Để đạt được mục tiêu đó, Vĩnh Phúc chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực, tự giác tham gia đóng góp nguồn lực thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Cùng với công tác chỉ đạo, Vĩnh Phúc sẽ dành khoảng hơn 1.300 tỷ đồng cho các địa phương hoàn thành và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Tỉnh Vĩnh Phúc cũng tăng cường triển khai, thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn, tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng nguồn vốn thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã có 112/112 xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới và có 4 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh đạt trên 47 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều là 1,46%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 91,5%; toàn tỉnh có trên 98,6% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Năm 2020, cùng với việc tập trung phấn đấu đưa 5 huyện còn lại là huyện Tam Đảo, huyện Vĩnh Tường, huyện Tam Dương, huyện Lập Thạch, huyện Sông Lô đạt 100% tiêu chí huyện nông thôn mới, tỉnh Vĩnh Phúc đề ra mục tiêu có 2 xã và 26 thôn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 18 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.