Theo báo cáo của tỉnh Vĩnh Phúc, từ 2021 đến tháng 6/2023, tổng vốn đầu tư từ các dự án đầu tư trong nước (DDI) đạt 45.200 tỷ đồng, vượt 2,3 lần so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra. Ước đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 14.970 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, với tổng vốn đăng ký trên 193.000 tỷ đồng, trong đó, khoảng 70% doanh nghiệp thực tế hoạt động.
Cùng với việc thu hút đầu tư DDI, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục giữ vai trò đầu tàu, chủ đạo trong nền kinh tế Vĩnh Phúc. Từ năm 2021 đến năm 2023, tỉnh thu hút được 1,9 tỷ USD vốn đầu tư FDI. Lũy kế, ước hết năm 2023, Vĩnh Phúc có 468 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 7,9 tỷ USD.
Dự kiến trong tháng 6/2023, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2-4 dự án mới và điều chỉnh tăng vốn 2-3 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 100 triệu USD và 200-300 tỷ đồng; tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai dự án, dự kiến có thêm 2-4 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, vốn thực hiện đạt khoảng 40-45 triệu USD và 50 tỷ đồng.
Để tăng cường thu hút vốn đầu tư, phát triển doanh nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo thực hiện tốt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 và Chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025.
Đồng thời, đẩy mạnh thu hút vốn FDI theo hướng có chọn lọc, ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Cùng với đó là hạn chế tối đa thu hút đầu tư các lĩnh vực khai thác khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên, sử dụng nhiều đất đai.
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đang đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Bá Thiện (phân khu I), huyện Bình Xuyên; phối hợp với các nhà đầu tư và các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích còn lại của các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động như: Khai Quang, Bình Xuyên, Bá Thiện II, Tam Dương II - khu A; đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp vừa có quyết định thành lập như: Sơn Lôi, Sông Lô I, Sông Lô II, Tam Dương I - khu vực 2, Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa khu vực 2 (giai đoạn 1) và Nam Bình Xuyên; phối hợp với các chủ đầu tư, các đơn vị có liên quan triển khai khởi công Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp như: Sông Lô I, Sông Lô II.