Như PLVN đã phản ánh, theo hồ sơ vụ án, khoảng 23h ngày 15/12/2018, chị Nguyễn Đông Dương (trú huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), người làm thuê cho Lê Văn Lam (trú thôn Hùng Trì, xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) gọi điện cho Lam và Phạm Đình Dũng (quê Sơn La) nói bị đánh tại quán karaoke Hồng Nhung (thôn Cát Lư, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm). Lam và Dũng đã nói với một số người đang ở cùng tại nhà trọ (khu dân cư mới thôn Hành Lạc, thị trấn Như Quỳnh) đến quán hát đánh lại.
Dũng cùng Phạm Hà Anh (quê Hà Nội), Trần Văn Phương (quê Tuyên Quang), Lò Văn Thắng (quê Sơn La) và hai người khác đi đến quán karaoke dùng hung khí đánh anh Nguyễn Văn Hùng và Nguyễn Thành Chung (cùng quê Văn Lâm, Hưng Yên).
Sự việc diễn ra khoảng 5 phút thì nhóm Dũng đi về nhưng anh Hùng cầm điếu cày đuổi theo ra đến đầu ngõ và bị nhóm Dũng quay lại đuổi đánh. Công an huyện Văn Lâm vào cuộc điều tra, xác minh, xác định tỷ lệ tổn thương của anh Hùng là 23%, anh Chung là 6%.
Quá trình điều tra, xác định Dũng và Lam có vai trò người chỉ đạo, ngoài ra Dũng còn cùng với một số đối tượng là người thực hiện tích cực. Với bị can sau khi gây án đã bỏ trốn, CQĐT quyết định truy nã, tách vụ án xử lý sau.
Ngày 23/8/2019, TAND Văn Lâm đưa vụ án ra xét xử, tuyên phạt Lam 4 năm 9 tháng tù, Anh và Phương mỗi bị cáo 3 năm 9 tháng tù, Thắng 2 năm 9 tháng tù cùng về tội “Cố ý gây thương tích”. Bị cáo Lam làm đơn kháng cáo, cho rằng mình bị oan sai.
Ngày 24/12 vừa qua, TAND tỉnh Hưng Yên đưa vụ án ra xử phúc thẩm, quyết định không chấp nhận kháng cáo của Lam, giữ nguyên bản án sơ thẩm, tuyên phạt Lam 4 năm 9 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”.
Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Lam tiếp tục không nhận tội, cho rằng mình bị oan vì không có bất kỳ chỉ đạo nào với nhóm Dũng đến quán karaoke đánh người, “ngược lại bị cáo còn chủ động nhờ chủ quán karaoke ngăn cản các đối tượng xô xát với nhau khi được biết sự việc”, bị cáo nói.
Sau quyết định của HĐXX phúc thẩm, ông Lê Văn Tuyến (bố bị cáo Lam) cho rằng việc Lam bị tuyên phạm tội “Cố ý gây thương tích” có nhiều dấu hiệu oan sai. “Trên thực tế Lam không có hành vi chỉ đạo hay giúp sức cho nhóm của Dũng thực hiện hành vi phạm tội. Trong vụ án này, Dũng là người trực tiếp nghe điện thoại, Dũng cũng là người nói chuẩn bị hung khí, cầm đầu nhóm người đến quán karaoke và cũng là người trực tiếp tham gia hành hung các bị hại. Tuy nhiên, hiện Dũng đang bỏ trốn, nên cần phải bắt được Dũng mới làm rõ được mọi vấn đề”, ông Tuyến nói.
Trong vụ án này, còn có tình tiết chưa được làm rõ, như tại phiên sơ thẩm, người làm chứng là chị Dương khai là người làm thuê cho Lê Văn Sơn (em trai của Lam) và điện thoại cho Dũng nói bị đánh. Vậy nhưng quá trình điều tra lại xác định chị Dương gọi điện cho Lam và nhân viên của Lam, là không đúng sự thật khách quan.
Chị Dương còn cho rằng bị Công an Văn Lâm giam giữ 20 ngày không đúng quy định. Việc này đã được luật sư đề nghị HĐXX sơ thẩm trả hồ sơ vụ án để khởi tố việc bắt giữ người trái pháp luật với chị Dương.
Chưa hết, sau khi bị hại Hùng được đưa đi giám định lại thì có vết thương gãy ở cổ tay, nhưng tại sao trước đó Hùng vẫn tự viết đơn, ký yêu cầu khởi tố vụ án được? Sau khi sự việc xảy ra, bị cáo Lam ở tại địa phương, không đi ra khỏi địa bàn nhưng vẫn bị phát lệnh truy nã? Những vấn đề này ông Tuyến đề nghị cần phải được làm rõ.