Để kịp chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ tới thì một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện chính là việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Căn cứ vào Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 117 của Chính phủ và Chỉ thị số 49 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 - 2025, Vĩnh Phúc không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp; 28 đơn vị hành chính cấp xã không bảo đảm tiêu chuẩn hoặc liền kề thực hiện sắp xếp để thành lập 13 đơn vị hành chính mới tại 6 huyện, thành phố là: Phúc Yên, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương, Lập Thạch, Sông Lô. Sau sắp xếp, tỉnh sẽ có 9 huyện, thành phố và 121 xã, phường, thị trấn.
Việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc như trên phù hợp với yêu cầu thực tiễn, gắn liền với chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và thực hiện cải cách chế độ tiền lương, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến hết tháng 3/2024, cả 28 xã thuộc diện sáp nhập đã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri, với tỷ lệ đồng ý chủ trương đạt trên 91,6%. Cuối tháng 4/2024, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 - 2025; UBND tỉnh ban hành Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và có Tờ trình trình Chính phủ theo quy định.
Theo báo cáo của Sở Nội vụ, hiện tỉnh Vĩnh Phúc đã trình Chính phủ phương án sắp xếp cán bộ, công chức sau sắp xếp. Theo đó, tại 13 đơn vị hành chính cấp xã mới, tỉnh bố trí 273/502 cán bộ, công chức. Đối với 229 cán bộ, công chức dôi dư, tỉnh sẽ điều động, luân chuyển 162 người sang các đơn vị hành chính cấp xã còn thiếu; 19 người cho nghỉ hưu đúng tuổi; 9 người thuộc đối tượng vận động nghỉ chờ đủ tuổi nghỉ hưu theo Nghị định số 26 của Chính phủ; 39 người thuộc đối tượng tinh giản biên chế theo Nghị định số 29 của Chính phủ. Đối với 64 người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư, chính quyền các địa phương sẽ vận động, thuyết phục thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 29 của Chính phủ.
Tỉnh Vĩnh Phúc sắp xếp lại 28 xã để thành lập 13 đơn vị hành chính cấp xã mới. |
Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết: Phương án là vậy, nhưng việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách "gặp khó" bởi khung biên chế tại các đơn vị cơ bản đã ổn định. Đặc biệt, theo quy định, trưởng các tổ chức chính trị - xã hội sau sắp xếp chỉ được bố trí 1 người, trong khi đó trưởng một số tổ chức chính trị - xã hội chưa bảo đảm điều kiện để sát hạch, tiếp nhận sang công chức theo quy định. Hơn nữa, đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi của cán bộ.
Nhằm nỗ lực hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo đúng lộ trình, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ công khai, minh bạch tất cả chế độ, chính sách và quy định về tiêu chuẩn cán bộ, thực hiện việc đánh giá cán bộ, đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính cấp xã mới.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn các xã hình thành sau sáp nhập rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền công nhận đơn vị hành chính cấp xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo đúng quy định. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các địa phương tổ chức lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp là an toàn khu hoặc được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định.