Vợ chồng nghèo “ăn gan hùm” rước cả trăm người tâm thần về nuôi

Gần 100 người tâm thần được vợ chồng chị Hạc cưu mang.
Gần 100 người tâm thần được vợ chồng chị Hạc cưu mang.
(PLO) - Tính cả những người đã khỏi bệnh thì con số đã lên đến hàng trăm, còn chính xác bao nhiêu gia chủ cũng không nhớ nổi.

Phải nói thế này, nhà có 1 người bị bệnh đã là cả một vấn đề về chăm sóc, nuôi dưỡng, kèm cặp lẫn nỗi lo sợ mỗi khi người bệnh lên cơn. Vậy mà suốt 15 năm qua, ngôi nhà nhỏ của vợ chồng chị Huỳnh Thị Hạc (41 tuổi), anh Hà Tư Phước (48 tuổi, ngụ thôn Ia Rok, xã Chư Hdrong, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai) lại là nơi cư trú của gần 100 người bị bệnh tâm thần bị gia đình bỏ rơi, lang thang cơ nhỡ thì đúng là 1 điều khó tin lẫn khâm phục. 

Nhiều người sẽ nghĩ cặp vợ chồng này chắc cũng “có vấn đề về thần kinh”, hoặc ít ra cũng mắc bệnh “liều”. Thế nhưng, tôi nghĩ, phải có tình người với người mới có thể làm được như vậy. Câu nói “Gia đình, xã hội đã quay lưng với họ. Mình không nuôi thì ai nuôi?” của anh Phước mà chúng tôi kể với bạn đọc trong câu chuyện hôm nay là 1 chân lý rất giản dị nhưng dường như những vòng xoáy của danh lợi lại đang làm chúng ta lãng quên…

Cưu mang cả trăm người tâm thần

Ngôi nhà của gia đình chị Hạc khuất sau rẫy cà phê, qua con đường đất đỏ gồ ghề sỏi đá. Thấy có khách, hàng trăm đôi mắt ngơ ngác, vô hồn ngước ra nhìn khách lạ. Hôm chúng tôi đến, chị Hạc đang loay hoay trở mấy sào rơm phía bên hông nhà. Chị bảo, anh Phước đi làm đến chiều tối mới về. 

Gia đình chị Hạc có 5 người, trong đó mẹ chồng bị mất một chân không đi lại được, thêm hai con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học. Vậy nhưng 15 năm nay, vợ chồng chị đã cưu mang thêm hàng trăm người mắc chứng bệnh tâm thần, bị chất độc da cam... Trong khi thu nhập của cả gia đình chỉ trông chờ vào 5 sào cà phê và số tiền ít ỏi anh Phước kiếm được từ việc đi chở  hàng thuê.

Phút nghỉ tay, chị Hạc kể về cơ duyên đưa anh chị đến với những người tâm thần tại nhà mình. Năm 2003, kinh tế gia đình chị rất khó khăn, anh chị vừa chăm lo con nhỏ, vừa lo thuốc thang cho người mẹ già tật nguyền. Hằng ngày, anh Phước đi lái xe thuê kiếm từng đồng, còn chị lên rẫy làm cà phê, ai thuê gì là làm nấy, chỉ mong sao có đủ tiền để lo cho gia đình. 

Trong một lần chạy xe thuê, anh Phước tình cờ gặp một thanh niên đi lang thang ngoài đường, một bên chân bị trói, anh sợ xe đụng vào nên liền dừng xe xuống hỏi. Nhưng rồi, đáp lại lời hỏi thăm của anh chỉ là những cái lắc đầu ngơ ngác. Thấy thương, anh Phước cho người thanh niên lạ lên xe, đưa về nhà chăm sóc. 

“Hôm đó, thấy anh Phước dìu từ trên xe xuống một người lạ, ăn mặc rách rưới, tóc tai bù xù, miệng liên tục lảm nhảm những câu chuyện vô nghĩa, rồi cả nụ cười ngây ngây… anh nói sẽ nuôi thanh niên này, tôi cứ ngỡ anh đang nói đùa. Nhưng sau câu nói của anh: “Gia đình, xã hội đã quay lưng với họ. Mình không nuôi thì ai nuôi?” thì tôi hiểu đó là câu nói thật lòng. Lúc đầu tôi cũng ậm ự từ chối vì gia đình quá nghèo nhưng rồi thấy anh quyết tâm nên tôi cũng đồng ý”, chị Hạc kể.

Chị Hạc vui vẻ trò chuyện với người tâm thần.
Chị Hạc vui vẻ trò chuyện với người tâm thần. 

Qua một thời gian chăm sóc, chị Hạc nhận ra người điên không hung dữ như chị tưởng. Chị vừa thương chồng vừa thương cả anh bạn điên ngây ngô khờ dại. Rồi cũng từ đó, anh Phước càng dẫn nhiều người điên về nhà. Tiếng lành đồn xa, những người mắc bệnh tâm thần ở khắp nơi như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phú Thọ… cũng tự tìm đến hoặc được người nhà đưa tới gửi nhờ anh chị chăm sóc giúp.

Càng ngày số lượng người tâm thần đến với ngôi nhà anh chị ngày càng tăng. Đến nay đã có gần 100 người được vợ chồng anh chị cưu mang. Sợ ảnh hưởng làng xóm xung quanh nên anh chị quyết định rời nhà vào trong rẫy để sống tách biệt. Vừa nhằm mục đích tạo không gian thoải mái cho các bệnh nhân điều trị bệnh, vừa đỡ làm phiền hàng xóm, lại tránh được những tai nạn không đáng có cho bệnh nhân và mọi người.

Điều kiện kinh tế khó khăn nên vợ chồng chị Hạc vẫn phải chạy vạy kiếm tiền để trang trải cuộc sống. Cứ hễ ở đâu có người kêu chạy xe thuê là ngay lập tức anh Phước có mặt. Những chuyến xe không còn đơn thuần mang ý nghĩa công việc, mà nó còn là cả mồ hôi, công sức, tấm chân tình anh Phước gửi đến gần 100 người bạn đặc biệt của mình. Có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo, các thành viên trong nhà dường như thấu hiểu sự vất vả của vợ chồng chị nên sống vui vẻ, ít đi lang thang, không còn gây gổ đánh nhau. 

Tình thương xoa dịu bệnh tật

Những mảnh đời bất hạnh trước khi đến với “ngôi nhà cổ tích” của vợ chồng chị Hạc đều đã trải qua biết bao sóng gió, bao chuyện buồn trước đó. Trong số gần 100 người bạn, có những người vẫn nhớ, vẫn biết tên tuổi, quê quán, gốc gác quá khứ của mình, nhưng cũng có những người không biết hoặc đã cố quên đi cái quá khứ đau buồn ấy. Thậm chí, có những người đã gây ra án mạng khiến bản thân điên loạn, để đến giờ họ vẫn luôn mang trong mình những mặc cảm về tội lỗi mình đã gây ra.

Trường hợp của anh Nguyễn Quang Vinh (31 tuổi, quê ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) là một ví dụ điển hình. Năm lên 19 tuổi, anh Vinh mắc bệnh, có lần lên cơn bỏ nhà đi lang thang dài ngày, nhiều lần quậy phá khiến gia đình hoảng sợ rồi được đưa đến bệnh viện tâm thần. Đến năm 2009, anh được gia đình đón về nhưng bệnh lại tái phát. Năm 2011, nghe tin vợ chồng anh Phước ở tỉnh Gia Lai nhận nuôi người tâm thần, gia đình đưa anh đến. Sau 7 năm ở đây, bệnh anh Vinh đã thuyên giảm nhiều và có thể tự tắm rửa, làm một số việc vặt.  

Còn anh A Sak (33 tuổi, quê ở huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum), sau thời gian phát điên vì một cuộc tình đau khổ, giờ đây anh đã vui vẻ, hoạt bát trở lại, là người hát hay, đàn giỏi nhất ở đây. 

“Trước đây, mình và nó có yêu nhau, mình đã tính đến chuyện về nhà hỏi cha mẹ đem heo, đem gà qua nhà nó bắt vợ. Nhưng rồi đột nhiên nó bỏ mình đi theo người khác, sau đó mình chẳng còn nhớ được gì ngoài chuyện nó bỏ mình. Mình hận lắm đem dao đi chém gia đình nó, cũng may họ chỉ bị thương thôi, nhưng đến giờ mình vẫn còn hối hận, mình không muốn về nơi đó nữa, chỉ ở đây thôi”, anh A Sak tâm sự.

Dù không học qua một trường lớp nào, thuốc men, ăn uống cũng đơn giản nhưng không hiểu sao, các bệnh nhân tâm thần nặng hay nhẹ sau một thời gian ở đây đều có dấu hiệu thuyên giảm. Những người được vợ chồng chị Hạc nhận về nuôi đã dần ổn định hơn về mặt tinh thần, có những người đã biết giúp đỡ chị Hạc lo toan các việc nhỏ nhặt trong nhà. 

Khi được hỏi về phương pháp điều trị giúp các bệnh nhân hồi phục nhanh, chị Hạc chia sẻ: “Cũng chẳng có phương pháp gì, vợ chồng tôi xem tất cả bệnh nhân ở đây như những thành viên trong gia đình. Các bệnh nhân với nhau xem như là anh em. Đối với bệnh tâm thần thì vấn đề tâm lý là điều rất quan trọng, chỉ có xây dựng cuộc sống vui vẻ, hòa đồng như một gia đình lớn mới nhanh bình phục được”.

Để cho những người bệnh ít có thời gian nghĩ vu vơ về chuyện quá khứ ảnh hưởng đến việc điều trị của họ, vợ chồng chị Hạc phân công cho họ những công việc nhẹ nhàng. Sau mỗi bữa ăn, mọi người tự động cất gọn gàng chén bát của mình vào thau nước, sẽ có những người được phân công rửa chén, lo sắp xếp gọn gàng mọi thứ. 

Lúc rảnh rỗi, vợ chồng chị Hạc thường tập trung mọi người lại chơi đàn, ca hát để quên đi mệt mỏi, đau đớn. Bình thường, những người không bị lên cơn vẫn được tự do đi lại quanh khu vực nhà. Trước lúc ngủ, chị mở băng đĩa kinh Phật cho người bệnh nghe và đọc theo để tâm hồn họ có phần thanh tịnh, nhẹ nhàng hơn.

“Người thương thì gọi vợ chồng tôi là Phước phúc, người không ưa thì gọi là Phước điên. Dù gọi thế nào vợ chồng tôi cũng quen rồi. Chúng tôi làm vì cái tâm, người khen hay chê đối với chúng tôi không quan trọng. Nhiều người xa lánh những người tâm thần, nhưng với vợ chồng tôi thì ngược lại, chúng tôi cảm thấy yêu thương và coi họ như người thân của mình”, chị Hạc chia sẻ.

Nói rồi, chị bảo: “Người ta giàu sang rồi cũng sẽ trở về với cát bụi, nghèo khó rồi cũng như thế, chẳng khác gì, vậy thì lúc sống mình làm được gì cho đời, cho người khác thì hãy cứ làm đi, đừng lo nghĩ”.

Việc chăm sóc hết gần 100 con người bị bệnh tâm thần quả là một điều phi thường, mà nếu không bằng tấm lòng yêu thương thật sự thì không ai đủ sức làm nổi. Chắc chắn số người về với “ngôi nhà cổ tích” của vợ chồng chị Hạc sẽ không dừng lại ở đó. Tất cả họ đều coi anh chị như bố mẹ thứ 2 - những người đã sinh ra họ thêm lần nữa.

Tin cùng chuyên mục

Bộ Y tế phối hợp các đối tác thông tin về Tuần lễ Nâng cao Nhận thức về Kháng thuốc (AMR).

Hành động ngay để đối phó mối đe dọa do tăng tỷ lệ kháng kháng sinh

(PLVN) - Sáng nay, 22/11, Bộ Y tế với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế phối hợp tổ chức Tuần lễ Nâng cao Nhận thức về Kháng thuốc (AMR) (từ 18-24/11/2024) với chủ đề “Giáo dục, vận động, hành động ngay”, nhằm mục đích đẩy nhanh các nỗ lực nâng cao nhận thức và hành động đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng của kháng thuốc.

Đọc thêm

Lửa nhiệt huyết chưa bao giờ nguội ở chuyên gia chẩn đoán hình ảnh với hơn 40 năm cống hiến

 PGS.TS.BSCC Nguyễn Quốc Dũng luôn hết mình vì chuyên môn và vì sức khỏe người dân. (Ảnh trong bài: NVCC)
(PLVN) - Hơn 4 thập kỷ cống hiến trong ngành Y, trải qua nhiều vai trò khác nhau, vị chuyên gia ấy vẫn luôn cháy lửa nghề. Đến nay, khi tuổi đã ngoài 60, ông luôn nỗ lực làm mới bản thân trước guồng quay công nghệ nhằm áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất vào công tác khám, chữa bệnh phục vụ người dân.

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác phòng bệnh sởi

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp, đã từng xảy ra những đợt dịch lớn; hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
(PLVN) - Trong những tháng gần đây, bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, không để bệnh sởi lây lan, bùng phát trên diện rộng, ngày 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành công điện yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi.

Điều chỉnh giá khám, chữa bệnh theo mức lương cơ sở

Ảnh minh hoạ: Ngọc Nga
(PLVN) - Đến nay Bộ Y tế đã phê duyệt giá khám chữa bệnh 15 bệnh viện theo mức lương cơ sở. Bộ này đánh giá, khi điều chỉnh giá khám bệnh, chữa bệnh theo yếu tố tiền lương từ mức lương cơ sở 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng, phần đồng chi trả (ở mức 20% và 5%) tăng thêm không nhiều.

Kiểm soát chặt chẽ chất lượng bữa ăn học đường

Cần sự phối hợp từ phía nhà trường, gia đình và cả xã hội trong việc đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh. (Ảnh minh họa: SKĐS)
(PLVN) -  Thời gian qua, vấn đề chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh đã trở thành mối lo ngại ở nhiều trường học tại các thành phố lớn, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. Điều này khiến phụ huynh vô cùng bất an và để lại hệ lụy không nhỏ cho sức khỏe của học sinh.

Tăng thuế thuốc lá để giảm thiệt hại 108.000 tỷ đồng mỗi năm

Bà Phan Thị Hải- Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá phát biểu tại hội thảo (Ảnh: BTC)

(PLVN) - Theo ThS Phan Thị Hải - Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam, mỗi năm thuốc lá gây tổn thất khoảng 108.000 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh. Việc tăng thuế sẽ làm giảm đáng kể việc tiếp cận thuốc lá, cũng làm giảm tỷ lệ tử vong và tổn thất sức khỏe...

Mắc uốn ván từ khoang miệng

Bệnh nhân mắc uốn ván từ khoang miệng. Ảnh: Thanh Thanh
(PLVN) - 10 ngày trước khi phát bệnh, bệnh nhân L.V.S (nam, 40 tuổi ở Hải Dương) bắt đầu có triệu chứng đau họng nhưng không sốt. Sau 6 ngày dùng thuốc bệnh nhân bắt đầu khó há miệng, khó nói và ăn uống kém. Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán ông S. mắc uốn ván.