Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh phát triển du lịch, hình ảnh, sản phẩm du lịch Vĩnh Phúc đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Năm 2019, khách du lịch đến Vĩnh Phúc ước đạt 6,1 triệu lượt người, tăng 17% so với năm 2018, trong đó, khách quốc tế 43,5 nghìn lượt. Doanh thu du lịch ước đạt trên 1.900 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2018.
Toàn cảnh buổi tọa đàm phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng Vĩnh Phúc năm 2019 |
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế như: du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, gắn vui chơi giải trí và du lịch dịch vụ hội thảo, kết hợp tham quan, học tập kinh nghiệm, du lịch thể thao, golf. Tuy nhiên, du lịch Vĩnh Phúc còn gặp nhiều khó khăn, sản phẩm du lịch chưa phong phú, chưa thật sự hấp dẫn du khách, khai thác chưa hiệu quả các tài nguyên du lịch từ làng nghề, ẩm thực. Nguồn nhân lực dịch vụ du lịch còn thiếu và yếu; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch hiệu quả chưa cao; lượng khách du lịch quốc tế còn khiêm tốn; chưa tạo được thương hiệu, bản sắc riêng ấn tượng để hấp dẫn đông đảo khách du lịch.
Tại buổi tọa đàm, đại diện các công ty lữ hành du lịch trên toàn quốc cho rằng, để thúc đẩy phát triển ngành du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian thì tỉnh Vĩnh Phúc cần đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch trong đó chú ý đến sự tinh tế, độc đáo, khác biệt của sản phẩm kết hợp với chương trình OCOP trong xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh Vĩnh Phúc cần đầu tư khai thác tốt thị trường du lịch nội địa và khách nghỉ dưỡng cuối tuần; quy hoạch điểm đến, có trọng tâm, trọng điểm. Vĩnh phúc cần tận dụng khai thác và phát triển du lịch tâm linh, khôi phục lại một số di tích, lễ hội truyền thống và phát triển dịch vụ du lịch “ăn theo”.
Bên cạnh đó, ngành du lịch Vĩnh Phúc cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch tại các địa phương; nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên để có một đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch có trình độ nghiệp vụ cao, am hiểu lịch sử-văn hóa dân tộc. Tỉnh Vĩnh Phúc cần chú trọng cải tạo cảnh quan, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm tại các tuyến, điểm du lịch.
Sau buổi tọa đàm này, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc sẽ nghiên cứu giải pháp phù hợp để đẩy mạnh hoạt động du lịch, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng Vĩnh Phúc thời gian tới, góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển nhanh, bền vững trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, là điểm đến thân thiện, hấp dẫn, trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực trung du, miền núi phía bắc và cả nước.