằn lên từng tiếng, những âm thanh như muốn nuốt chửng đối thủ của mình.
Trầm ngâm một hồi lâu, võ sư Tạo bắt đầu câu chuyện về đời mình. Ông cho biết, lúc ông lên 9, 10 tuổi, ở vùng đất biên giới của tỉnh An Giang này nạn cướp bóc do những băng cướp từ Campuchia kéo qua nhiều vô kể. Chúng thẳng tay đàn áp, cướp bóc, giết chóc dân làng.
Mỗi lần nghe trống nhà chùa đánh liên hồi, báo tin có cướp đến là những người thân trong nhà lại bế bồng ông lên chùa Tam Bửu trốn cướp. Bà con trong vùng cũng vậy, họ “chân yếu tay mềm” không thể đối đầu với cướp chỉ biết nương tựa cửa Phật mong “tai qua nạn khỏi”.
Ông Tạo xuất thân trong một gia đình làm quan cho triều đình, ông lại là con cháu đích tôn trong nhà, ai ai cũng mong muốn ông nối nghiệp tổ tiên để duy trì danh tiếng của gia đình. Ông Tạo phóng đôi mắt sáng nhìn ra xa như nhớ về thời xa xưa cho biết: “Bổn phận mình là con cháu nhà võ, cộng với lúc đó giặc giã, thanh niên trai tráng ở đây ai cũng học vài miếng võ để phòng thân, bản thân tôi lúc đó lại có điều kiện quá tốt để luyện võ”.
Gần 50 năm luyện võ, ông Tạo không chỉ nhuần nhuyễn một loại võ công truyền thống của gia đình mà ông đã luyện thành thục đến 4 loại võ công: võ cổ truyền, Bình Định, Pencak Silat, Taekwondo, môn nào ông Tạo cũng rất điêu luyện.
Trong bốn môn võ ấy, võ cổ truyền ông được chân truyền từ bác ruột của mình, là võ của dân tộc nên ông được học đầu tiên và đến nay trong thánh địa Thất Sơn, ít ai qua được ông ở môn võ này.
Ông kể lại, sau khi học xong từ bác ruột, ông đi khắp đây đó gặp vị sư phụ nào có cái hay, cái mới đều xin theo học, ông học nhiều lắm, say mê tập luyện và trở thành cao thủ khét tiếng trong vùng. Ông bắt đầu nổi tiếng từ những trận thách đấu với những môn phái khác và ghi tên mình vào vùng đất võ khi còn là một thanh niên rất trẻ.
Những môn võ khác ông tập luyện sau khi đã thành thục võ cổ truyền bởi lòng say mê ham học hỏi. Những võ sư khác bình thường chỉ trung thành với một môn võ, nhưng đối với võ sư Tạo, một người có thiên chất luyện võ, khí chất hơn người, ông say mê tìm tòi và muốn đạt tới những cảnh giới khác nhau.
Ông tâm sự: “Mỗi môn võ đều có thế mạnh riêng của nó, nếu luyện tập thành thục có thể kết hợp để ra đòn thì đòn thế sẽ rất dũng mãnh. Tuy nhiên khi đi đấu võ nếu ban tổ chức đã quy định đấu môn võ nào thì chỉ đấu võ đó, không được pha lẫn, như thế là phạm luật”.
Ông còn cho biết thêm, võ cổ truyền của dân tộc vốn chỉ được truyền từ đời này sang đời khác, mỗi vị sư phụ lại có những biến hóa, sáng tạo nên môn võ này mang dấu ấn cá nhân của những người này rất nhiều. Còn những môn võ khác như Pencak Silat, Taekwondo đều có chuẩn mực, bài bản không thể thay đổi được.
Phong trào học võ của thanh niên trai tráng trong vùng lúc ấy đang lên cao, ông Tạo lúc này cũng đã là một vị cao thủ, sau nhiều trận chinh chiến, đấu đài ông đã nổi tiếng trong vùng. Sau những trải nghiệm đó, ông Tạo cho ra đời một môn võ mới mà ông gọi nôm na là “võ vườn”. Ông cười giải thích: “Mình ở quê, toàn ra vườn tập võ, gọi võ vườn cho dễ hiểu thôi mà”.
Năm 1992, võ sư Tạo lên núi Dài lớn, là một trong những ngọn núi trong dãy Thất Sơn để mở lò võ và lập nên môn phái Ngọa Long Sơn/Vi nhân môn võ đạo. Lúc này hàng trăm đệ tử biết tiếng tìm đến học võ.
Để miêu tả về số lượng môn sinh đến học đông như thế nào, ông Tạo kể lại một câu chuyện vui. Hồi đó, khi Nhà nước còn chưa cấm đốt pháo thì vào mỗi dịp tết những nhà giàu ở trong vùng lại mua pháo đốt cho vui xóm làng. Những nhà nghèo thì họa hoằn lắm mới dành dụm mua được vài dây pháo nhỏ đốt cho vui.
Ông Tạo là một người rất thích chơi pháo, ông nói với các đệ tử của mình: Tết đến không phải biếu quà cáp gì cho thầy, người nào có lòng thì mua pháo tới nhà thầy đốt cho vui.
Các đệ tử của thầy Tạo vốn đi học miễn phí vì ông Tạo không thu một đồng nào. Biết sư phụ thích chơi pháo nên ai nấy đều cố gắng làm vui lòng thầy. Thế là sáng mùng 1 Tết, hàng trăm học viên mang pháo đến khu vực nhà thầy Tạo để đốt.
Ông Tạo hào hứng nhớ lại, lúc đó phải đến vài chục dây pháo lớn nhỏ treo trước sân nhà, hai học trò hai tay cầm hai cây đuốc đứng xoay lưng vào nhau rồi bắt đầu châm lửa đốt cho hết dãy pháo, tiếng pháo nổ vang động khắp vùng, bà con kéo ra xem đông nghịt, có người hào hứng nhưng cũng có người sợ hãi hết hồn.
Chính quyền địa phương lúc đó cũng lắc đầu bó tay trước thầy trò ông Tạo. Đó là kỉ niệm đáng nhớ nhất của võ sư Tạo với các đồ đệ của mình.
Những năm sau đó, võ sư Tạo đi dạy võ khắp nơi trong tỉnh An Giang. Dù cuộc sống khó khăn nhưng niềm đam mê với võ học không làm người đàn ông đó lùi bước. Vừa đi làm công nhân ở nhà máy nước đá, ông Tạo vẫn tranh thủ những ngày nghỉ để đi dạy võ khắp nơi. Lúc đó, mỗi lần đi xin dạy võ phải được chính quyền địa phương nơi ông ở và nơi ông đến dạy đồng ý mới được phép dạy.
Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Tạo đem khoe những tờ giấy phép vàng úa, nhưng còn thẳng thớm vì được giữ gìn kỹ lưỡng, có đến hàng chục tờ giấy xin phép đi dạy võ khắp nơi trong tỉnh An Giang. Trò chuyện hồi lâu, như quen thân hơn, ông Tạo sôi nổi kể về những câu chuyện vui trong cuộc đời mình.
Bà Nguyễn Thị Thu Vân (sinh năm 1959), vợ của ông Tạo thỉnh thoảng cũng xen vào câu chuyện, hai vợ chồng cười nói sôi nổi quên mất thời gian. Bà Vân cười nói: “Lấy chồng thì phải theo chồng, tôi tự hào vì chồng mình là võ sư có tài đức hơn người”.
Đôi mắt bà ánh lên niềm vui của tuổi già. Ông Tạo cho biết thời gian trước, tuy mới cưới vợ những tình yêu với võ học của ông còn tràn trề lắm, ông thường xuyên vắng nhà để đi thi đấu, những lúc đó bà Vân lại khăn gói theo chồng để tiện bề chăm sóc.
Vì cuộc sống mưu sinh, và những đứa con lần lượt ra đời, ông Tạo đành phải gác bỏ niềm đam mê võ học lại để cùng vợ kiếm sống. Mười năm nay, ông Tạo đã không thi đấu, không dạy võ nữa. Ông tâm sự: “Mình không thể sống với niềm đam mê của mình được. Võ học không phải là thứ để mưu sinh. Hơn 10 năm nay tôi không thi đấu hay dạy võ nữa, chỉ dành ít thời gian ở nhà để tập luyện duy trì phong độ của mình thôi”.
Khi được chúng tôi ngỏ ý muốn xem một vài chiêu thức võ thuật, ông Tạo ngồi trầm ngâm rồi bỗng gầm lên một tiếng, tung quyền trước mặt chúng tôi trong khi vẫn ngồi yên trên ghế nhưng quyền của ông chỉ dừng lại ở trước mặt rồi ông thu về, nhanh đến mức chúng tôi không kịp thấy gì. Chúng tôi yêu cầu làm lại, ông liền tung cước lần hai, lần này dù đã chuẩn bị tinh thần để nhìn kĩ nhưng chúng tôi vẫn không thấy được quyền của ông, chỉ nghe tiếng gió rít và tiếng thở nhẹ nhàng của ông.
Về ước mơ của tuổi già, ông Tạo chậm rãi chia sẻ: “Tôi chỉ mong kinh tế gia đình vững vàng, tôi không phải lo nghĩ gì cả, lúc đó tôi sẽ có thời gian để trau dồi võ học nhiều hơn”. Hiện tại cuộc sống hàng ngày của ông là cùng vợ bán cơm từ sáng sớm cho đến 2 giờ chiều, vất vả nhưng vì cuộc sống, vợ chồng ông cũng phải ráng mưu sinh.
Qua ánh mắt của hai vợ chồng ông Tạo, chúng tôi nhận thấy trong đó là sự tất bật mưu sinh nhưng chan chứa yêu đời và tin tưởng về một tương lai tươi sáng hơn./.