Bao nhiêu cửa hàng ngừng hoạt động?
Nguồn tin của PLVN cho hay, có khoảng gần 180 cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc đang ngừng hoạt động, trong đó chỉ có 1 cửa hàng bị coi là trái phép (ngừng bán hàng mà không thông báo với Sở Công Thương địa phương). Ngoài ra, có 31 cửa hàng hết xăng dầu phải ngừng bán và khoảng 30 cửa hàng ngừng bán đã được các Sở Công Thương chấp nhận.
Số cửa hàng ngừng bán với nhiều lý do khác là 72, như: doanh nghiệp đăng ký ngừng kinh doanh; Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu hết hạn, chờ cấp lại; Cửa hàng có văn bản di dời của Sở Công Thương… hoặc đang làm thủ tục giải thể; chuyển đổi chủ đầu tư, sang bán; Có cửa hàng do có trường hợp nhân viên nhiễm COVID-19…
Ở Bình Phước có 3 doanh nghiệp tạm ngừng bán hàng do bị lỗ vốn; Cần Thơ có 2 cửa hàng ngừng hoạt động từ 1 đến 3 năm; Tây Ninh có 1 cửa hàng xin nghỉ 3 tháng vì không đáp ứng yêu cầu phòng cháy chữa cháy. Mới đây nhất, Cục QLTT Cần Thơ kiểm tra trong ngày 20/2, thì có 5 cửa hàng tại địa bàn thành phố Ngã Bảy tạm ngừng bán hàng do bị cúp điện. Các cửa hàng đã ký cam kết, sẽ bán hàng trở lại ngay sau khi đủ điều kiện.
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ ngày 28/1-20/2/2022, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra, giám sát, ký cam kết đối với hàng nghìn cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cả nước. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, trong ngày 20/2, các Đội QLTT trực thuộc Cục QLTT TP Hồ Chí Minh đã tiến hành giám sát trên 100 điểm kinh doanh, xăng dầu. Trong đó có những cửa hàng lượng xăng dầu trong bồn còn quá ít, gần cạn đáy bồn. Theo cửa hàng, mỗi bồn chỉ còn khoảng 100-200 lít nên không thể nào bơm lên được để bán cho khách.
Thường xuyên giám sát các cây xăng
Ở Long An, theo báo cáo, hoạt động kinh doanh xăng dầu bình thường, tuy nhiên có một số cửa hàng bán hạn chế để đảm bảo vẫn mở cửa vì nguồn xăng dầu có hiện tượng khan hiếm.
Trao đổi với PLVN, ông Phạm Đức Chính - Cục trưởng Cục QLTT Long An cho biết, thông qua dư luận và nguồn tin từ người dân, ngay khi nắm được thông tin về tình trạng xuất hiện cây xăng bán nhỏ giọt, lực lượng QLTT đã triển khai kiểm tra. Sáng ngày 21/2, Cục này cũng tham gia với đoàn kiểm tra liên ngành giám sát tình hình kinh doanh xăng dầu. Kết quả cho thấy, hiện tượng bán nhỏ giọt đã không còn xuất hiện. Hiện hệ thống xăng dầu Petrolimex ở Long An đã triển khai bán hàng trên tất cả các huyện, thành phố nên nguồn cung xăng dầu vẫn tương đối ổn.
Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, hiện trên địa bàn tỉnh có 7 thương nhân phân phối xăng dầu; 2 Tổng đại lý kinh doanh xăng dầu. Tình hình kinh doanh vẫn khá ổn định. Cụ thể, đối với hệ thống Petrolimex, các cửa hàng luôn đảm bảo giờ bán hàng theo quy định và đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho khách hàng; đối với hệ thống nhượng quyền thương mại, Petrolimex đã cung cấp vượt 142% tiến độ bình quân 3 tháng liền kề.
Đại diện Chi nhánh Công ty Cổ phần thương mại Dầu khí Cửu Long tại Sóc Trăng cho biết, hiện doanh nghiệp mua vào rất khó khăn với sản lượng hạn chế, giá đầu vào với mức hoa hồng là 0 đồng. Bên cạnh đó Công ty phải chịu chi phí vận chuyển hàng hóa từ đầu nguồn về kho trung chuyển để cung cấp cho đại lý.
Ông Nguyễn Hùng Em - Cục trưởng Cục QLTT Sóc Trăng nói với PLVN, qua khảo sát và ghi nhận ý kiến, cho thấy, hiện nay nhu cầu sử dụng nhiên liệu xăng dầu của người dân tăng cao nhưng các đơn vị đầu mối xăng dầu chỉ cung cấp xăng dầu theo định mức, hợp đồng đã ký, không cho mua vượt số lượng hợp đồng. Do đó, khi lượng hàng cung từ đầu mối gần hết, các cửa hàng xăng dầu đang bị động về lượng hàng hóa bán cho người dân.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Cục trưởng Cục QLTT TP Hồ Chí Minh, qua công tác kiểm tra, cơ bản việc cung ứng xăng dầu trên địa bàn thành phố khá tốt. Việc một số cây xăng treo biển hết hàng không phản ánh tình trạng thiếu xăng mà do các cây xăng này chưa kịp nhập hàng.
“Cục đã chỉ đạo các đội QLTT ở các quận, huyện trên địa bàn thường xuyên giám sát các cây xăng. Hàng ngày đều có báo cáo để xử lý kịp thời. Tình trạng thiếu hụt xăng ở một số cửa hàng cũng chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, sau đó sẽ được khắc phục”, ông Đạt nói.