Thửa đất để xây dự án trên có diện tích hơn 7700m2, vốn được Nhà nước cấp cho Hợp tác xã (HTX) Cổ phần Trường Sơn và đơn vị này đã giải thể từ giữa năm 2012. Hai năm sau đó, Công ty Cổ phần Tiến Lực (ông chủ công ty này từng chính là một trong chín xã viên của Trường Sơn) có tờ trình xin lập dự án bất động sản trên mảnh đất trên và được UBND tỉnh giao đất. Cùng ngày được giao đất, Tiến Lực trao 8 tỷ “tiền đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng” cho cựu Chủ nhiệm HTX.
Tới năm 2015, Sở Tài chính Nghệ An có văn bản gửi UBND tỉnh đề xuất khấu trừ tiền bồi thường giải phóng mặt bằng vào tiền sử dụng đất phải nộp của dự án bằng hình thức ghi thu - ghi chi. Số tiền sử dụng đất Tiến Lực phải nộp là hơn 10 tỷ, trong khi số tiền bồi thường cho Trường Sơn là hơn 8 tỷ. Như vậy, để có được diện tích đất xây cả một dự án bất động sản, Tiến Lực chỉ còn phải nộp cho ngân sách số tiền khoảng hơn 2 tỷ.
Hồ sơ vụ việc có nhiều điểm bất hợp lý, hoặc vô lý: Một số công trình HTX đã xây dựng sử dụng bỏ hoang nhiều năm nhưng vẫn được đền bù với tổng giá trị 100% như mới, UBND tỉnh chưa ra bảng kê chi tiết bồi thường mà các bên đã “đoán trước” được mức giá và tự bồi thường cho nhau như đã nói ở trên…
Tuy nhiên, Phòng Quản lý Giá và Công sản thuộc Sở Tài chính Nghệ An vẫn chấp nhận bộ hồ sơ trên. Nhiều ý kiến cho rằng sự việc có dấu hiệu cán bộ tham gia thẩm định giá trị ghi thu - ghi chi ngân sách nhà nước đã thông đồng với các bên để tính toán sai quy định, gây thất thu ngân sách nhà nước.
Dấu hiệu sai phạm trong sự việc còn chưa dừng lại. Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 118 Luật Đất đai 2013, đất được sử dụng để đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê thuộc trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên trong dự án này, Tiến Lực lại được giao đất mà không qua đấu giá. Đây là việc làm trái quy định Luật Đất đai.
Dư luận địa phương còn bức xúc trong việc thẩm định giá đất dự án này. Ngày 18/5/2017, Sở Tài chính có văn bản tham mưu đề nghị phê duyệt giá đất và đến ngày 26/5/2017, UBND Nghệ An ban hành quyết định phê duyệt giá đất tại dự án trên bình quân là 2,316 triệu đồng. Một người dân địa phương nhận xét: “Mức giá trên là bất hợp lý so với giá thị trường. Giá đất khu vực này từ năm 2017 giao dịch đã từ 8 – 10 triệu đồng/m2”.
Dấu hiệu áp dụng sai pháp luật như vậy càng thấy rõ: Trong cùng một dự án, một số hạng mục được “thổi” giá lên rất cao như tính tiền đền bù công trình, một số hạng mục lại bị “dìm” giá xuống rất thấp như tính giá đất. Nói cách khác, doanh nghiệp làm dự án được lợi đủ đường, lợi nhuận lớn, nhưng ngân sách nhà nước thua thiệt đủ đường, khâu nào cũng thất thu.
Để kiểm chứng vấn đề, mới đây PV đã đi khảo giá đất tại chính dự án nói trên. Dự án hiện đã hoàn tất, gồm 57 lô, diện tích từ 71 – 156m2 mặt bằng mỗi lô. Một căn nhà 3 tầng mới chỉ xây thô, diện tích 85m2, được chủ dự án rao bán với giá 2,2 tỷ. Như vậy sau khi trừ đi giá trị căn nhà, giá đất ở đây hiện đang được rao bán khoảng 16 triệu đồng/m2, gấp khoảng 7 lần so với mức giá Sở Tài chính đưa ra.
Trước đó, trả lời PV về dự án này, ông Nguyễn Trung Long, Phó phòng Quản lý Giá và Công sản thuộc Sở Tài chính Nghệ An (theo quy định, Phòng Quản lý Giá và Công sản là phòng chuyên môn tham mưu trực tiếp cho lãnh đạo Sở Tài chính về quản lý tài chính với đất đai, xác định các khoản bù trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp), cho rằng mình “chỉ làm việc căn cứ trên phương án bồi thường đã được phê duyệt và Sở Tài chính chỉ làm việc trên chứng từ, hồ sơ”.
Tuy nhiên nhận xét về vấn đề này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực cho rằng ông Long nói như vậy là chưa làm hết trách nhiệm. “Là bộ phận “gác gôn” cho Nhà nước về giá cả, trong các khâu thẩm định dự án, Sở Tài chính đều phải có đại diện tham gia, từ chuyện đi thực tế xem xét xem giá bồi thường có hợp lý không, hồ sơ ghi thu – ghi chi có chính xác không, mức giá đất bao nhiêu..., nên nói như ông Long là thiếu trách nhiệm”, một chuyên gia bình luận.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.
Hồi đầu năm 2018, dư luận từng xôn xao về chuyện liên quan đến Phòng Quản lý giá và Công sản Sở Tài chính tỉnh Nghệ An. Ông Hoàng Minh Quân giữ chức Trưởng phòng này từ khoảng năm 2007. Theo quy định của tỉnh Nghệ An, đến năm 2018, ông Quân buộc phải chuyển vị trí công tác hoặc nếu có bổ nhiệm lại, cũng phải giữ chức vụ lãnh đạo ở một phòng khác.
Tuy nhiên Giám đốc Sở Tài chính vẫn ký quyết định bổ nhiệm lại lần 2, nhiệm kỳ 3 có thời hạn đến ngày 19/11/2020 với ông Quân, vẫn giữ chức Trưởng phòng trên. Quyết định này thậm chí còn ghi rõ ông Quân sẽ được giữ chức vụ này đến thời điểm 2020, tức là đến tuổi nghỉ hưu.
Trả lời báo chí, Giám đốc Sở Tài chính khi đó cho rằng do ông Quân “là cán bộ có kinh nghiệm trong mảng quản lý giá và công sản, trong khi đó Sở thiếu cán bộ mảng này nên mới phải bổ nhiệm lại ông Quân”. Và qua việc tính toán đền bù trong dự án nói trên, dư luận có quyền đặt lại câu hỏi “kinh nghiệm trong mảng quản lý giá và công sản” ở đơn vị này tới đâu, mà lại để xảy ra nghi vấn thất thu ngân sách nhà nước như vậy.