Trong năm 2023, các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc cùng với sự tham gia của các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ 18.187 đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và các hoàn cảnh khó khăn khác trên địa bàn tỉnh, với tổng số tiền trên 10,6 tỷ đồng. Quỹ vì người nghèo của tỉnh đã hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa được 156 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh, với tổng số tiền hơn 8,8 tỷ đồng… Đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc không còn xã nghèo, không còn hộ nghèo là đối tượng chính sách, người có công; 100% địa phương không còn nhà tạm hoặc dột nát.
Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngoài các phần quà của Trung ương dành cho các đối tượng chính sách, tỉnh Vĩnh Phúc dành nguồn kinh phí 38,1 tỷ đồng hỗ trợ, tặng quà cho người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tỉnh trích trên 28,7 tỷ đồng thăm hỏi, hỗ trợ 33.875 người có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh dưới 81%, người và gia đình có công với cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày còn sống; thân nhân cán bộ lão thành cách mạng; thân nhân cán bộ hoạt động thời kỳ Tiền khởi nghĩa; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học đang hưởng trợ cấp…
Tỉnh Vĩnh Phúc cũng dành gần 2,8 tỷ đồng để thăm hỏi, tặng quà Tết cho hơn 4.600 các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc dành gần 6,7 tỷ để thăm hỏi, tặng quà các đơn vị trong và ngoài tỉnh; đối tượng thuộc các cơ quan, đơn vị quản lý đề nghị thăm hỏi trong dịp Tết.
Ngoài nguồn ngân sách tỉnh, các địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn tổ chức thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bằng nguồn kinh phí của cấp huyện, cấp xã. Tỉnh cũng tăng cường huy động nguồn xã hội hóa, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay chăm lo Tết cho người nghèo, gia đình chính sách.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 183.600 người có công với cách mạng và đối tượng khác do ngành theo dõi thực hiện chế độ chính sách; trên 17.500 người đang hưởng trợ cấp hằng tháng; hơn 6.500 hộ nghèo và cận nghèo. Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo.
Có thể nói, việc chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Đây là trách nhiệm, tình cảm của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Từ những việc làm cụ thể, thiết thực đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, góp phần bồi đắp truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.