Cửa tam quan hoành tráng nhiều tầng, đèn đá kiểu Nhật trang hoàng khắp sân, đèn lồng giăng cả dãy trong hành lang khu thờ tự hai tầng theo kiến trúc Tây - Ta lẫn lộn hay chiếu rồng bằng đá nguyên khối, sư tử đá “đa phong cách”... là những hình ảnh xuất hiện nhan nhản tại các chùa Hà Nội. Dù được cảnh báo đã lâu, nhưng đến nay “dịch bệnh” hoành tráng và lai căng vẫn đang lây lan mạnh trong các công trình tôn giáo đất Thủ đô.
Mặt tiền chùa Vạn Niên. |
Đã là bệnh thì có nhiều mức độ nặng, nhẹ với nhiều chỗ “phát bệnh” khác nhau. “Bệnh” từ cổng đến vườn, từ nhà thờ tự đến tường rào bao quanh.
Những ai đi qua đường Âu Cơ hẳn sẽ không thể không ngước mắt lên nhìn chùa Tứ Liên lừng lững với cổng tam quan 3 tầng cao ngất ngưởng. Công trình đồ sộ này được xây chủ yếu bằng đá nguyên khối và gỗ với nhiều chi tiết rồng phượng cầu kỳ. Nhưng đáng chú ý nhất vẫn là cánh cổng vừa to, vừa dày với các thiết kế núm, giả hàng đinh cùng tay nắm cửa hình đầu thú rất thu hút thị giác.
Có điều là, như nhà nghiên cứu Lê Cường (nguyên Trưởng ban Nghiên cứu di tích cổ, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) từng nói, cổng chùa Việt không bao giờ có những cái núm như vậy, tay nắm cửa cũng không bao giờ có hình hổ như thế!
“Đồng bệnh” với ngôi chùa trên là chùa Thiên Phúc trên con phố Hai Bà Trưng đông người qua lại. Chắc sợ mọi người mải đi mà không chú ý đến mình, nên tam quan đã được nhà chùa xây cao, to, lừng lững gần bằng tòa nhà 3 tầng. Không gian chùa vốn nhỏ, giờ lại bị cái tam quan khổng lồ này làm cho chật hẹp hơn.
Ngược trở lại đường ven Hồ Tây, nơi có chùa Vạn Niên, ngôi chùa hiếm hoi chịu ảnh hưởng của Phật giáo Tây Tạng. Không rõ kiến trúc chùa xưa như thế nào, nhưng sau nhiều lần trùng tu, nay đã có một dãy tường gỗ bao quanh mặt sau chùa được trang trí bởi loạt tủ kính để tượng phật, thánh, pháp bảo các loại trông rất khó hiểu.
Gần đó, chùa Võng Thị (Tây Hồ) tuy nằm trong ngõ nhỏ nhưng bù lại là không gian thoáng đãng rộng rãi bên trong. Có lẽ vì vậy nên chùa còn đặt thêm một chiếu rồng bằng đá nguyên khối trải theo bậc thang vào gian thờ chính. Phía trên chiếu rồng đặt một bàn thờ bằng đá, phía dưới là chiếc lư hương (cũng bằng đá) khổng lồ với hai chiếc đèn đá to không kém đứng hai bên.
Theo cuốn “Diễn biến kiến trúc truyền thống Việt Nam vùng Châu thổ Sông Hồng” xuất bản năm 2008 do GS.Trần Lâm Biền làm chủ biên, ở những giai đoạn nhất định của lịch sử vẫn bắt gặp những ngôi chùa vươn theo chiều cao, nhưng về cơ bản kiến trúc cổ Việt Nam vốn tuân theo chu trình khép kín của vòng quay mùa vụ trong nông nghiệp nên thường không có hướng vươn cao mà dàn trải theo mặt bằng, mềm mại hòa đồng vào thiên nhiên.
Ấy thế mà về phía nam Hà Nội, chùa Tứ Kỳ (Hoàng Mai) nổi bật với kiến trúc hai tầng và khá... “hợp thời”. Ở điện chính, để tiện lợi cho khách thập phương, nhà chùa đã xây hẳn một cầu thang lớn dẫn tới khu thờ tự trên tầng 2. Từ đây nối sang các khu khác là cầu dẫn trên cao với phong cách thế kỷ XXI. Khu tiếp khách ở tầng 1 để hàng loạt ghế xi măng giả gỗ, từ đó có thể nhìn ra ngoài vườn được chiếu sáng bởi những cột đèn như trong công viên.
Sư tử đá án ngữ trước cửa chùa Trung Kính Thượng. |
“Bệnh” nhẹ hơn là các chùa trưng tượng sư tử Trung Hoa ở cổng như Trung Kính Thượng, chùa Vân Hồ. Không được hoành tráng như các nét kiến trúc “hậu trùng tu” ở những chùa nêu trên nhưng kiểu tượng sư tử uy phong đặt chân lên quả cầu đã thành công trong việc... tạo cảm giác khoa trương nơi cửa Phật! Vấn đề nằm ở chỗ, những con sư tử dạng này rất được các nhà buôn bên Trung Quốc chuộng để đặt trước cửa nhà mình.
“Làm chùa tô tượng đúc chuông, ba công đức ấy thập phương nên làm”, câu khẩu hiệu lớn ấy được một ngôi chùa lớn trên đường Âu Cơ (quận Tây Hồ, Hà Nội) đặt ở vị trí đẹp nhất, dễ dập vào mắt nhất để ai vào chùa cũng nhận ra thông điệp này. Chình ình hai bên khẩu hiệu là hai tượng sư tử cao tầm 2m đục bằng đá trắng oai vệ đặt chân lên một tảng đá tạc mấy chú sư tử bé hơn. Với phong cách hiện đại, tượng mang dáng vẻ uy phong chẳng khác nào chú sư tử trong phim bom tấn “Narnia” của Hollywood (!).
Đó là chưa tính đến “mô đen” làm vườn kiểu Nhật và lối đặt đèn đá phỏng theo mẫu đèn bốn góc lồng cong nhọn hay có mái ngói âm dương của người Trung Quốc. Chùa nào ít tiền thì đặt dăm ba cái, chùa nào “giàu” thì đặt đèn khắp sân.
(Còn tiếp)
Bạch Viên