Điểm sáng về thu hút đầu tư
Đặc biệt, thu hút đầu tư đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh đã có những hướng đi mang tính đột phá để trở thành “điểm sáng” của cả nước về thu hút đầu tư.
Khi tái lập, tỉnh gặp nhiều khó khăn, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, ngành công nghiệp và dịch vụ chưa phát triển, cơ sở hạ tầng thấp kém, số lượng doanh nghiệp ít và hầu hết năng suất và hiệu quả kinh tế thấp… Nhưng với sự năng động, sáng tạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành và sự đoàn kết, đồng lòng vượt khó của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Vĩnh Phúc đã phát huy lợi thế, khai thác hiệu quả các tiềm năng, tranh thủ các nguồn lực để xây dựng và phát triển. Sau 25 năm tái lập, tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định và nâng cao vị thế so với các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước.
Vĩnh Phúc trở thành “điểm sáng” của cả nước về thu hút đầu tư |
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm đầu mới tái lập chỉ đạt trên 100 tỷ đồng và trong 25 năm qua, mặc dù nhiều thời điểm gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và khu vực, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh... nhưng Vĩnh Phúc luôn nằm trong top các địa phương trong cả nước có số thu cao nhất, là một trong 16 tỉnh có điều tiết về Ngân sách Trung ương và tỷ lệ điều tiết của tỉnh khá cao (47%). Trong 5 năm trở lại đây số thu ngân sách của tỉnh bình quân hằng năm đạt từ 32-33 nghìn tỷ đồng, đặc biệt năm 2019 đạt trên 35 nghìn tỷ đồng, là tỉnh có số thu ngân sách đứng thứ 8 cả nước và thứ 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Năm 2020 mặc dù tác động của đại dịch COVID-19 nhưng tổng thu ngân sách của tỉnh vẫn đạt 32,59 nghìn tỷ đồng (trong đó thu nội địa đạt 27,86 nghìn tỷ đồng) và năm 2021 ước tổng thu ngân sách của tỉnh đạt 32,1 nghìn tỷ đồng (trong đó thu nội địa đạt 27,67 nghìn tỷ đồng), gấp 282 lần so với số thu ngân sách của năm 1997.
Sản xuất công nghiệp khẳng định là nền tảng của nền kinh tế |
Với phương châm “Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc”, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư; chủ động cải cách các thủ tục hành chính nhất là cải cách các thủ tục hành chính; từng bước hoàn thiện hạ tầng trong và ngoài khu công nghiệp... Môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện và được các nhà đầu tư đánh giá cao, nhiều năm liền Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) luôn nằm trong top đầu của cả nước.
Điểm đến của các nhà đầu tư
Từ chỗ chỉ có 1 KCN với quy mô 50ha, đến năm 2021 trên địa bàn tỉnh đã có 429 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7,1 tỷ USD của 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh, trong đó có các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, các quốc gia châu Âu và 824 dự án DDI với tổng vốn đầu tư là gần 110 nghìn tỷ đồng. Tỉnh đã thu hút được một số doanh nghiệp lớn vào đầu tư và sản xuất ra những sản phẩm chủ lực, tạo việc làm cho hàng vạn lao động, đóng góp chủ yếu cho ngân sách và gia tăng xuất khẩu cho tỉnh như: Toyota, Honda, Piaggio, Deawoo bus, tập đoàn Prime, thép Việt Đức,...
Bên cạnh đó, chất lượng các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên. Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 khách sạn 5 sao, 1 khách sạn 4 sao, 88 khách sạn 3 sao và nhiều cơ sở kinh doanh đạt tiêu chuẩn. Hạ tầng du lịch nhất là ở các khu du lịch trọng điểm như: Tam Đảo, Khu danh thắng Tây Thiên, Đại Lải,… được đầu tư, nâng cấp. Các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lễ hội tâm linh, du lịch cộng đồng (homestay), du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo (du lịch MICE), du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch nông thôn,… đã và đang được phát triển.
Một số tour, tuyến du lịch mới như: Tour một ngày chinh phục 3 đỉnh Tam Đảo, tour du lịch Con đường Tâm Linh, tuyến du lịch Thanh Lanh Ngọc Bội - Thác Bản Long, Tuyến Vân Trục - Bò Lạc - Sáng Sơn, khu sinh thái vườn cò Hải Lựu,… được đưa vào khai thác và thu hút được đông đảo sự lựa chọn của du khách. Lượng khách tham quan, nghỉ dưỡng tại tỉnh tăng đáng kể, năm 1997 toàn tỉnh đón 45 nghìn lượt khách (trong đó khách quốc tế 2,5 nghìn lượt, khách nội địa 42,5 nghìn lượt) đến năm 2021 tổng lượt khách ước đạt khoảng 2,0 triệu (trong đó khách quốc tế là 23,75 nghìn lượt).
Với kết quả trên có thể thấy, sau 25 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư ngoài nước./.