Với thứ hạng này, Việt Nam là một trong 4 quốc gia có thu nhập trung bình được WIPO đánh giá là đang bắt kịp đà tăng của chỉ số đổi mới sáng tạo trên thế giới.
Theo bản đánh giá vừa được công bố về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2021 của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ toàn cầu (WIPO), Việt Nam tiếp tục được WIPO nhận định: “Việt Nam nằm trong số 50 nền kinh tế GII có tiến bộ đáng kể nhất trong xếp hạng đổi mới sáng tạo theo thời gian. Cùng với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Philippines, Việt Nam có tiềm năng thực sự để thay đổi cục diện đổi mới sáng tạo toàn cầu trong những năm tới”.
Theo đánh giá của WIPO năm 2021, chỉ số GII của Việt Nam có kết quả nổi bật về Trình độ phát triển của thị trường, xếp hạng 22, tăng 12 bậc (vị trí 34 năm 2020). Trong đó, tiến bộ mạnh mẽ nhất là nhóm chỉ số về Thương mại, đa dạng hóa và quy mô thị trường đã tăng 34 bậc (từ thứ hạng 49 lên 15).
Nhóm chỉ số về Tín dụng của Việt Nam tiếp tục giữ thứ hạng 9 đã đạt được từ năm 2020, và là nhóm chỉ số có thứ hạng cao nhất trong tổng số 21 nhóm chỉ số của GII.
Trong nhóm chỉ số về Liên kết đổi mới sáng tạo, chỉ số Hợp tác đại học - doanh nghiệp trong trong nghiên cứu và phát triển, tăng 31 bậc (từ hạng 65 lên 34). Chỉ số Quy mô phát triển cụm công nghiệp tăng 25 bậc (từ hạng 42 lên 17)...
Một số chỉ số đầu vào đổi mới sáng tạo mặc dù thứ hạng còn thấp nhưng đã có cải thiện nhất định so với năm 2020. Cụ thể, chỉ số Chất lượng các quy định pháp luật tăng 6 bậc (từ hạng 99 lên 93); chỉ số Lao động nữ có trình độ chuyên môn kĩ thuật cao (% tổng lao động) tăng 5 bậc (từ hạng 84 lên 79)...
Về đầu ra đổi mới sáng tạo, một số chỉ số có cải thiện đáng ghi nhận dù thứ hạng còn thấp, như chỉ số Xuất khẩu dịch vụ ICT (% tổng giao dịch thương mại) tăng 11 bậc (từ hạng gần cuối 126 lên 115); chỉ số Xuất khẩu dịch vụ văn hóa và sáng tạo (% tổng giao dịch thương mại) tăng 6 bậc (từ hạng 97 lên 91).
Theo ông Marco M. Aleman - Đặc phái viên Tổng giám đốc WIPO, Việt Nam tiếp tục là tấm gương cho các nước đang phát triển khác trong việc coi đổi mới sáng tạo là một ưu tiên quốc gia. Việc Chính phủ sử dụng GII như một công cụ đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo của quốc gia là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển quốc gia. Các quốc gia khác đang học hỏi từ Việt Nam về cách sử dụng GII một cách có hệ thống để đánh giá những thay đổi về kết quả hoạt động đổi mới sáng tạo ở cấp độ cao nhất.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn có một số mặt hạn chế về hạ tầng, dịch vụ công nghệ thông tin-truyền thông (ICT) tuy đã có những tiến bộ vượt bậc trong những năm qua nhưng chưa theo kịp sự phát triển chung của thế giới, vẫn còn đi sau nhiều quốc gia trên thế giới.
Ngành công nghiệp sáng tạo đã xuất hiện những chỉ dấu tích cực, nhưng xét tổng thể chưa được chú trọng và có chiến lược phát triển rõ ràng. Các hoạt động đầu tư nói chung, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển và cho đổi mới sáng tạo nói riêng còn ở mức thấp. Các ngành sử dụng nhân lực trình độ cao chiếm tỉ trọng nhỏ. Chưa có nhiều trường đại học có chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế để đào tạo nhân lực trình độ cao, tham gia các hoạt động nghiên cứu và phát triển, sáng tạo tri thức, lan truyền tri thức. Các đại học ở Việt Nam chưa thu hút được nhiều sinh viên quốc tế đến học tập và nghiên cứu.