Quảng cáo khác xa thực tế
Trên website công ty, Tràng An giới thiệu: “Dự án Khu dân cư Tràng An là một trong những dư án (viết sai từ “dự án” – NV) dân cư đầu tiên và lớn nhất tại TP mới Bạc Liệu (viết sai từ “Bạc Liêu” – NV). Bạc Liêu là một TP mới được thành lập từ khi tỉnh Bạc Liêu được tách ra từ tỉnh Cà Mau năm 1997, nên việc triển khai các dự án an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu nhà ở cũng như tái dịnh cư (viết sai từ “định cư” – NV) cho các dự án của một TP…”.
Dự án được quảng cáo: “Nằm tại một vị trí trắc địa (viết sai từ “đắc địa” – NV), là cửa ngõ của TP ra các tỉnh ĐBSCL cũng như TP HCM. Với diện tích hơn 68 ha nằm trong địa bàn phường (không nói rõ phường nào - NV) & TP Bạc Liêu với lợi thế nằm giữa hai tuyến giao thông QL1A hiệu hữu (viết sai từ “hiện hữu” – NV) và đường tránh QL1A rất thuận lợi cho việc liên thông giữa các cụm đô thị khác trong toàn tỉnh cũng như các tỉnh lân cận, với quy hoạch đồng bộ đảm bảo các nhu cầu như trường học, bệnh viện, trung tâm mua sắm, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, chung cư, đáp ứng mọi nhu cầu của người dân nơi đây”.
Dự án được quảng cáo có 2.618 căn nhà phố liên kế, 426 căn nhà ở xã hội, diện tích căn hộ trung bình từ 65-125m2 với độ cao từ 2-5 tầng “được thiết kế xây dựng theo tiêu chuẩn hiện đại nhưng hài hòa với cảnh quan môi trường xung quanh… với hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh xen kẽ là các khu chức năng…”; 61 căn biệt thự diện tích từ 256-400m2; 300 căn hộ chung cư từ 80-120m2 “được thiết kế khép kín, hiện đại, tiện nghi với hệ thống điện nước, an ninh tối ưu nhất”; trung tâm thương mại 27.473m2 được thiết kế 15 tầng; công viên cây xanh diện tích 60.863m2 và 7.220m2 được thiết kế làm khu văn hóa thể thao “tạo nên một môi trường sống hài hòa, thân thiện với thiên nhiên”.
Dù được quảng cáo “hoành tráng” như trên, nhưng nếu không hỏi thăm, hiện không dễ tìm đường vào dự án này. Khác với nhiều dự án bất động sản khác làm những cổng chào, biển quảng cáo ấn tượng, dự án này dù có diện tích đến 68 ha nhưng chỉ có một tấm biển giới thiệu khá khiêm tốn ở lối vào trên đường Trần Phú.
Đi một vòng quanh dự án, mới nhận ra những lời giới thiệu của Tràng An trên website chỉ là quảng cáo. Hệ thống hạ tầng chưa hoàn chỉnh đồng bộ. Tỷ lệ đường nhựa còn rất khiêm tốn. Nhiều con đường trong dự án lầy lội chi chít “ổ voi”, “ổ trâu”. Nhà cửa mọc lưa thưa, mỗi nhà xây một kiểu. Ở mạn giáp ranh Bến xe Bạc Liêu, cả một vùng mênh mông thuộc dự án để cỏ mọc cao đến ngực trên đất bỏ hoang.
Ở thời điểm cuối tháng 8 đầu tháng 9/2019, chỉ thấy một vài khu nhà liên kế và một vài tuyến đường đang thi công dở dang, nhưng không thấy máy móc và công nhân. Những nơi người dân còn chưa chịu bàn giao mặt bằng, cảnh tượng nhếch nhác hơn nữa.
Nhìn trên bản đồ vệ tinh, tổng thể dự án còn nham nhở, nơi lở loét màu đất mới đổ, nơi xanh rì màu cỏ hoang. Tỷ lệ nhà cửa mới chiếm khoảng 20 - 30% diện tích.
Nhiều hộ dân nơi đây cho biết, dù thực tế “xập xệ” như vậy, nhưng đây vẫn là một “chợ đất đai” sôi động. Đã có nhiều người mua đất, nhưng không có nhu cầu ở, chỉ đầu cơ, bỏ hoang đó, chờ được giá sang tay.
Một trong các hộ dân khiếu kiện, cho rằng bị thu hồi nhà đất sai quy định. |
Qua quan sát thực tế, nhận những biệt thự, trung tâm thương mại, chợ, công viên cây xanh, khu thể thao văn hóa… mà Tràng An hứa hẹn vẫn còn đang nằm trên giấy. Như vậy chủ đầu tư đã không tuân thủ quy định về thời hạn thực hiện, như yêu cầu của UBND tỉnh trong Quyết định số 1860/QĐ-UBND ngày 1/7/2011, theo đó dự án phải kết thúc vào tháng 12/2015.
Lần giở lại mục tiêu “khai thác có hiệu quả đất”, “góp phần đưa TP Bạc Liêu thành đô thị xanh, sạch” như UBND tỉnh Bạc Liêu đã đặt ra từ những năm 2009, có thể khẳng định đến thời điểm hiện tại, những mục tiêu trên đã phá sản.
Tỉnh Bạc Liêu được gì từ dự án?
Một điều dư luận băn khoăn bấy lâu nay, đó là tỉnh Bạc Liêu được lợi ích gì trong việc giao 680 ngàn m2 đất cho Tràng An làm dự án trên? Như PLVN đã phản ánh trong các bài báo mới đây, trước và sau khi có những bài viết phản ánh dấu hiệu sai phạm trong dự án này, NV đã có những câu hỏi đặt ra với UBND Bạc Liêu và Tràng An, nhưng đến nay Báo PLVN vẫn chưa nhận được được hồi âm.
Theo Quyết định số 1860/QĐ-UBND nêu trên, năm 2011 UBND Bạc Liêu “bổ sung” mục tiêu mới cho dự án là “nhằm tạo quỹ đất di dời các hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng trong nội ô TP Bạc Liêu, từng bước ổn định, nâng cao điều kiện sống của người dân, mở rộng và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Ngoài ra dự án còn dành một phần đất để Nhà nước xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp”.
Theo một bài báo trên Báo Bạc Liêu (baobaclieu.vn), đến 9/5/2018, người dân được 250 lô đất nền tái định cư tại chỗ; Tràng An chuyển giao cho UBND tỉnh 499 nền đất bố trí tái định cư (cho dự án giải tỏa chỉnh trang bờ kè và các dự án khác của tỉnh - NV). Và qua quan sát thực tế, còn có thể kể đến một trong những cái được khác, là hạ tầng một khu dân cư mới trong tương lai.
Vậy Bạc Liêu đã mất những gì? Vẫn trong bài báo trên, bà Lê Hồng Thu, Phó Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu cho biết, có 670 hộ bị ảnh hưởng giải phóng mặt bằng với diện tích 646.488m2. Đến tháng 5/2018 còn hơn 30 hộ không thống nhất bàn giao mặt bằng, với ba kiểu: Thứ nhất, đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa chịu bàn giao mặt bằng; Thứ hai, chưa nhận tiền và chưa bàn giao mặt bằng; Thứ ba, đã nhận tiền bồi thường nhưng chỉ bàn giao đất nông nghiệp, còn lại căn nhà trên đất thổ cư chưa chịu bàn giao.
Trụ sở chính của Công ty Tràng An tại TP HCM không biển hiệu, dùng chung nhà với một tiệm buôn điện thoại. |
Về lý do các hộ dân phản đối, bài báo nêu: “Các hộ này viện lý do dự án thu hồi đất để xây dựng khu nhà ở thương mại nhằm mục đích kinh doanh nên việc bồi thường giá cả phải thỏa thuận với dân”. Bài báo không nêu ý kiến phân tích về việc những yêu cầu này của dân là đúng hay sai pháp luật.
Số liệu về người dân khiếu nại mà bà Thu nêu như trên khá trùng khớp với các tài liệu NV thu thập được. Theo một lá đơn 30 hộ ký tên gửi cơ quan chức năng Bạc Liêu và Tràng An, họ “rất bất bình, không đồng tình với dự án”.
Lá đơn chỉ ra một số sai sót trong dự án: 1. Không nhận được quyết định thu hồi đất tổng thể của UBND tỉnh, không tổ chức họp dân; 2. Không công khai bảng giá đền bù, chính sách tái định cư không rõ ràng; 3. Giá đền bù quá thấp, giá bán nền lại quá cao, tiền đền bù 400-500m2 không mua lại được một nền tái định cư 100m2; 4. Kê khai tính toán bồi thường thiếu hụt…
PLVN sẽ tiếp tục phản ánh sự việc trong các số báo tới.
Công ty bất động sản chung trụ sở với… “tiệm buôn điện thoại”
Riêng dự án tại Bạc Liêu đã có vốn đầu tư 860 tỷ, diện tích 68 ha, vậy trụ sở chính của Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư Tràng An ra sao? NV tìm đến số nhà 291 đường Nguyễn Thiện Thuật, phường 1, quận 3, TP HCM, nơi công ty đăng ký địa chỉ trụ sở chính.
Phải dò từng số nhà, mới tìm được số 291 nằm chung một căn với số 289. Căn nhà màu đỏ và xanh da trời bốn tầng. Phía trước toà nhà có ghi chữ “Tiến Vinh” màu xanh khá lớn. Hoàn toàn không có bảng hiệu hoặc bất cứ dấu hiệu nào để thấy đây là trụ sở một công ty địa ốc lớn.
Hỏi bảo vệ, người này cho biết Công ty Tràng An chính xác nằm ở căn nhà này. Tiến Vinh là tên một công ty chuyên sửa chữa, mua bán điện thoại di động. Tràng An có chung địa chỉ, chung trụ sở với Tiến Vinh. Ông cho biết: “Ở đây là Công ty Tràng An nhưng không có giám đốc đâu, có nhân viên thôi. Anh muốn vào thì chiều quay lại”.
Vì sao trụ sở Công ty Tràng An không để biển hiệu, dù vi phạm này sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định?
Rà soát Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nhận thấy Tràng An thành lập từ năm 2004, đến năm 2016 đã 19 lần thay đổi đăng ký kinh doanh. Sau nhiều lần thay đổi thành viên góp vốn, hiện chỉ có 2 thành viên. Số vốn điều lệ hiện là 40 tỷ, trong đó ông Nguyễn Vũ Hiển góp 32 tỷ, ông Nguyễn Văn Quá góp 8 tỷ.
Trong dự án này, cũng chưa rõ vai trò được quy định ra sao mà Chi nhánh Bạc Liêu của Công ty Tràng An ký tên đóng dấu với một số văn bản?