Vỡ òa cảm xúc đón bình minh ở cực Đông

Vỡ òa cảm xúc đón bình minh ở cực Đông
(PLO) -12km băng rừng, leo đồi cát hẳn là một thử thách không đơn giản. Thậm chí đã có những người kiệt sức tử nạn, cũng không ít người đi lạc phải phát tín hiệu cầu cứu. Vậy nhưng, cảm giác được đón những ánh bình minh đầu tiên chiếu sáng trên dải đất S của chúng ta khiến mọi người dễ dàng quên hết mỏi mệt.
 

 

“Thất thủ” trước cái nắng miền trung

Mũi Đôi, nằm ở vịnh Vân Phong thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Theo như người dân địa phương, địa điểm này được một nhóm người Pháp đo tọa độ và xác định là cực Đông của nước ta từ gần chục năm trước. 

Dù trên lý thuyết, vị trí địa lý của mũi Đôi chính xác là điểm đất liền xa nhất về hướng Đông của nước ta. Nhưng tại Phú Yên, mũi Điện (mũi Đại Lãnh) cũng có cột mốc với dòng chữ “nơi đón bình minh đầu tiên”. Tuy nhiên từ khi được phát hiện, mũi Đôi luôn là điểm đến khiến dân phượt mê mẩn, mong muốn vượt qua.

Mũi Đôi cách TP.Nha Trang (Khánh Hòa) khoảng 100 cây số, và chỉ cách TP Tuy Hòa (Phú Yên) khoảng 60 cây số. Để đến được mũi Đôi, bạn có hai đường để tiếp cận là đường bộ và đường biển. Tuy nhiên, trong bài viết này, phóng viên Câu chuyện pháp luật sẽ kể lại cho bạn đọc nghe hành trình đi bộ 12 km để chinh phục  mũi Đôi.

Từ chân đèo Cổ Mã từ hướng nam ra, bạn rẽ phải và đi tiếp 18 cây số để đến được Đầm Môn. Nơi đây có cột mốc 0km, là nơi mà dân phượt không thể quên chụp ảnh khi đến. Trước khi đến được Đầm Môn bạn nên liên hệ trước với người dẫn đường để được đón và dẫn dường ngay từ đây. 

Người dẫn đường uy tín được cộng đồng phượt tin tưởng và truyền tai nhau là chú Võ Văn Châu (Hai Châu, SN 1958). Chú Hai Châu đã thôi làm nghề dẫn đường vì sức khỏe kém nhưng chú vẫn nhận khách và phân công cho người nhà mình đi dẫn đường.

Nếu đến Đầm Môn mà không liên hệ trước, nhiều người dân địa phương sẽ mạo nhận người nhà của chú Hai Châu sẽ ra chào mời bạn. Làm việc với chú Hai Châu, bạn sẽ được vợ chú chuẩn bị cơm trưa và các vật dụng thiết yếu để lên đường đến cực Đông.

Từ Đầm Môn, để đến được nhà chú Hai Châu, bạn sẽ băng qua hơn 3 cây số đầu tiên dưới cái nắng gay gắt và những dốc cát cao dựng đứng, khách nhìn thấy cảnh tượng này đều nhất trí gọi đây là sa mạc. Đoạn đường này chỉ có một vài người dân địa phương là có thể chạy xe máy được.

Những chiếc xe máy này  cũng chỉ đi được một người, và nhiều dốc cát cao người lái cũng phải nhảy xuống để đẩy xe qua. 3 cây số dưới sức nóng mặt trời phía trên, hơi cát nóng của cát phả lên bên dưới. Bạn cần chuẩn bị đủ nước để vượt qua thử thách này. 

Khi gần đến nhà chú Hai, bạn chỉ cần vượt qua một con dốc ngắn, phải níu dây mới xuống được. Đến nơi, vợ chồng chú hai sẽ chào đón bạn bằng nụ cười thân thiện và ly nước chanh mát lạnh, xua đi cơn khát như thiêu đốt cổ họng. Bạn sẽ dùng cơm trưa, và ngủ một giấc để lấy lại sức trước khi chuẩn bị bước vào hành trình chinh phục đoạn đường còn lại.

Thông thường, người dẫn đường luôn đề nghị khách đến sớm để tránh cái nắng gay gắt và cát nóng bỏng chân. Khi khởi hành chặng thứ hai, thường sau 3 giờ chiều cũng để tránh cái nắng nóng bỏng của miền Trung.

Những kinh nghiệm nhớ đời

Khoảng 2h30 chiều, nhóm PV đề nghị người dẫn đường đưa đi sớm vì sợ không quen vất vả, hành trình có thể bị chậm lại. Người đàn ông ngoài 40 tuổi, vui vẻ khoác ba lô mang một ít vật dụng như lều, mì gói, nước uống cho khách, chúng tôi bắt đầu lên đường. 

Khởi hành, chúng tôi đi trên những con đường lồi lõm, cát và đá, mới khởi hành nên còn sung sức, ai cũng cố rảo bước thật nhanh. Được 30 phút đồng hồ, người dẫn đường chỉ dãy núi trước mặt và thông báo đó là thử thách mà chúng tôi phải vượt qua. Đó là dãy núi không cao lắm vào có nhiều cây xay, báo hiệu không khí râm mát khác hẳn với nắng và cát bên ngoài.

Tiến vào chân núi và cũng là cửa rừng, khách như lạc vào một thế giới khác. Giữa muôn ngàn cây dại mọc chằn chịt, giữa đất và đá xen kẻ. Những tảng đá lớn như ngôi nhà mọc cheo leo, tưởng chừng như sắp sập xuống. Lối đi giữa rừng chỉ nhỏ đủ cho một người đi, khách đồng loạt hớp ngụm nước, lấy sức chuẩn bị vượt núi.

Tuy không còn bị hành hạ bởi nắng nóng, nhưng những con dốc dựng đứng, kéo dài cả cây số khiến khách chùn chân. Người đàn ông dẫn đường vẫn đều đặn bước tưng bước nhẹ nhàng với chiếc ba lô gần 20 ký trên lưng. Lên đầu con dốc, cả nhóm nhất loạt dừng nghỉ chân, người tu nước ừng ực, người dùng nón quạt liên tục, chiếc áo nào cũng đẫm mồ hôi.

Nhóm PV, ai cũng tái mặt khi nghe người dẫn đường thông báo chúng tôi còn phải leo 3 con dốc cao hơn và xa hơn thế nữa. Sợ sẽ tới đích khi trời đã tối, chúng tôi không dám nghỉ lâu mà đồng lòng lên đường sau ít phút.

Người dẫn đường của chúng tôi vừa đi vừa dọn dẹp cây rừng, rác xung quanh và liên tục nhắc nhở: “Các bạn đi chậm, bước đều, đừng cố bước nhanh, bước xa sẽ rất nhanh mệt. Mấy năm trước, đã có người có tiền sử bệnh tim vì không chịu nổi mà bỏ mạng. Lúc nào mệt thì nói, cả nhóm sẽ nghỉ. Chúng ta phải đảm bảo sức khỏe, đường còn rất xa”.

Về cuối đoạn đường, những ánh mắt háo hức, sự xông xáo ban đầu trên từng khuôn mặt của nhóm PV đã không còn. Thay vào đó là sự mệt mỏi, những bước đi rệu rã, loạng choạng bám víu vào cây rừng. Đi hơn 2 tiếng đồng hồ với vô số lần nghỉ ngắn, cả nhóm chúng tôi mừng rỡ khi nghe tiếng sóng biển vỗ rì rào, không khi mát hơn hẳn.

Người dẫn đường gật đầu xác nhận chúng tôi đã ra gần tới biển. Xuống con dốc cuối, chúng tôi băng qua những đoạn ghềnh đá để tiến vào một bãi đất trống, phía trước là biển xanh bất tận. Người dẫn đường dọn dẹp xung quanh và thông báo chúng tôi sẽ hạ trại ngủ tại đây.

Những thân xác rã rời, nóng hổi mồ hôi nhìn bãi biển trong xanh thèm ao ước nhảy ùm xuống tắm. Nhưng người dẫn đường nhanh chóng cản lại và cho biết, tắm xong nước biển mà không có nước ngọt thì sẽ còn khó chịu hơn.

Trong khi đó, nước ngọt chúng tôi mang theo chỉ đủ uống, nấu mì gói, rửa mặt. Bóng đêm nhanh chóng ập xuống, ánh sáng của hàng  chục chiếc thuyền câu mực hắt lên bãi đất khiến chúng tôi cũng yên tâm phần nào. Sau khi ăn xong bữa tối với mì gói, cả nhóm vào lều ngủ, chuẩn bị cho ngày mai khởi hành sớm. 

Bốn giờ sáng, người dẫn đường đánh thức cả nhóm dậy chuẩn bị ra Mũi Đôi. Người dẫn đường cho biết phải lên mũi Đôi trước 5 giờ sáng để chắc rằng khách sẽ đón những ánh bình minh đầu tiên. Dù còn mệt, nhưng đã gần đến đích, ai cũng háo hức bừng tỉnh sẵn sàng lên đường. 

Trời vẫn còn tối, ánh sáng chiếc đèn pin chỉ đủ để cho người đi nhận ra con đường. Chúng tôi khoác ba lô lên và tiến vào rừng. Đi được vài chục mét, trước mắt chúng tôi là một màu đen thẫm, những ghềnh đá lồi lõm ẩn hiện sau ánh đèn của thuyền câu mực. Người dẫn đường không cần soi đèn, nhảy phóc qua mấy ghềnh đá cheo leo rồi quay lại chờ chúng tôi đi theo. Hít một hơi sâu, chúng tôi động viên nhau tiến lên.

Nhưng ghềnh đá lúc lên cao, lúc nằm sâu bên dưới, lúc nhảy lên, lúc chui dưới các kẽ đã khiến khách toát mồ hôi. Người dẫn đường phải hết sức vất vả khi hỗ trợ một số thành viên trong nhóm băng qua một số đoạn đường khó. 

Anh cười nói: “Có nhiều anh con trai to khỏe, nhưng khi nhảy qua được một ghềnh đá nguy hiểm thì mặt mày tái mét, chân run lập cập. Tôi phải để ngồi nghỉ tầm 10 phút mới có thể lên đường được. Còn đối với những người dẫn đường như tôi, những ghềnh đá này đã thuộc như lòng bàn tay. Nhắm mắt cũng có thể đi được. Chúng tôi dựa vào cảm giác là chính”.

Chinh phục thử thách cuối cùng

Khoảng 45 phút nhảy ghềnh đá, chúng tôi cũng đến được mũi Đôi. Người dẫn đường chỉ lên một mỏm đá cao tầm 6,7 mét và cho biết phải leo lên mỏm đá này, ở trên đó mới thực sự là đích đến cuối cùng. 

Mỏm đá cao, to như một ngôi nhà có một sơi dây thừng thả xuống để khách có thể đu bám mà leo lên. Mỏm đá này, một mặt còn dính với đất liền, ba mặt còn lại mênh mông là nước biển. Đây thực sự là thử thách đối với những bạn nữ, người dẫn đường cho biết, nhiều bạn gái đã đến tới đây nhưng không leo lên được đành tiếc nuối nhìn mũi Đôi từ bên dưới.

Sau khi nghỉ ngơi một chút, người dẫn đường bắt đầu bám dây leo lên mỏm đá trước. Nhìn anh leo thoăn thoát, ai nấy cũng vững tin mình làm được. Người dãn đường thả xuống một sợi dây khác có thòng lọng cho khách choàng vào dưới cánh tay, để hỗ trợ cho khách leo lên.

Từng người một quàng dây vào người, hai tay nắm chặt một sợi dây khách rồi từ từ leo lên. Có đoạn không biết đặt chân vào đâu để làm điểm tựa, khách chỉ biết chới với kêu trời, người dẫn đường bình tĩnh hướng dẫn, anh vừa động viên vừa kéo chúng tôi lên. Lên được trên mũi Đôi lúc trời còn tối, gió biển lồng lộng nhưng cơ thể ai cũng nóng hừng hừng.

Trong bóng tối, chiếc chop bằng inox in rõ tọa độ của mũi Đôi khiến ai nấy không dấu được vui mừng khi đã chinh phục thành công cực Đông của đất nước. Hơn 5 giờ sáng, từ phía đông một dải mây màu hồng dần hiện rõ ra, mặt trời bắt đầu ló dạng. Các thành viên trong nhóm chuẩn bị máy ảnh, điện thoại để ghi lại khoảnh khắc đó. 

Người dẫn đường cho biết, thông thường khoảng 5h20 là mặt trời bắt đầu ló lên. Khoảnh khắc mặt trời ngoi lên cho đến lúc rực rỡ chỉ có vài phút nên cần phải  tranh thủ. Ngoài ra, cũng còn tùy thuộc vào thời tiết mây nhiều hay ít mà mặt trời đẹp hoặc không. Rất nhiều người lên đây nhưng không bắt gặp được khoảnh khắc mà mặt trời huy hoàng nhất.

Hôm đó, không phải là ngày may mắn của nhóm PV Câu chuyện pháp luật. Đã 5h30, dải mây màu hồng chỉ có hồng thêm mà mặt trời vẫn không ló dạng. Người dẫn đường giải thích, đám mây đó khá dày nên đã che khuất mặt trời. Anh động viên chúng tôi trở về sớm, nếu chờ mây tan thì lúc đó mặt trời đã lên cao rồi, không còn là một khối cầu đỏ rực như chúng tôi mong đợi. Tiếc nuối ngắm vệt sáng màu hồng thêm ít phút nữa, chúng tôi rầu rĩ dọn dẹp đồ đạc để leo xuống, trở về. Nhiều thành viên quả quyết sẽ quay lại đây, để chờ ngắm mặt trời một cách trọn vẹn.

Dù cuộc hành trình không trọn vẹn, nhưng tất cả thành viên đều không vì thế mà cảm thấy buồn phiền. Điều quan trọng nhất, nhóm PV đã vượt qua bản thân để chinh phục thử thách. Quãng đường trở về được người  dẫn đường thông báo là sẽ vất vả hơn vì những con dốc lúc trở về sẽ khắc nghiệt hơn. Mất hơn 3 tiếng đồng hồ nữa, chúng tôi mới trở về tới nhà chú Hai Châu lúc 9 giờ sáng. 

Một cảm giác sung sướng tự hào khó diễn tả bằng lời. Chúng tôi ùa xuống biển tắm mát, dù buổi sáng chưa ai ăn gì nhưng tất cả đều không thấy đói. Khi tắm biển xong, lúc đó cơn đói mới thực sự ập tới. Như hiểu được “tình trạng chung” của khách, vợ chú Hai đã chuẩn bị sẵn mâm cơm nóng hổi. Chúng tôi ăn như chưa bao giờ được ăn, vợ chồng chú Hai ngồi theo dõi rồi cười thông cảm.

“Phi vụ 5 thằng khùng”

Một câu chuyện có thật mà chú Hai Châu luôn kể cho khách của mình nghe khi muốn chinh phục cực Đông. Đó là câu chuyện về 5 chàng sinh viên ở TP HCM thích phiêu lưu, mạo hiểm dẫn đến suýt chết trên những ghềnh đá đến cực Đông.

Cuối năm 2012, 5 chàng sinh viên của các trường đại học danh tiếng ở TP HCM tập họp thành một nhóm với mục tiêu chinh phục mũi Đôi. Ngày đầu tiên của hành trình, 5 chàng trai đồ đạc gọn gàng vượt qua những ngọn đồi sa mạc để đến mũi Đôi. 

Đi hết những đồi cát nóng bỏng chân, cả nhóm quyết định không đi đường rừng mà đi đường ghềnh đá. Đến chiều, lúc chuẩn bị dừng chân thì cả bọn gặp biển chỉ đường có ghi tên chú Hai Châu cùng số điện thoại. Cả bọn theo dấu tìm gặp chú Hai và nghỉ qua đêm ở đây. 

“Tôi nghe ý định của mấy anh này thì đã can ngay. Đi đường ghềnh đá rất khó, nắng lên thì cát hay đá gì cũng nóng như nhau và mình rất dễ mất sức. Đoạn đường lại xa hơn rất nhiều, nói chung là cực hơn rất nhiều. Nhưng mấy thanh niên này tuyên bố đã đi phải đi cho xứng. Thế là mấy đứa nó đi, tôi kêu luôn là 5 thằng khùng muốn đi thì đi đi”, ông Hai Châu kể lại.

6 giờ sáng ngày hôm sau, 5 chàng trai mang theo lương thực và 25 lít nước lên đường đến mũi Đôi. Băng qua những ghềnh đá cao đến 10 mét, lúc chui xuống hang sâu dưới thời tiết khác nghiệt, ngày nắng nổ đầu, tối đến mưa gió đùng đùng. Đã chuẩn bị sẵn tâm lý, cả nhóm đã vượt qua được. Nhưng đến ngày thứ 3, khi lượng nước mang theo đã cạn kiệt, hành lý mang theo bị nước cuốn trôi sau một nỗ lực leo qua vách đá cao. Cả bọn lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nam. Đi tiếp hay quay lại cũng khó bảo toàn tính mạng. 

“Chiều đó, tôi nhận được tin nhắn của ai đó vào điện thoại kêu cứu vì đang đi lạc. Tôi nghĩ đến 5 thằng khùng đó ngay. Từ 2h chiều đến 6h tối hôm đó, tôi từ nhà đi ra đi vô mũi Đôi 6 vòng, bằng tất cả các đường tôi biết mà không thấy đứa nào. Có chặng tôi lấy cây gõ thùng phi bùm bùm rồi hú hét đủ kiểu nhưng không gặp. Điện thoại thì lúc có sóng lúc không. Lòng tôi như lửu đốt, nghĩ đến an nguy của 5 thằng khùng. Lúc đó tôi cũng mệt rã rời rồi, nhìn mớ nước ngọt tôi mang theo tiếp ứng cho tụi nó mà tôi tuyệt vọng”, chú Hai Châu kể lại.

Bất ngờ, khi từ bìa rừng nhìn sang ghềnh đá, trong bóng tối nhá nhem chú Hai nhìn thấy ánh đèn điện thoại vẫy vẫy. Cố gắng nhìn kỹ, chú Hai vui mừng phát hiện ra “mấy thằng khùng” đang  vẫy tay kêu cứu. “Lúc đó, tôi xé rừng để tới với mấy đứa nó. Lúc tôi tới thì áo quần đứa nào cũng rách bươm hết. Hai thằng thì nằm trợn mắt rồi, hai thằng thì thay nhau chấm tay vào một lỗ đá có ít nước lợ lợ để uống. Nhìn đứa nào cũng thảm lắm. Tôi đưa nước cho mấy đứa uống từ từ rồi tìm củi nhóm lửa cho mấy đứa ngủ”, chú Hai nhớ lại.

Tối hôm đó, chú Hai quả quyết sáng hôm sau sẽ đưa cả bọn về. Nhưng 5 chàng trai này nhất quyết phải đi đến mũi Đôi bằng mọi giá. “Năm thằng nó quỳ mọp xin tôi dẫn đường đến mũi Đôi. Lúc đó tôi thực sự đuối sức lắm rồi, nhưng tụi nó năn nỉ quá. Có đứa nói có chết trên mũi Đôi nó cũng chịu. Thôi thì tôi chiều theo ý chúng”. 5 chàng sinh viên được chú Hai “toại nguyện”, hạnh phúc đứng trên mũi Đôi, cực Đông của đất nước.

Dù trong cuộc đời gắn liền với nhiều chuyến đi đến mũi Đôi nhưng lần giải cứu “5 thằng khùng” này là kỷ niệm nhớ đời của người đàn ông này. Chú Hai cho biết, câu chuyện này ông kể ra không phải để hù dọa ai nhưng mọi người phải biết nếu đi rừng, đi biển mà không có người dẫn đường sẽ nguy hiểm như thế nào. 

Giờ đây, sau khi đã nghỉ hưu vì sức khỏe, ông vẫn còn nguyên niềm đam mê với những chuyến đi. Hầu hết dân phượt đều tin tưởng nhờ người dẫn đường này. Những dịp lễ tết, căn nhà nhỏ của chú lại đón hàng trăm lượt khách đến chinh phục mũi Đôi.

Khi những nhóm phượt đi, họ cũng không quên để lại những bức ảnh, những dòng chữ lưu niệm trong căn nhà của ông. Đối với ông cuộc đời sống được chia sẻ niềm vui, sở thích với nhau là một cuộc đời hạnh phúc và có ý nghĩa mà không gì sánh được.

Tin cùng chuyên mục

“Đám cưới chuột” đậm chất lễ hội dân gian qua ngôn ngữ xiếc (Ảnh: BTC)

Xiếc 'Đám cưới chuột' sắp 'trình làng'

(PLVN) - Chương trình xiếc tạp kỹ “Đám cưới chuột” được dàn dựng thông qua ngôn ngữ hành động của xiếc với các thể loại: nhào lộn, tung hứng, thăng bằng, ảo thuật… để kể lại một câu chuyện vừa hài hước, hóm hỉnh, vừa mang ý nghĩa giáo dục một cách hấp dẫn, đậm chất lễ hội dân gian.

Đọc thêm

Thị trường nhạc Việt trỗi dậy mạnh mẽ

Thị trường âm nhạc Việt Nam có tiềm năng rất lớn để thu hút thế hệ trẻ. (Ảnh: Mai Trang)
(PLVN) - Vừa qua, tại sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội, show diễn “Anh trai say hi” đã thu hút hàng chục nghìn người tham dự, theo số liệu theo Ban Tổ chức công bố. Đây là một hiện tượng đặc biệt, khi phần lớn người đến tham dự đều trong độ tuổi rất trẻ. Trong hai đêm diễn nhận được sự quan tâm lớn của nhiều người hâm mộ. Hàng nghìn khán giả xếp hàng trước cổng sân vận động từ tờ mờ sáng nhằm giành một vị trí đẹp. Vé xem chương trình liên tục cháy hàng trên mọi mức giá từ vé phổ thông đến vé hạng nhất.

Hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá để bảo vệ giới trẻ

Cảnh hút thuốc trong phim "Tháng năm rực rỡ", phim được dán nhãn cấm khán giả dưới 16 tuổi.
(PLVN) - Các diễn viên, ca sỹ sử dụng việc hút thuốc lá như một cách thể hiện tính cách nhân vật hoặc thể hiện tâm trạng trong quá trình biểu diễn. Chuyên gia cho rằng điều này ảnh hưởng rất lớn đến hành vi, lối sống của giới trẻ, do đó Thông tư 14/2024 được ban hành là kịp thời, góp phần thiết thực bảo vệ thể chất và tinh thần thế hệ tương lai của đất nước.

Hiện thực hóa giấc mơ nhạc kịch “made in Việt Nam”

Vở nhạc kịch Tấm Cám. (Ảnh: Khắc Duy)
(PLVN) - Sau nhiều năm vắng bóng tại Việt Nam, hàng loạt chương trình nhạc kịch đặc sắc mang đậm văn hóa Việt được đầu tư công phu với những tâm huyết của các nghệ sĩ nhằm thu hút khán giả yêu nghệ thuật và thực hiện hóa giấc mơ nhạc kịch Việt Nam vươn ra thế giới.

“Anh trai say hi” “Anh trai vượt ngàn chông gai” cùng dắt tay vào vòng bầu chọn Giải Mai Vàng 2024

“Anh trai say hi” đang là ứng cử viên của Giải Mai Vàng 2024 hạng mục Chương trình trên nề tảng số - truyền hình
(PLVN) -  Hội đồng Nghệ thuật Giải Mai Vàng đã chính thức công bố kết quả đề cử Giải Mai Vàng lần thứ 30. Sau hơn hai tháng tiếp nhận đề cử từ bạn đọc, từ 15/9 đến hết ngày 25/11/2024, cuộc họp của Hội đồng Nghệ thuật đã hoàn tất việc lựa chọn những ứng viên xuất sắc trong 14 hạng mục của Giải Mai Vàng năm nay.

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G
(PLVN) -  Toàn bộ phần sân khấu “đóng băng” 8WONDER Winter đã hoàn thiện những khâu setup cuối cùng để sẵn sàng chào đón ban nhạc hàng đầu thế giới Imagine Dragons và dàn Vpop Việt đình đám trước hàng chục ngàn khán giả Sài Thành. Ban nhạc hàng đầu thế giới dự kiến sẽ đến TP.HCM chiều hôm nay để sẵn sàng cho siêu nhạc hội tại đại đô thị Vinhomes Grand Park.

Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Tượng Bà Chúa Xứ được đặt ở chánh điện.
(PLVN) - Ngày 4/12/2024, tại thủ đô Asunción, Paraguay, trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 19 Uỷ ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Có gì ở 'Lật mặt 8' của Lý Hải?

Có gì ở 'Lật mặt 8' của Lý Hải?
(PLVN) - Chiều 4/12, tại TP HCM, Lý Hải công bố dự án và dàn diễn viên đóng “Lật mặt 8: Vòng tay nắng”. Trong đó, TikToker nổi tiếng Lê Tuấn Khang được quan tâm khi đảm nhận một vai trong phim.

'Thối não' là từ nổi bật nhất năm 2024

"Brain rot" (tạm dịch: thối não) được Từ điển Oxford công bố là từ của năm 2024. Ảnh: Oxford University Press.
(PLVN) - "Brain rot" (tạm dịch: thối não) được Từ điển Oxford công bố là từ của năm 2024. Từ dùng để bày tỏ lo ngại về việc tiêu thụ quá nhiều nội dung trên mạng xã hội có thể làm sa sút trí tuệ, tinh thần.