Hội nghị nằm trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21/9/1973 - 21/9/2023), nhằm tăng cường kết nối, thúc đẩy các hoạt động giao lưu, kết nối đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch giữa tỉnh Vĩnh Phúc và các địa phương, nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, tạo mối quan hệ hợp tác phát triển giữa các nhà đầu tư Việt Nam và Nhật Bản.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn, sau hơn 25 năm tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng về kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp…, trong đó có sự đóng góp của các DN FDI.
Tính đến hết năm 2022, Vĩnh Phúc đã thu hút được 450 dự án FDI, tổng vốn đầu tư trên 7,5 tỷ USD. Trong đó, có 58 dự án của Nhật Bản, tổng vốn đăng ký trên 1,62 tỷ USD, đứng thứ 2 về số dự án, số vốn đầu tư nhưng đứng đầu về tỷ lệ vốn thực hiện và hiệu quả sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
“Các dự án của Nhật Bản chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy, chế tạo, đóng góp tới 70% tổng thu ngân sách hằng năm của Vĩnh Phúc, giải quyết việc làm cho hơn 24 nghìn lao động. Bên cạnh đó, các dự án sử dụng nguồn vốn ODA Nhật Bản, điển hình là Dự án cải thiện môi trường đầu tư trị giá 152 triệu USD đã giúp tỉnh giải quyết được những bất cập ban đầu như thiếu điện, thiếu nước sạch, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải lạc hậu. Quan hệ thương mại giữa Vĩnh Phúc và Nhật Bản đã có khởi sắc, nhiều sản phẩm được xuất khẩu và nhiều công dân của tỉnh đang sinh sống, học tập, làm việc tại Nhật…”- Phó Chủ tịch Vũ Việt Văn đánh giá.
Giao lưu giữa lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc và các DN Nhật Bản |
Cũng theo Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, mục tiêu của tỉnh Vĩnh Phúc là phấn đấu trở thành trung tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ và du lịch của khu vực và cả nước. Trong thời gian tới tỉnh Vĩnh Phúc xác định: Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài phục vụ nhiệm vụ phát triển nền kinh tế của địa phương, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư tại tỉnh. Chuyển từ thu hút đầu tư bị động sang chủ động và chủ trương thu hút có chọn lọc, lựa chọn khu vực, thị trường, đối tác để thúc đẩy hợp tác phát triển phù hợp với bối cảnh thế giới và khu vực.
Đối với thị trường Nhật Bản, ngoài việc tập trung thu hút các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tập trung vào một số nội dung như: Triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã ký kết với 2 tỉnh Akita và Tochighi. Trong đó, có các dự án đang triển khai như đầu tư hạ tầng KCN của Tập đoàn Sumitomo; dự án đầu tư, phát triển bò thịt tại Việt Nam với Tập đoàn Sojitz.
Đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội thực hiện các hoạt động thương mại, xuất khẩu sản phẩm chủ lực của tỉnh sang Nhật Bản; thúc đẩy hợp tác du lịch, kết nối đưa khách du lịch của Nhật Bản sang Vĩnh Phúc để du lịch thể thao golf, như mô hình đang triển khai đối với Công ty TNHH Tập đoàn Á Châu ASIA Group tại Vĩnh Phúc.
Hội nghị đã dành thời gian để các đại biểu, nhà đầu tư cùng trao đổi, thảo luận, đưa ra những kiến nghị, đề xuất trong quá trình tìm hiểu và đầu tư vào Vĩnh Phúc. Một số nhà đầu tư đề xuất cung cấp thông tin về quỹ đất sạch tại các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, dự án hạ tầng các Khu công nghiệp cần thu hút đầu tư; đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc giới thiệu một số địa điểm có thể đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, sân golf…
Tại Hội nghị, đại diện Trung tâm Nghiên cứu, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc; Công ty TNHH Tập đoàn Á Châu Asia Group; Trung tâm thông tin và xúc tiến du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc) và Công ty VY Planning đã kí kết Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch./.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành và các đại biểu chứng kiến lễ trao biên bản hợp tác |