Có lẽ hiếm có nhà thơ Việt Nam nào bày tỏ sự ghi nhận, tri ân người vợ của mình từ rất sớm, và nhiều lần như ông. Và có lẽ trong giới văn chương Việt từ xưa đến nay cũng mới chỉ duy nhất có ông in hẳn một tập thơ dành tặng vợ, đó là tập “Vợ ơi”.
“Vợ ơi” là một tập thơ nhỏ xinh do NXB Phụ nữ Việt Nam phát hành tháng 2/2020 gồm 20 bài thơ Nguyễn Duy viết cho vợ - bà Bùi Thị Hào - “từ hồi trót nói lời thương” năm 1971 cho đến hơn hai thập kỷ sau đó, với đủ mọi cung bậc cảm xúc của một hành trình dài yêu thương và gắn bó.
Đó là nỗi nhớ nhung người yêu của một chàng trai đang ở chiến hào:
“Đêm nay em anh ở đâu
cứ nhìn trăng ấy nhìn lâu thấy người…”
(Võng trăng, 1973)
Đó là cảm giác day dứt của một ông chồng “nghễnh ngãng làm nghề mộng du” quen mây gió trăng sao bỗng giật mình nhìn lại:
“Ta rất gần biển rộng với trời cao
để xa cách những gì thân thuộc nhất
nồi gạo hết lúc nào ta chả biết
thăm thẳm nỗi lo mắt vợ u sầu…”
(Bán vàng, 1980)
Đó là lời tự thú đầy trào lộng mà cũng thật xót xa:
“Khi trong túi có mấy đồng ngọ nguậy
ta chạy rông như gì nhỉ - quên đời
lúc xơ xác bờm xơm từng sợi tóc
đói lả mò về
cơm đâu
vợ ơi”
(Vợ ơi, 1990)
Có thể nói “Vợ ơi” vừa mang tính riêng tư - tâm tình của nhà thơ viết riêng cho người vợ của mình – vừa mang tính phổ quát - tâm sự của những đức ông chồng ham vui, ưa những chuyện đại sự to tát, bỏ quên gánh nặng cơm áo, gia đình, con cái trên vai những người vợ nhẫn nại bao dung.
Vợ ơi xuất bản lần đầu năm 1995 tại NXB Phụ nữ, được giới văn chương nhận định “thương rát lòng, đau thắt ruột, cười ra nước mắt...”. 25 năm sau, nó được tái bản trong một diện mạo mới với những hình minh họa thật đẹp từ bộ Lịch thơ Nguyễn Duy. “Vợ ơi” đồng thời là một món quà tặng ấm áp mà những cặp đôi đã hay sẽ bước vào hôn nhân đều có thể yêu mến, đồng cảm và tìm thấy mình trong đó!