Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Chị Nguyễn Thị Xuân (35 tuổi- Cầu Gỗ - Hoàn Kiếm- HN) chia sẻ gần đây hay gặp các cơn đau ở bụng dưới. Nghĩ bị đau ruột thừa, chị đã đến bệnh viện khám. Tuy nhiên bác sĩ không phát hiện ra bệnh ở ruột thừa và đã chuyển chị sang khoa phụ sản. Kết quả chị bị viêm ống dẫn trứng, trong đường ống chứa đầy mủ và tổn thương nặng.
Còn vợ chồng chị Hoàng Hà (28 tuổi – Hoàng Mai – Hà Nội) lấy nhau được 3 năm nhưng vẫn chưa có con, đi khám vô sinh bác sỹ cho biết chị Hà có tiền sử nạo phá thai, và bị viêm nhiễm nấm, do không điều trị dứt điểm dẫn đến bệnh nặng hơn và viêm ống dẫn trứng, khiến 2 vợ chồng dù đang tuổi sinh sản vẫn không thể đậu thai..
Theo các bác sỹ ở Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản Hà Nội, nếu bị nhẹ, viêm ống dẫn trứng thường không có triệu chứng đặc biệt. Chính vì thế nhiều người không hề biết mình bị viêm nhiễm cho đến khi bệnh nặng lên, ống dẫn trứng bị hỏng.
Nếu có, các dấu hiệu cũng rất khác nhau, thường đau bụng tăng vào giữa chu kỳ, ngày rụng trứng. Người bệnh ra khí hư âm đạo, có mủ, có mùi hôi, đôi khi có những đốm như xuất huyết. Khi ổ viêm có mủ, sưng to, sẽ có hiện tượng sốt, tiểu buốt, tiểu rắt, buồn nôn và nôn. Các triệu chứng này khác nhau tùy theo loại viêm. Tình trạng viêm nhiễm kéo dài sẽ dẫn đến vô sinh.
Nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn tấn công ống dẫn trứng. Một số vi khuẩn phổ biến nhất là lậu cầu khuẩn, xoắn, khuẩn giang mai, tụ cầu, liên cầu, e.coli. Một số mầm bệnh khác là Chlamydia, mycoplasma.
Các mầm bệnh này xâm nhập vào ống dẫn trứng thông qua nhiều con đường như quan hệ tình dục không an toàn, không sử dụng bao cao su, đặt vòng, sẩy thai, nạo hút thai không an toàn. Cũng có thể do viêm ruột thừa hay viêm màng bụng.
Phương thức điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Thông thường bạn được cho sử dụng thuốc kháng sinh kết hợp với thuốc kháng viêm corticoid bơm vào vòi trứng, có thể giải quyết được 8 - 10% số trường hợp. Đa phần cần phải phẫu thuật dưới kính hiển vi hoặc qua soi ổ bụng, soi buồng tử cung để gỡ dính, lấy nhân dưới niêm mạc tử cung, cắt vách ngăn tử cung... để mở thông, nối 2 đầu vòi trứng, tái tạo vòi trứng...
Nhưng các biện pháp này cũng chỉ mang tính tạm thời. Sau phẫu thuật vòi trứng vẫn tắc trở lại và khả năng có thai lại sau khi mở thông và tái tạo còn phụ thuộc vào mức độ tổn thương lớp niêm mạc bên trong vòi trứng.
Giải pháp cuối cùng là cắt vòi trứng và chuyển về thụ tinh ống nghiệm. Một khi các ống này đã bị cắt thì sẽ không cách gì nối lại được./.