Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế chiều nay, 16.2 cho biết Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh dịch Mỹ vừa phát hiện bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam đã mắc một chủng cúm mới được xác định là do tái tổ hợp từ chủng cúm A (H1N1) đại dịch năm 2009 và cúm A (H3N2) có nguồn gốc từ lợn, vi-rút mới có tên khoa học là S-OtrH3N2.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương thì người dân không nên quá lo lắng bởi đây chỉ là ca bệnh đơn lẻ, thể nhẹ như cúm mùa thông thường.
Các triệu chứng của cúm lợn có thể khác nhau giữa trẻ nhỏ và người già yếu... |
Ông Hiển cũng chỉ ra các biểu hiện của người mắc virus cúm lợn như sau: Cúm lợn (hay chủng cúm H1N1) có thể gây ra các triệu chứng tương tự cúm mùa, bao gồm sốt đột ngột (>37,8oC), ho và đau họng. Một số người có thể chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, mệt mỏi, đau người, đau đầu, đau khớp và cơ. Cũng có thể bị tiêu chảy và nôn, đây là những triệu chứng hiếm gặp trong cúm mùa thông thường. Các triệu chứng của cúm lợn có thể khác nhau giữa trẻ nhỏ và người già yếu.
Cụ thể như trẻ nhỏ có khi chỉ thấy mệt và khó chịu, thở gấp hoặc mạch nhanh, có thể rất buồn ngủ hoặc kích thích. Người già thấy rất đau người, khát và bối rối. Ngoài ra, phần lớn người bị cúm lợn không quá mệt vì bệnh, các triệu chứng bắt đầu cải thiện trong 2-5 ngày, cho dù phải mất vài tuần mới hoàn toàn trở lại bình thường.
Còn người mắc cúm mùa cũng sốt đột ngột, đau người, đau đầu và mệt mỏi, ho hoặc đau họng. Đau người có thể là triệu chứng rất nổi bật, đặc biệt người già có thể chỉ thấy rất đau lưng. Nôn và tiêu chảy ít gặp trong cúm mùa. Cúm mùa ít lây hơn cúm lợn, nhưng khiến người bệnh cảm thấy rất mệt.
Về thông tin người dân hoang mang khi ăn thịt lợn sẽ mắc virus cúm lợn ông Hiển khẳng định: bệnh không hề liên quan đến việc ăn thịt lợn bởi virus cúm lợn không lây qua thực phẩm, không lây qua đường ăn uống mà chỉ thông qua đường hô hấp (từ người sang người).
Tuy nhiên, ông Hiển khuyến cáo: người dân không được chủ quan mà ăn uống, sinh hoạt không hợp vệ sinh. Không được ăn thịt, tiết canh lợn, gia cầm bệnh. Kết hợp là các biện pháp phòng chống cúm “kinh điển” như hạn chế tiếp xúc nơi đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý, thường xuyên đeo khẩu trang khi tới nơi đông người và tiếp xúc với người bệnh, không sử dụng chung khăn mặt và các vật dụng sử dụng trong ăn uống, tránh đến chỗ đông người khi có dịch cúm, nên có khăn tay hoặc khăn giấy che miệng khi ho hoặc hắt hơi…
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có công điện gửi các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc chủ động phòng chống dịch cúm mới xâm nhập và lây lan tại Việt Nam.
Quế Hà