Nơi trú ngụ tâm hồn Việt
Họa sĩ Thành Chương sinh ra tại cái nôi văn hóa Kinh Bắc của Việt Nam, là con trai của nhà văn Kim Lân. Kế thừa tình yêu văn hóa nghệ thuật của gia đình nên ông luôn đam mê các giá trị văn hóa truyền thống, thất vọng trước sự mất mát không bao giờ lấy lại được của quá nhiều cổ vật quý giá và khát vọng tái hiện lại một tinh thần, vẻ đẹp Việt Nam trong lịch sử, đồng thời coi trọng việc lưu giữ những giá trị văn hóa bản sắc dân tộc. Là nhà sưu tập cổ vật hơn 50 năm, với khối lượng hơn 2.000 cổ vật Việt Nam đặc sắc, họa sĩ Thành Chương đã quyết định triển khai một không gian bản sắc văn hóa Việt theo ý tưởng riêng của mình.
Trên triền đồi hoang sơ hơn 8.000 m2 bỗng xuất hiện một kiến trúc mang đậm văn hóa Việt. Việt phủ chính là kết quả tất yếu tình yêu vô bờ bến của họa sĩ Thành Chương đối với văn hóa nghệ thuật truyền thống. Không phải ngẫu nhiên, Việt phủ được mệnh danh là “Nơi trú ngụ tâm hồn Việt”; “Nơi những vẻ đẹp Việt đã chết nay lại được hồi sinh”, “Vương quốc thanh bình của những di sản văn hóa Việt”; “Viên ngọc Việt Nam” hay “Khu vườn cổ tích”… Không ít người khi lần đầu tới đây đã lầm tưởng đây là một khu di tích lịch sử lâu đời, nhưng thực tế đây là một địa điểm được gây dựng bởi họa sĩ Thành Chương vào năm 2011.
Một hình ảnh đặc trưng thôn quê miền Trung du Bắc bộ với hồ cá xanh biếc, giếng nước trong veo, bên cạnh có thêm bộ bàn đá để du khách nghỉ ngơi hóng mát. Điểm nổi bật trong quần thể kiến trúc ở đây là những ngôi nhà được thiết kế, xây dựng với nhiều phong cách, hình dáng khác nhau từ ngôi nhà sàn của dân tộc Mường đến nhà ngôi nhà mô phỏng theo lối kiến trúc nhà 3 gian của nhân dân Đồng bằng Bắc bộ…
Vợ chồng họa sĩ Thành Chương khẳng định: “Việt phủ không xây dựng trên đất rừng”. |
Mỗi nhà có một tên gọi riêng gắn liền với giá trị lịch sử mà chủ nhân muốn truyền tải như nhà Tường Vân là gian nhà cổ có từ thời nhà Nguyễn, nhà Đại Khoa được dựng lên dựa trên khuôn viên của nhà cổ khu vực Bắc Ninh, nhà hát Long Đình - ngôi nhà có diện tích rộng lớn và trang trí công phu biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Từng mái nhà, từng chiếc ao làng, giếng cổ, chiếc cầu đá, thủy đình… mỗi công trình kiến trúc đều chứa đựng trong đó những giá trị tinh hoa của di sản văn hóa mà cha ông để lại. Tất cả đều được họa sĩ Thành Chương dày công sưu tập, chăm sóc.
Ngoài ra, Việt phủ còn ẩn chứa kiến trúc tôn giáo với biểu hiện đầy đủ những cốt lõi tâm linh của người Việt. Các công trình tượng Phật, đền thờ Đức Thánh Trần, điện thờ Mẫu, nhà Thanh Tĩnh nối tiếp nhau trong khuôn viên chính giữa Việt phủ. Nơi đây cũng thường xuyên đón tiếp các đoàn khách dâng hương lễ phật cũng như tổ chức nghi lễ hầu đồng tại Đền Thờ Mẫu.
Mong có thêm người đồng hành
Ban đầu, Thành Chương không có ý định sẽ biến không gian nơi đây trở thành địa điểm du lịch mà chỉ là tư gia, là nơi thỏa mãn niềm đam mê di sản văn hóa Việt. Nhưng sự quan tâm, yêu thích và ngưỡng mộ của công chúng đối với công trình và sự lan tỏa thực tế vượt trên sự tưởng tượng của tác giả và gia đình. Mọi người đến thưởng lãm quá đông tới nỗi, họa sĩ Thành Chương phải đào một cái hầm riêng để sinh hoạt, sáng tác tranh. Sau 8 năm mở cửa miễn phí, năm 2009, gia đình đã chính thức thu tiền vé, coi Việt phủ thành nơi tham quan, thưởng lãm dành cho tất cả mọi người.
Sở dĩ, Việt phủ Thành Chương không gọi là bảo tàng bởi theo bà Ngô Hương - Giám đốc điều hành Việt phủ Thành Chương cho biết: “Chúng tôi không có ý định đưa Việt phủ Thành Chương thành bảo tàng. Điều đó làm nghèo đi ý nghĩa của không gian nghệ thuật này. Theo chủ quan, chúng tôi gọi là không gian văn hóa Việt phủ Thành Chương”.
Ba năm trước, Việt phủ bị dư luận “quy án” xây trên đất rừng. Trước thông tin trên, “cha đẻ” của Việt phủ lặng thinh và tiếp tục đam mê còn dang dở. Nhân ngày Việt phủ tròn 15 tuổi, mới đây họa sĩ Thành Chương mới trải lòng: “Dư luận nhận định Việt phủ Thành Chương xây trên đất rừng đặc dụng là không chính xác. Đây là phần giáp ranh giữa đất rừng với đất thổ cư. Trước khi xây dựng, khu đất này là đồi hoang trọc, hoang hóa suốt nhiều năm liền. Trước đó nhiều năm khu đất này chỉ được phép trồng keo và bạch đàn nhưng sau đó đã được chuyển đổi thành đất vườn trồng cây ăn quả. Như vậy, Việt phủ được xây dựng trên đất vườn chứ không phải đất rừng”.
Việt phủ là công trình tư nhân nên mọi nỗ lực bảo tồn đều do vợ chồng họa sĩ Thành Chương bỏ tiền túi (chủ yếu từ tiền bán tranh) ra làm. Tiền bán vé chỉ góp phần nhỏ vào duy tu, bảo dưỡng kiến trúc. Không muốn độc hành, hơn ai hết, “cha đẻ” của Việt phủ luôn mong muốn nhận được sự hợp tác chuyên sâu của các tổ chức, cá nhân để tiếp tục hành trình bảo tồn không gian Việt cho thế hệ mai sau.