Dư hàng ngày tỷ nhờ cắt giảm chi phí nhân công
Tại Đại hội cổ đông bất thường năm 2021 diễn ra hôm nay - 14/12, ông Lê Hồng Hà - Tổng giám đốc Vietnam Airlines, phương án tái cơ cấu được Vietnam Airlines xây dựng tổng thể trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm 7 nhóm giải pháp.
Các giải pháp lớn có thể kể đến như tái cơ cấu đội bay thông qua đàm phán giãn, hoãn các khoản thanh toán, giảm tiền thuê tàu bay, đẩy lùi lịch nhận các tàu bay mới; tái cơ cấu tài sản thông qua thanh lý các tàu bay cũ, bán và thuê lại tàu bay; tái cơ cấu danh mục đầu tư và các doanh nghiệp thành viên thông qua chuyển nhượng vốn, cổ phần hóa, bán một số danh mục đầu tư để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính; tái cơ cấu danh mục đất và tài sản trên đất.
Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng đặt mục tiêu tái cơ cấu nguồn vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, huy động vốn từ bên ngoài, phát hành trái phiếu...
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, Vietnam Airlines cũng triển khai tái cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian và tái cơ cấu đổi mới quản trị doanh nghiệp thông qua đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, thực tế, các nhóm giải pháp trên đã được Vietnam Airlines thực hiện trong thời gian khó khăn và vừa đạt được một số kết quả tích cực. Cụ thể, năm 2020 Vietnam Airlines đã cắt giảm được 5.129 tỷ đồng, trong đó chi phí nhân công là 1.775 tỷ đồng. Dự kiến cắt giảm, tiết kiệm khoảng 6.000 tỷ đồng trong năm 2021.
Theo ông Đặng Ngọc Hoà - Chủ tịch Vietnam Airlines, trong tái cơ cấu, thì tái cơ cấu nội bộ doanh nghiệp là quan trọng nhất, giảm trung gian để doanh nghiệp ra quyết định nhanh hơn. Ngoài ra, Chủ tịch Vietnam Airlines còn cho biết, sẽ kiên quyết thoái vốn tại những công ty không hiệu quả, nhằm tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Trong tháng 12/2021, Vietnam Airlines đang rao bán 9 máy bay A321, 6 máy bay ATR-72 |
Sẽ bán gần 30 máy bay
Trong bối cảnh số lượng hành khách ít do ảnh hưởng dịch COVID-19, việc bán máy bay cũ được Vietnam Airlines định hướng là một trong những nội dung quan trọng trong tái cơ cấu. Theo Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà, tháng 7/2021, đơn vị này có 106 tàu bay. Đến nay, Vietnam Airlines đã bán được 2 tàu bay A321; đội bay còn 104 chiếc, trong đó có 29 tàu thân rộng, 7 tàu ATR-72, còn lại là thân hẹp.
Dự báo đến năm 2025, Vietnam Airlines vẫn tiếp tục dư thừa tàu bay. Theo tính toán của Vietnam Airlines, trong năm tới, đơn vị này dự kiến thừa 8 tàu thân rộng, 22 tàu thân hẹp. Do vậy, hãng đang tiến hành tái cơ cấu lại đội bay như đàm phán với bên cho thuê có các phương án hỗ trợ như huỷ, lùi lịch nhận tàu bay đến sau năm 2023.
Cũng theo ông Lê Hồng Hà, trong tháng 12/2021, Vietnam Airlines đang rao bán 9 máy bay A321, 6 máy bay ATR-72. Cuối tháng này sẽ có kết quả.
Dự kiến, từ năm 2022 đến cuối 2023, 12 chiếc A321 sẽ tiếp tục được Vietnam Airlines đem bán thêm. Việc bán hàng loạt máy bay này của Vietnam Airlines là nhằm bớt tàu bay hãng đang sở hữu và đẩy sớm hơn quá trình hiện đại hoá đội bay, thay thế cho những tàu trên 12 năm tuổi.
Được biết, đến thời điểm này, nhu cầu thị trường hàng không vẫn rất yếu. Cụ thể, đường bay “vàng” Hà Nội - TP Hồ Chí Minh được mở nội địa lại từ tháng 10/2021, Vietnam Airlines khai thác 2 chuyến/ngày, các hãng còn lại khai thác 4 chuyến/ngày. Khi đó, hệ số sử dụng ghế của các hãng bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh rất cao, lên tới 95 - 96%.
Tuy nhiên, sau khi Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh cho các hãng hàng không tăng tải trên các đường bay nội địa, hệ thống sử dụng ghế trên đường bay quan trọng nhất này chỉ đạt 62-65%. Các đường bay nội địa khác có hệ số sử dụng ghế cũng chỉ ở mức 50 - 55%. Hiện nay, khai thác tổng cộng 16 chuyến/ngày trên đường bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, trong khi thời điểm trước dịch COVID-19, đường bay này khai thác xấp xỉ 60 chuyến bay/ngày. Do đó, trong thời gian tới, “sức khoẻ” của các hãng bay trong đó có Vietnam Airlines được đánh giá là vẫn yếu.